Số lượt truy cập

1477215

/ Tin tức

Đối mặt với rào cản tư duy của ngành nhuộm tại Việt Nam

Theo thống kê của Hiệp hội dệt may, trình độ công nghệ trong ngành nhuộm nước ta hiện nay chậm hơn các nước trong khu vực xung quanh khoảng 15 năm. Số doanh nghiệp sử dụng công nghệ đồng bộ cao chỉ chiếm khoảng 15 đến 20%, còn phần lớn doanh nghiệp vẫn sử dụng công nghệ trung bình và thấp. Vì sao thực trạng này, hàng chục năm vẫn không thay đổi, rào cản nào buộc ngành dệt nhuộm vẫn chưa thể phát triển đi lên.

Nhìn từ thực tiễn

Nhiều làng nghề lụa tới nay vẫn làm nhuộm kiểu thủ công, vì đặc thù hộ kinh doanh nhỏ, không sẵn sàng để đầu tư công nghệ, nên họ vừa làm, vừa phải chấp nhận hệ lụy môi trường từ chính sinh kế của mình. Nhiều doanh nghiệp ngành nhuộm, có vốn, có đầu ra sản phẩm, muốn đầu tư cho ngành nhuộm, thì vẫn là chưa đủ. Vì tư duy các địa phương hiện nay gần như không chấp nhận làm nhuộm nữa. Thậm chí nhiều địa phương đã đưa nội dung không khuyến khích đầu tư nhuộm và may mặc vào nghị quyết của tỉnh ủy.

Ông Vũ Huy Đông, Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Damsan cho biết:

"Khi mà thực hiện tiếp nhận chủ trương dự án tẩy nhuộm vào địa phương thì gặp các rào cản. Các sở ngành đều từ chối vì đã có quyết định tỉnh ủy hạn chế các dự án này nên không thể vượt qua được."

 

Ông Vũ Huy Đông - Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Damsan

Quy mô xuất khẩu của ngành dệt may mỗi năm gần 40 tỷ USD, với 1 quy trình cơ bản Dệt – Nhuộm – May. Thế nhưng mắt xích yếu nhất hiện giờ vẫn là nhuộm, khi chỉ đáp ứng được có khoảng 10% nhu cầu, khiến dệt may Việt Nam chưa thể đáp ứng được cam kết nội địa hóa trong các hiệp định thương mại như EVFTA.

Hướng tới phát triển bền vững

Theo nhận định của các chuyên gia, giải quyết được nút thắt trong khâu nhuộm giúp gia tăng vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu, tận dụng triệt để ưu đãi thuế quan của hiệp định thương mại tự do như EVTFA hay CPTPP.  Hiểu rõ được điều này, nhiều doanh nghiệp bắt đầu có sự đầu tư bài bản, có chiến lược dài hạn, để tận dụng khoảng trống còn thiếu của ngành nhuộm.

Ông TRẦN ĐĂNG TRƯỜNG, Giám đốc Công ty Cổ phần Dệt Bảo Minh:

"Những sản phẩm này được đánh giá là sản phẩm sạch, vì chúng tôi sử dụng nguyên liệu thuốc nhuộm, bông, nguyên liệu được khách hàng audit, đánh giá. Nó tạo dựng chất lượng và niềm tin với khách hàng."

Theo đó, các chi phí vận hành khác như chi phí nhân công, chi phí năng lượng cũng giảm phân nửa khi áp dụng theo quy trình công nghệ mới. Mặt khác, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài cũng sẽ được thực hiện có chọn lọc, các dự án đầu tư dệt nhuộm với công nghệ hiện đại sẽ được ưu tiên, kiểm soát tốt khâu xử lý nước thải để không gây ô nhiễm môi trường.

Nguồn: http://vsi.gov.vn/vn/chi-tiet-tin-tuc/doi-mat-voi-rao-can-tu-duy-cua-nganh-nhuom-tai-viet-nam-c1e0id1110.html