Số lượt truy cập

1478319

/ Tin tức

Đồng Nai: Tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tháng 8/2020 giảm 4,64%

* Tháng 8 năm 2020 tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ ước đạt 14.997,9 tỷ đồng, giảm 4,64% so tháng trước và tăng 6,09% so cùng tháng năm trước. Trong đó: Kinh tế Nhà nước ước đạt 894,57 tỷ đồng, giảm 5,79% so tháng trước và giảm 9,56% so cùng tháng năm trước; Kinh tế ngoài nhà nước ước đạt 13.765,1 tỷ đồng, giảm 4,54% so tháng trước và tăng 7,64% so cùng kỳ; Kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 338,26 tỷ đồng, giảm 5,5% so tháng trước và giảm 5,81% so cùng tháng năm trước. Tình hình cụ thể ở các ngành hoạt động như sau:

Tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng 8/2020, ước đạt 11.794,74 tỷ đồng, giảm 3,06% so tháng trước và tăng 11,52% so cùng kỳ. Hoạt động kinh doanh ngành thương mại trên địa bàn tỉnh trong tháng 8/2020 có xu hướng giảm do chịu ảnh hưởng của dịch covid-19 bùng phát trở lại. Thực hiện theo công văn số 9026/UBND-KGVX ngày 3/8/2020 của UBND tỉnh Đồng Nai về việc tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống dịch trên địa bàn tỉnh quy định các nhà hàng, cơ sở kinh doanh ăn uống giảm công suất phục vụ, các đơn vị vận tải tạm dừng các hoạt động vận chuyển khách liên tỉnh… Bên cạnh đó do tâm lý e ngại của người dân hạn chế đến nơi đông người đã tác động tới sức tiêu thụ hàng hóa trên thị trường làm cho tổng mức bán lẻ trong tháng 8 giảm so với tháng trước. Cụ thể ở một số nhóm ngành tăng, giảm so tháng trước như: Nhóm lương thực, thực phẩm ước đạt 2.858,47 tỷ đồng (-5,77%); May mặc (-3,13%); Đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình (-2,35%); Nhóm vật phẩm văn hóa giáo dục (-3,37%); Gỗ và vật liệu xây dựng (-2,55%); Ô tô con dưới 9 chỗ ngồi (-1,49%); Xăng, dầu các loại (-1,28%); Vàng, bạc, đá quý, kim loại quý (-0,17%)…

Doanh thu lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành tháng 8/2020 ước đạt 1.267,79 tỷ đồng, giảm 6,76% so với tháng trước, gảm 6,51% so với tháng cùng kỳ năm trước. Thực hiện văn bản số 9026/UBND-KGVX ngày 3/8/2020 của Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Đồng Nai về việc tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, nên người dân hạn chế đi ra ngoài, nhiều doanh nghiệp và cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống giảm công suất phục vụ và lữ hành tạm ngưng hoạt động đến hết ngày 31/8/2020 đã ảnh hưởng nhiều đến doanh thu trong tháng 8 của các ngành này. Cụ thể:

+ Doanh thu dịch vụ l­ưu trú ước đạt 18,66 tỷ đồng, giảm 11,4% so với tháng trước, giảm 30,91% so với tháng cùng kỳ năm trước; Lượt khách phục vụ: 193.514 lượt khách giảm 2,08% so với tháng trước và so với tháng cùng kỳ năm trước giảm 30,44%; Ngày khách phục vụ: 118.952 ngày giảm 1,77% so với tháng trước và so với tháng cùng kỳ năm trước giảm 42,57%.

+ Dịch vụ ăn uống ước đạt 1.246,19 tỷ đồng, giảm 6,64% so với tháng trước, giảm 5,65% so với tháng cùng kỳ.

+ Dịch vụ lữ hành và hoạt động hỗ trợ du lịch ước đạt 2,94 tỷ đồng, giảm 20,88% so với tháng trước, giảm 64,48% so với tháng cùng kỳ năm trước. Lượt khách du lịch theo tour 3.260 lượt giảm 21,73% so với tháng trước và so với tháng cùng kỳ năm trước giảm 76,74%; Ngày khách du lịch theo tour 8.148 ngày gảm 18,36% so với tháng trước và so với tháng cùng kỳ năm trước giảm 73,03%.

Doanh thu hoạt động dịch vụ tháng 8/2020 ước đạt 1.935,41 tỷ đồng, giảm 12,09% so tháng trước và giảm 12,2% so tháng cùng kỳ. Nhiều doanh nghiệp và cơ sở kinh doanh dịch vụ làm đẹp, Spa, mát xa, hớt tóc, phòng tập Gym, Yoga, tiệm nét, rạp chiếu phim, điểm du lịch, chợ đêm… tạm ngưng hoạt động đến hết ngày 31/8/2020 đã ảnh hưởng nhiều đến doanh thu trong tháng 8 của các ngành này.

* Dự ước tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ 8 tháng/2020 đạt 120.731 tỷ đồng, tăng 4,78% so cùng kỳ. Trong đó:

Tổng mức bán lẻ hàng hoá 8 tháng năm 2020, ước đạt 95.167,45 tỷ đồng, tăng 9,37% so với cùng kỳ. Mặc dù ảnh hưởng của dịch covid-19 lượng người dân mua sắm hàng hóa giảm do một phần đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn vì phải nghỉ việc không lương hoặc phải tạm ngưng kinh doanh một số ngành dịch vụ và người dân chi tiêu tiết kiệm hơn. Tuy vậy một số các mặt hàng thiết yếu sức mua trên thị trường vẫn tăng cao; Bên cạnh đó việc mua hàng online ngày càng phổ biến và phát triển rộng rãi đã giúp người dân mua hàng không cần phải đến nơi công cộng trong thời điểm dịch bệnh tái bùng phát. Nên ước Tổng mức bán lẻ hàng hóa 8 tháng năm 2020 vẫn tăng khá so cùng kỳ. Một số nhóm có tăng trưởng cao so cùng kỳ là: Lương thực, thực phẩm tăng 11,88%; hàng may mặc tăng 5,44%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 5,27%; Gỗ và vật liệu xây dựng tăng 8,78%; Ô tô con dưới 9 chỗ ngồi tăng 13,11%; Phương tiện đi lại tăng 10,58%; Xăng dầu các loại tăng 6,57%...

Doanh thu lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành 8 tháng năm 2020, ước đạt 9.742 tỷ đồng, giảm 6,51% so với cùng kỳ năm trước. Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhiều đơn vị kinh doanh ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành đã phải tạm ngưng hoạt động nên không có doanh thu. Bên cạnh đó, việc áp dụng “Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019, Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt” đã ảnh hưởng không nhỏ tới doanh thu của các đơn vị kinh doanh ăn uống dẫn tới doanh thu ngành lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành giảm. Cụ thể:

Doanh thu dịch vụ l­ưu trú ước đạt 146,41 tỷ đồng, giảm 32,24% so với cùng kỳ; Lượt khách phục vụ: 1.452.514 lượt khách, so với cùng kỳ giảm 34,77%; Ngày khách phục vụ: 964.554 ngày, so với cùng kỳ giảm 41,75%.

Dịch vụ ăn uống ước đạt 9.566,78 tỷ đồng, giảm 9,52% so với cùng kỳ.

Dịch vụ lữ hành và hoạt động hỗ trợ du lịch ước đạt 29,82 tỷ đồng, giảm 55,29% so cùng kỳ; Lượt khách du lịch theo tour 41.289 lượt, so cùng kỳ giảm 62,8%; Ngày khách du lịch theo tour 92.739 ngày, so với cùng kỳ giảm 61,42%.

Doanh thu dịch vụ khác dự ước 8 tháng đạt 15.821,54 tỷ đồng, giảm 8,79% so cùng kỳ. Ngành giáo dục từ đầu năm đến nay nhiều trung tâm và Trường học đóng cửa, học sinh nghỉ học dài hạn dẫn đến doanh thu ngành giáo dục giảm mạnh; Ngành vui chơi, giải trí do tâm lý e ngại tới những nơi đông người trong thời gian dịch bệnh nên doanh thu giảm. Nhiều cơ sở kinh doanh do không có doanh thu phải phá sản, chuyển nhượng kinh doanh. Một số đơn vị khác hoạt động cầm chừng nhưng doanh thu không cao. Cụ thể: Doanh thu dịch vụ kinh doanh bất động sản giảm 14,17%; Doanh thu dịch vụ hành chính và dịch vụ hỗ trợ giảm 1,55%; Dịch vụ giáo dục và đào tạo giảm 16,31%; Dịch vụ y tế và hoạt động trợ giúp xã hội tăng 12,43%; Dịch vụ nghệ thuật, vui chơi giải trí giảm 13,82%; Doanh thu dich vụ sữa chữa máy vi tính, đồ dùng cá nhân và gia đình giảm 13,84%; Doanh thu dich vụ khác giảm 8,31% so cùng kỳ.