Số lượt truy cập

1474670

/ Tin tức

EVFTA tạo sức bật cho thương mại trong tình hình mới

Trong bối cảnh kinh tế, giao thương toàn cầu vẫn phải đối mặt với những diễn biến phức tạp, khó lường của đại dịch Covid-19, kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) vẫn tăng trưởng cao hơn trước khi xảy ra dịch. Đó là do doanh nghiệp (DN) đã đón đầu được cơ hội từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), tạo nên sức bật mới.

ới.

Đồ họa thể hiện kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Đồng Nai và EU; kết quả thu hút đầu tư từ các doanh  nghiệp EU vào Đồng Nai trong thời gian qua Thông tin: Hương Giang - Đồ họa: Hải Quân
Đồ họa thể hiện kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Đồng Nai và EU; kết quả thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp EU vào Đồng Nai trong thời gian qua. Thông tin: Hương Giang - Đồ họa: Hải Quân

Theo Bộ Công thương, EU là đối tác thương mại lớn thứ 4 và là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam. Từ năm 2015 đến nay, trao đổi thương mại hai chiều giữa Việt Nam và EU tăng trưởng khoảng 9%/năm.

* “Cứu cánh” cho xuất khẩu

Sau hơn 1 năm EVFTA chính thức đi vào thực thi đã đánh dấu cột mốc lịch sử mới trên chặng đường 30 năm hợp tác và phát triển giữa Việt Nam và EU. Theo cam kết của hiệp định thì thuế quan sẽ được xóa bỏ gần 100% sau 7 năm với EU và sau 10 năm với Việt Nam. Đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, ngay khi hiệp định có hiệu lực, EU đã xóa bỏ 85,6% số dòng thuế, tương đương với 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này. EU là thị trường có 27 quốc gia thành viên với dân số 447,2 triệu người, là trung tâm kinh tế, chính trị hàng đầu thế giới. GDP năm 2020 của EU là 15,193 ngàn tỷ USD, chiếm 14,7% tổng GDP toàn cầu. Vì vậy, EVFTA được xem là “cứu cánh” cho Việt Nam trong đại dịch Covid-19, giúp cho xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng, góp phần vào phát triển kinh tế.

Trong 9 tháng của năm 2021, thương mại 2 chiều của Đồng Nai với EU là gần 2,4 tỷ USD, cán cân thương mại nghiêng về phía tỉnh với kim ngạch xuất khẩu 1,8 tỷ USD và nhập khẩu gần 540 triệu USD. Dự tính, năm nay thương mại giữa Đồng Nai và EU có thể đạt kỷ lục mới trên 3,2 tỷ USD.

Thứ trưởng Bộ Công thương Đặng Hoàng An cho biết: “Các DN tại Việt Nam đã chuẩn bị từ trước nên khi EVFTA có hiệu lực có thể hưởng được ngay những ưu đãi về thuế quan để tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa. Dù xảy ra dịch bệnh Covid-19 nhưng sau 1 năm thực thi hiệp định, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam - EU đạt 54,87 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu là 38,48 tỷ USD, tăng 11,3% và kim ngạch nhập khẩu 16,39 tỷ USD, tăng 14%. Việt Nam trở thành đối tác lớn nhất của EU tại khu vực ASEAN”.

Các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu nhiều vào EU trong thời gian qua là dệt may, giày dép, gạo, cà phê, rau quả, thủy sản. Với Đồng Nai, EU cũng là một trong 4 thị trường xuất khẩu lớn nhất với nhiều mặt hàng chủ lực là giày dép, dệt may, sản phẩm gỗ, máy móc thiết bị và dụng cụ phụ tùng, cà phê, máy tính, điện tử và linh kiện… Đồng thời, Việt Nam tăng nhập khẩu nhiều mặt hàng từ EU như: máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng, linh kiện điện tử, thức ăn chăn nuôi, hóa chất, sản phẩm sắt thép…

Ông Alain Cany, Chủ tịch Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam đánh giá: “Đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đến cả EU và Việt Nam nhưng hoạt động giao thương giữa hai bên vẫn được duy trì khá tốt, không xảy ra gián đoạn. EVFTA đã mang lại sự cạnh tranh lành mạnh, thúc đẩy DN cả hai bên cùng hợp tác phát triển, đem lại lợi ích chung cho các quốc gia cùng tham gia và người tiêu dùng. Dự tính thương mại hai chiều của Việt Nam và EU sẽ tiếp tục tăng cao trong những năm tới”.

Sản xuất linh kiện máy móc tại Công ty TNHH Friwo Việt Nam (Khu công nghiệp Amata, TP.Biên Hòa) để xuất khẩu vào thị trường EU
Sản xuất linh kiện máy móc tại Công ty TNHH Friwo Việt Nam (Khu công nghiệp Amata, TP.Biên Hòa) để xuất khẩu vào thị trường EU. Ảnh : HƯƠNG GIANG

Trong quý III, IV-2021 là thời điểm các nước thuộc EU đang phục hồi sản xuất, kinh doanh và mở rộng đầu tư. Dự tính năm 2021, GDP của EU sẽ tăng 4,8% và năm 2022 là 4,5%. Đây sẽ là cơ hội tốt cho DN ở Việt Nam phục hồi sản xuất trong tình hình mới để tăng xuất khẩu vào thị trường trên và thu hút đầu tư. Thời gian qua, xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường EU tăng cao nhưng mới chỉ tập trung ở 10 nước: Đức, Hà Lan, Pháp, Italy, Ailen, Áo, Bỉ, Tây Ban Nha, Ba Lan và Thụy Điển. Còn lại 17 quốc gia thành viên khác, Việt Nam có giao thương nhưng kim ngạch còn thấp.

* Định hướng thương mại hậu Covid-19

Hiện nay, các DN Đồng Nai đang trên đà phục hồi sản xuất, kinh doanh, tăng xuất khẩu. EU là thị trường được nhiều DN quan tâm đến trong giai đoạn hậu dịch bệnh Covid-19, vì còn nhiều cơ hội để mở rộng thương mại. Tuy nhiên, sau giai đoạn dịch bệnh, thị trường có những thay đổi, DN cần kịp thời nắm bắt. EVFTA mở ra cơ hội cho DN hai bên nhưng cũng đi kèm những thách thức, vì EU là một thị trường lớn, khó tính, đòi hỏi về chất lượng sản phẩm cao. Do đó, DN Việt Nam muốn đưa hàng hóa vào thị trường này phải chú ý đến hàng rào kỹ thuật đối với thương mại, các biện pháp kiểm dịch động - thực vật hay các biện pháp phòng vệ thương mại như: chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ.

Sản xuất hàng dệt may tại Công ty CP Tổng công ty may Đồng Nai (TP.Biên Hòa) để xuất khẩu vào thị trường EU. Ảnh: H.GIANG
Sản xuất hàng dệt may tại Công ty CP Tổng công ty may Đồng Nai (TP.Biên Hòa) để xuất khẩu vào thị trường EU. Ảnh: H.GIANG

Bà Linda Gandlose Hansen, Trưởng ban Xuất khẩu và đổi mới, Hội đồng Thương mại Đan Mạch nhấn mạnh: “EU hiện là thị trường xuất khẩu và nhập khẩu lớn nhất thế giới, đồng thời cũng là nhà cung cấp viện trợ thương mại hàng đầu. Chính sách thương mại của EU là tạo thuận lợi cho việc trao đổi hàng hóa và dịch vụ theo cách thức tạo ra cơ hội và phúc lợi kinh tế, đặt trọng tâm là lợi ích của người dân, người lao động và DN. Do đó, chuyển đổi xanh và kỹ thuật số sẽ là ưu tiên chính trong chính sách thương mại đa phương và song phương của EU”.

Theo khuyến nghị của các tham tán thương mại Việt Nam tại EU, các DN Việt Nam khi xuất khẩu sang EU cần lưu ý, EU là thị trường đòi hỏi nghiêm ngặt về tiêu chuẩn chất lượng, an toàn sản phẩm. Vì vậy, hàng hóa Việt Nam đảm  bảo các tiêu chí trên sẽ tăng số lượng xuất vào EU, nhất là những sản phẩm thế mạnh như: dệt may, giày dép, nông sản, thủy sản, sản phẩm gỗ, máy móc thiết bị và linh kiện. Đồng thời, DN Việt Nam cần cập nhật thường xuyên các chủ trương, chính sách của nhà nước, tìm hiểu nội dung EVFTA để tận dụng các cơ hội mà hiệp định này mang lại.

Ông Ngô Chung Khanh, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên cho hay: “Sau đại dịch Covid-19, EU sẽ tăng nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam, DN nên chủ động xây dựng chiến lược kinh doanh dài hạn, lựa chọn sản phẩm chiến lược vào thị trường trên. Tập trung sản xuất, kinh doanh những sản phẩm mà DN có lợi thế trên cơ sở chiến lược bài bản, rõ ràng. Đây là cơ hội tốt để DN Việt Nam phục hồi sản xuất, xuất khẩu sau dịch vì thị trường EU còn khá rộng cửa”.

Một số chuyên gia kinh tế cho rằng, sau đại dịch Covid-19, trong sân chơi EVFTA, DN Việt Nam muốn nắm bắt nhiều cơ hội nên ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, nâng cao năng suất lao động, cải thiện chất lượng. Định hướng xây dựng và mở rộng thương hiệu riêng của DN, đăng ký bảo hộ thương hiệu trong nước và ngoài nước để tránh trường hợp bị đánh cắp thương hiệu. DN cần phát triển thương hiệu riêng vững chắc để có thể khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế nói chung và EU nói riêng.

Ngoài ra, DN cần liên kết chặt chẽ với các nhà sản xuất để tạo nguồn hàng ổn định, kiểm soát tốt chất lượng nguyên liệu đầu vào. Đối với mặt hàng nông - lâm - thủy sản cần chú ý từ khâu nuôi trồng theo tiêu chuẩn EU, đảm bảo nguyên tắc xuất xứ đối với những mặt hàng được hưởng ưu đãi GSP. DN có hàng hóa xuất khẩu nên tăng cường các hoạt động giới thiệu sản phẩm tại thị trường EU để người tiêu dùng biết và chọn lựa nhiều hơn.

Ông Artur Petrosjan, Tổng giám đốc Công ty TNHH Friwo Việt Nam (Khu công nghiệp Amata, TP.Biên Hòa) chia sẻ: “Thị trường EU đã hồi phục, nhu cầu nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam rất lớn. Công ty hiện có nhiều đơn hàng từ thị trường trên nên đang tăng tốc trong phục hồi sản xuất để nâng công suất, đáp ứng đủ các đơn hàng cho đối tác tại EU. Nếu dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam cũng như EU được khống chế tốt sẽ mở ra nhiều cơ hội cho DN trong sản xuất, xuất khẩu vào thị trường này”.