Số lượt truy cập

1550915

/ Tin tức

Đồng Nai: Ngành Giày dép kỳ vọng tăng trưởng trong năm 2021

Đến cuối tháng 12-2020, nhiều doanh nghiệp (DN) giày dép trên địa bàn tỉnh đã nhận được đơn đặt hàng đến giữa hoặc cuối năm 2021. Nếu dịch bệnh được khống chế sớm, kim ngạch xuất khẩu giày dép trên địa bàn tỉnh trong năm tới có khả năng sẽ chạm ngưỡng 4,5 tỷ USD.

Theo Cục Thống kê Đồng Nai, giày dép hiện là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất tỉnh. Năm 2020, tổng kim ngạch xuất khẩu giày dép đạt hơn 4 tỷ USD và xuất siêu gần 3,3 tỷ USD. Đồng Nai đã xuất khẩu giày dép vào gần 80 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.

* Vượt qua cửa ải khó khăn

Sau 10 năm liên tiếp, xuất khẩu giày dép của Việt Nam cũng như Đồng Nai luôn giữ được mức tăng trưởng cao thì năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, đã khiến mặt hàng trên tăng trưởng âm. Hai thị trường xuất khẩu giày dép lớn nhất của Việt Nam là châu Âu và Hoa Kỳ đều giảm mạnh. Trong đó, nhu cầu của châu Âu với mặt hàng giày dép giảm khoảng 27% và Hoa Kỳ là 21%.

Thông tin từ Hiệp hội Da giày - túi xách Việt Nam, cả nước có hơn 1,7 ngàn doanh nghiệp (DN) sản xuất trên lĩnh vực giày dép. Đại dịch Covid-19 đã khiến cho 94% DN sản xuất giày dép bị giảm đơn hàng, nhưng từ quý III-2020, ngành Giày dép bắt đầu phục hồi và các đơn hàng dần được khơi thông. Trong 11 tháng của năm 2020, kim ngạch xuất khẩu giày dép của Việt Nam đạt 14,93 tỷ USD, giảm 9,8% so với cùng kỳ năm trước. Dự kiến kim ngạch xuất khẩu giày dép của năm 2020 khoảng 16,5 tỷ USD, giảm hơn 9% so với năm 2019.

Tại Đồng Nai, mức độ phục hồi của ngành Giày dép cao hơn bình quân chung cả nước, ước năm 2020 kim ngạch xuất khẩu sẽ đạt trên 4 tỷ USD, giảm hơn 5% so với năm 2019. Hiện Đồng Nai là một trong 4 tỉnh, thành xuất khẩu giày dép lớn nhất cả nước, chiếm hơn 25% tổng kim ngạch xuất khẩu giày dép của Việt Nam.

Ông Trần Quốc Bảo, Quản lý sản xuất Công ty CP Giày dép cao su màu (TP.Biên Hòa) cho biết: “Ngành Giày dép năm nay gặp rất nhiều khó khăn, lúc đầu là thiếu nguyên liệu đầu vào cho sản xuất và sau đó đầu ra bị thu hẹp vì dịch bệnh Covid-19. Từ cuối tháng 7-2020, có các đơn hàng trở lại và đến nay sản xuất, xuất khẩu tương đối ổn định”.

Giày dép là ngành xuất khẩu chủ lực của Đồng Nai nên xuất khẩu giảm sẽ ảnh hưởng lớn đến kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Tuy nhiên, từ quý IV-2020, sản xuất giày dép đã hồi phục và có bước tăng trưởng khá, các DN đã nhận khá nhiều đơn hàng cho mùa sản xuất cuối năm.

* Dự báo tình hình sáng sủa hơn

Các DN giày dép rất kỳ vọng vào năm 2021, ngành này sẽ hồi phục hoàn toàn và có những bước tăng tốc. Mức phục hồi của ngành giày dép Việt Nam so với các nước khác nhanh hơn. Đến nay, nhiều DN đã nhận được đơn hàng đến giữa và cuối năm sau. Giày dép mỗi năm có hai mùa là mùa đầu năm từ tháng 1 đến đầu tháng 4 và mùa cuối năm từ cuối tháng 9 đến tháng 12. Thị trường xuất khẩu giày dép lớn nhất của Việt Nam cũng như Đồng Nai là các nước thuộc Liên minh châu Âu và Hoa Kỳ.

Ông Nguyễn Thanh Phương, Trưởng phòng Đối ngoại Công ty TNHH Changshin Việt Nam ở Khu công nghiệp Thạnh Phú (H.Vĩnh Cửu) chia sẻ: “Công ty đã nhận được đơn hàng đến cuối năm 2021 nên đang triển khai dự án mở rộng nhà xưởng để tăng công suất thêm 30 ngàn đôi giày/ngày.

Khoảng tháng 9, 10 năm tới dự án hoàn thành đi vào hoạt động, công ty có thể cung ứng cho thị trường 160 ngàn đôi giày/ngày”. Công ty TNHH Changshin Việt Nam là một trong 5 DN sản xuất, xuất khẩu giày dép lớn nhất tại Đồng Nai. Sản phẩm làm là chủ yếu xuất khẩu vào gần 30 quốc gia, vùng lãnh thổ. Theo ông Phương, dù xảy ra dịch bệnh nhưng công ty mới đưa nhà máy ở Khu công nghiệp Tân Phú (H.Tân Phú) vào hoạt động với 2 ngàn lao động.

Các DN giày dép khác trên địa bàn cũng cho hay, tình hình sản xuất năm 2021 sẽ thuận lợi hơn, một số đơn hàng từ Trung Quốc đang dời về Đồng Nai.

Ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Hiệp hội Da giày – túi xách Việt Nam cho rằng, sự phục hồi của ngành Giày dép phụ thuộc khá lớn vào tình hình dịch bệnh Covid-19. Đầu năm 2021, dịch bệnh trên thế giới được khống chế, ngành Giày dép sẽ có cơ hội bứt phá vì chuỗi cung ứng giày dép thế giới đang được sắp xếp lại và dự tính sẽ dịch chuyển về Việt Nam và các nước trong khu vực ASEAN. Các DN nước ta có cơ hội đón được các đơn hàng lớn vì có thể hoàn thành những đơn hàng khó trong thời gian ngắn.