Số lượt truy cập

1550844

/ Tin tức

Cơ hội kết nối cung - cầu cho doanh nghiệp hỗ trợ

Đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp (DN) dần thích nghi với tình hình mới để tiếp tục sản xuất. Để đảm bảo sản xuất, nhiều DN có vốn đầu tư trong nước, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã chú trọng hơn đến việc tìm nguồn cung nguyên liệu trong nước. Đây là cơ hội để các DN kết nối cung - cầu.

Đồng Nai là một trong những trung tâm hàng đầu của Việt Nam về sản xuất công nghiệp hỗ trợ. Sản phẩm làm ra chủ yếu xuất khẩu qua các nước trên thế giới, tỉ trọng tiêu thụ ở thị trường trong nước rất ít. Nếu kết nối cung - cầu tốt sẽ giúp cho DN FDI và DN có vốn đầu tư trong nước mở rộng được thị trường tiêu thụ và giảm nhập siêu.

* Nhu cầu tìm nguyên liệu trong nước tăng

Qua tìm hiểu của phóng viên, nhiều DN FDI tại Đồng Nai cho hay, họ rất muốn tìm đối tác cung ứng sản phẩm đầu vào tại Việt Nam để giảm bớt nhập khẩu. Như vậy, DN sẽ chủ động hơn trong sản xuất, kinh doanh, giảm được nhiều thời gian chờ đợi và chi phí vận chuyển hàng hóa từ nước ngoài về. Trong bối cảnh thời gian vận chuyển hàng hóa trên thế giới tăng gấp đôi, chi phí vận chuyển tăng 3-4 lần, việc đi lại giữa các nước để kiểm tra hàng hóa trước khi mua khó khăn thì việc tìm được nhà cung ứng trong nước là điều nhiều DN mong muốn.

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết: “Khoảng 4-5 trước, ngành dệt may Việt Nam phải nhập khẩu nguyên liệu đến 80%, nhưng hiện nay chỉ còn nhập 50%. Trong đó, có những đơn hàng nguyên liệu trong nước đáp ứng được trên 90%. Các DN ngành dệt may đều rất muốn tìm nguồn nguyên phụ liệu trong nước để giảm nhập khẩu. Do đó, những DN phụ trợ cho ngành dệt may có sản phẩm đảm bảo chất lượng, giá cạnh tranh rất dễ mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước”.

Hiệp hội Dệt may Việt Nam đã có kế hoạch phát triển cho 5-10 năm tới, mục tiêu giảm nhập khẩu nguyên liệu, tăng xuất khẩu. Mục tiêu trên sẽ mở rộng cửa cho DN ngành công nghiệp hỗ trợ dệt may phát triển mở rộng thị phần nội địa.

Nhiều ngành khác như: sản xuất máy tính, điện tử và linh kiện; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng; phương tiện vận tải, phụ tùng; giày dép; xơ sợi dệt; sản phẩm sắt thép... đều có xu hướng tìm mua nguyên liệu trong nước.