Số lượt truy cập

1538121

/ Tin tức

Đồng Nai: Xây dựng 02 kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2021 của tỉnh

Căn cứ số liệu các chỉ tiêu kinh tế xã hội 7 tháng đầu năm 2021 và diễn biến tình hình thực tế sản xuất kinh doanh trên địa bàn hiện nay và dự báo tình hình sản xuất kinh doanh những tháng cuối năm, Cục Thống kê dự báo kịch bản tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm và cả năm 2021

Theo đó:

1. Kịch bản 1: Trong điều kiện thuận lợi hơn, dịch Covid-19 trên địa bàn sẽ được khống chế vào cuối quý 3/2021, từ đầu quý 4/2021 hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trở lại trạng thái bình thường, thực hiện tốt giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, các doanh nghiệp tập trung đẩy mạnh sản xuất
sau dịch, thì diễn biến ở các ngành sản xuất kinh doanh như sau:
- Ngành sản xuất công nghiệp: Chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm tăng 7,6%, ước 7 tháng tăng 7,12%; tháng 8 và tháng 9 tiếp tục bị ảnh hưởng của dịch, vì vậy quý 3/2021 dự kiến chỉ tăng khoảng 6%; quý 4/2021 sản xuất ổn định lại, đẩy mạnh sản xuất để xuất khẩu và tiêu thụ sản phẩm trong nước, nên quý 4/2021 dự kiến tăng trên 8% và 6 tháng cuối năm tăng khoảng 8%, do đó dự ước cả năm chỉ số sản xuất công nghiệp tăng khoảng 7,5% đây là mức tăng khá.
- Ngành dịch vụ: Đây là ngành chịu ảnh hưởng năng nề nhất, từ cuối tháng 4 đến nay; đặc biệt là cuối tháng 6 đến nay nhiều hoạt động dịch vụ tạm ngưng hoạt động, ngày càng siết chặt, chỉ còn kinh  doanh thương mại duy trì hoạt động, nhưng có phần hạn chế so với trước.
Sáu tháng đầu năm tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tăng 8,8%; quý 3 ảnh hưởng nặng, nếu quý 4 hoạt động ổn định trở lại và dịp cuối năm có điều kiện tăng cao thì dự kiến tăng trưởng 6 tháng cuối năm sẽ tăng khoảng 7,5% và dự ước cả năm tăng khoảng 8,15%.
- Đối với khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản: Đây là khu vực ít chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, sản xuất nông nghiệp vẫn ổn định cả trồng trọt và chăn nuôi. Sáu tháng đầu năm giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 4,37%; 6 tháng cuối năm tăng thấp hơn dự kiến khoảng 3,3%. Dự ước cả
năm tăng 3,82%. 

- Đối với thuế sản phẩm: 6 tháng đầu năm các khoản thu ngân sách đạt cao; 6 tháng cuối năm có ảnh hưởng của sản xuất kinh doanh giảm sút nên thu ngân sách tăng trưởng thấp hơn 6 tháng đầu năm nhưng dự ước vẫn tăng khá và ước cả năm vẫn tăng cao hơn nhiều so với năm trước.
Với nhận định về các khu vực kinh tế như trên thì dự báo tăng trưởng GRDP ở phương án 1 (phương án cao) tăng khoảng 6%;   

II. Kịch bản 2: Trong điều kiện dịch Covid-19 cuối quý 3 chưa được khống chế, tiếp tục ảnh hưởng đến kết quả quý 4, thì sẽ ảnh hưởng lớn đến sản xuất kinh doanh, ảnh hưởng nặng nhất là khu vực Công nghiệp và Dịch vụ. 

- Đối với khu vực công nghiệp: 6 tháng đầu năm chỉ số sản xuất là 7,6%; quý 3 khoảng 6% (như kịch bản 1) nhưng quý 4 tăng thấp hơn kịch bản 1 (tăng khoảng 6%) như vậy 6 tháng cuối năm tăng khoảng 6,5% - 6,7% (đây là mức tăng tương đối thấp).
- Đối với khu vực dịch vụ: Nếu quý 4 chưa khống chế được dịch thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các  ngành Dịch vụ, doanh thu sẽ giảm mạnh, dự ước tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ 6 tháng cuối năm chỉ tăng khoảng 5% (6 tháng đầu năm tăng 8,8%) bình quân cả năm tăng khoảng 6%, thấp hơn kịch bản 1 rất nhiều.
- Đối với khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản: Cơ bản vẫn như kịch bản 1, giảm không đáng kể.
- Đối với Thuế sản phẩm: Nếu dịch kéo dài đến hết quý 4; sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng dẫn tới thu ngân sách cũng sẽ ảnh hưởng nhất định, tăng trưởng thu ngân sách thấp hơn kịch bản 1 nhưng thấp hơn không nhiều.
- Với nhận định các khu vực kinh tế như trên, ở kịch bản này dự kiến GRDP 6 tháng cuối năm đạt khoảng 4,65%, ước cả năm tăng khoảng 5,18% (vẫn cao hơn so với 4,44% của năm 2020).
Số liệu các kịch bản tăng trưởng này Cục Thống kê tính toán xây dựng phục vụ cho yêu cầu công tác chỉ đạo, điều hành của Lãnh đạo tỉnh và các Sở, ngành 6 tháng cuối năm.  Và làm cơ sở để xây
dựng kế hoạch kinh tế xã hội các địa phương năm 2022.

Phạm Châu Tuấn (theo nguồn số liệu báo cáo của CTK tỉnh)