Số lượt truy cập

1538290

/ Tin tức

Đồng Nai: Một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của Ngành Công Thương năm 2022

Căn cứ Nghị quyết 03-NQ/TU ngày 06/12/2021 của Tỉnh ủy; Nghị quyết 32/NQ-HĐND ngày 08/12/2021 của HĐND tỉnh; Quyết định số 5038/QĐ-UBND ngày 14/12/2021 của UBND tỉnh về giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển KTXH, QPAN năm 2022 trên địa bàn tỉnh; Trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2021, Ngành Công Thương Đồng Nai dự kiến các mục tiêu tăng trưởng năm 2022 và đưa ra một số nhiệm vụ thực hiện

Thứ nhất. Về dự kiến chỉ tiêu tăng trưởng năm 2022

- Phấn đấu Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7-8% so năm 2021, trong đó nhóm ngành chế biến, chế tạo tăng trên 7,5%.

- Phấn đấu Tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ đạt từ 204 – 206 ngàn tỷ đồng, tăng 9-10% so cùng kỳ năm 2021 (doanh thu bình quân 1 tháng khoảng 17 ngàn tỷ đồng). Tỷ trọng doanh thu thương mại điện tử đạt 10%.

- Phấn đấu Kim ngạch xuất khẩu phấn đấu đạt từ 23,6- 23,8 tỷ USD, tăng 8,0-8,5% so với năm 2021 (kim ngạch xuất khẩu bình quân 1 tháng khoảng 1,95 tỷ USD). Kim ngạch nhập khẩu đạt 20,5 - 20,8 tỷ USD, tăng 10-11% so năm 2021. Duy trì mức xuất siêu khoảng 3 tỷ USD.


Thứ hai. Về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm

Một: Khẩn trương xây dựng Chương trình hành động của Ngành Công Thương nhằm cụ thể hóa Nghị quyết của Tỉnh ủy, của HĐND tỉnh; Chương trình công tác của Bộ Công Thương, của UBND tỉnh về mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp phát triển KTXH-QPAN năm 2022. Theo dõi, đánh giá tiến độ triển khai thường xuyên, định kỳ để có điều chỉnh, bổ sung kịp thời, phù hợp với diễn biến tình hình KTXH thực tế của tỉnh, của ngành công thương.

Hai: Tiếp tục tham mưu triển khai các nhóm nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị số 20/CT-UBND của UBND tỉnh về các biện pháp tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trên địa bàn và Kế hoạch số 14390/KH-UBND ngày 22/11/2021 của UBND tỉnh về phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế trên địa bàn tỉnh.

1. Tập trung triển khai Chương trình bình ổn giá một số mặt hàng thiết yếu năm 2021-2022, phục vụ Tết Nguyên đán năm 2022 và sẵn sàng ứng phó với các diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19; không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá.

2. Chỉ đạo Ngành Điện và các doanh nghiệp sản xuất oxy y tế, hóa chất tẩy rửa, dung dịch sát khuẩn xây dựng kế hoạch đảm bảo cung cấp kịp thời, an toàn liên tục, không để thiếu hụt nguồn cung trong những trường hợp cấp bách.

3. Tiếp tục tuyên truyền, khuyến cáo doanh nghiệp xây dựng kế hoạch đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19, thành lập một hoặc nhiều “Tổ an toàn Covid” để thích ứng với “trạng thái bình thường mới”, tránh nguy cơ lây nhiễm cao dẫn đến phải ngừng sản xuất do thiếu hụt nguồn lao động.

Ba: Phối hợp, đôn đốc các sở, ngành, địa phương tham mưu ban hành các cơ chế, chính sách mới, làm căn cứ triển khai cho giai đoạn 2021- 2025, đó là:

1. Chính sách hỗ trợ đầu tư hạ tầng điện nông thôn giai đoạn 2021-2025.

2. Chính sách Quy định đấu thầu quản lý và khai thác chợ trên địa bàn tỉnh

Bốn: Tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, địa phương tham mưu triển khai cụ thể hóa các Chương trình, Đề án, Kế hoạch đã được Bộ Công Thương, UBND tỉnh phê duyệt, phấn đấu đưa các nội dung Nghị quyết của Đảng, cơ chế, chính sách của Nhà nước đến với doanh nghiệp, người dân biết, thụ hưởng, trọng tâm gồm:

1. Nghị quyết số 11/2021/NQ-HĐND ngày 30/7/2021 của HĐND tỉnh về hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp. Hoàn thành việc thẩm định hồ sơ để hỗ trợ vốn đầu tư hạ tầng CCN Xuân Hưng - huyện Xuân Lộc; phấn đấu triển khai đầu tư 02 cụm chế biến sâu nông sản tại 2 huyện Định Quán, Cẩm Mỹ của tỉnh.

2. Nghị quyết số 12/2021/NQ-HĐND ngày 30/7/2021 của HĐND tỉnh quy định nội dung chi và mức chi hỗ trợ Chương trình xúc tiến thương mại.

3. Chương trình hành động của UBND tỉnh về phát triển công nghiệp, thương mại trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

4. Chương trình phát triển thương mại, dịch vụ tổng hợp hiện đại trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2021- 2025: phối hợp mời gọi các dự án đầu tư các vào loại hình kinh doanh thương mại hiện đại; đầu tư dịch vụ logistic.

5. Kế hoạch phát triển thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021- 2025: Năm 2022, hỗ trợ các doanh nghiệp, đơn vị cơ sở tham gia, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp; nâng cao hiệu quả hoạt động của Sàn giao dịch TMĐT tỉnh.

6. Chương trình thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm chủ lực của tỉnh: Năm 2022, tập trung triển khai các nhiệm vụ hỗ trợ thông tin về thị trường xuất khẩu; tuyên truyền về các Hiệp định Thương mại tự do đa phương và song phương Việt Nam đã tham gia ký kết đến doanh nghiệp.

7. Kế hoạch cung cấp điện hàng năm trên địa bàn tỉnh

Năm 2022, bảo đảm đủ nguồn điện phục vụ sản xuất kinh doanh, hạn chế đến mức tối đa việc cắt điện; giám sát việc thực hiện cung cấp điện của Điện lực Đồng Nai và việc thực hiện tiết kiệm điện của khách hàng sử dụng điện.

8. Kế hoạch sản xuất và tiêu dùng bền vững trong công nghiệp: Năm 2022, tập trung vào công tác tập huấn, tuyên truyền, phổ biến lợi ích của việc áp dụng; Khảo sát, đánh giá, hỗ trợ doanh nghiệp đề ra các giải pháp sản xuất tiết kiệm, hiệu quả.

9. Chương trình xúc tiến thương mại giai đoạn 2021- 2025:

Năm 2022, tiếp tục đổi mới cách thức tổ chức chương trình theo hướng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động XTTM; Thực hiện các hình thức XTTM mới thông qua môi trường kỹ thuật số.

10. Chương trình khuyến công giai đoạn 2021- 2025:

Năm 2022, vận động mời gọi thêm các cơ sở tham gia trưng bày sản phẩm nhằm duy trì, nâng cao hiệu quả hoạt động của phòng trưng bày sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm OCOP tỉnh Đồng Nai.

Năm: Tiếp tục rà soát các khó khăn, vướng mắc, bất cập trong triển khai các cơ chế, chính sách của ngành để tham mưu UBND tỉnh kiến nghị Bộ Công Thương sửa đổi, bổ sung kịp thời, tạo sự thống nhất trong triển khai.

Điển hình như: Nội dung kiến nghị Bộ Công Thương ban hành hướng dẫn xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật cho dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước của ngành công thương lĩnh vực khuyến công do ngành công thương quản lý.