Số lượt truy cập

1477216

/ Tin tức

Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV: Thông qua Nghị quyết về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, chiều 12-11, dưới sự điều hành của Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025.

Nghị quyết gồm 5 điều, trong đó đề ra 7 nhóm mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2025. Nghị quyết nêu rõ, sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, Chính phủ xây dựng Chương trình hành động thực hiện nghị quyết này, hoàn thành trước tháng 4-2022; báo cáo Quốc hội kết quả thực hiện nghị quyết trong Báo cáo về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm; báo cáo Quốc hội kết quả thực hiện nghị quyết giữa nhiệm kỳ tại kỳ họp cuối năm 2023 và cả nhiệm kỳ tại kỳ họp cuối năm 2025. Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Kinh tế, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban khác của Quốc hội, Đoàn ĐBQH và ĐBQH, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, giám sát việc thực hiện nghị quyết.

Trước đó, sáng cùng ngày, phát biểu kết thúc phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, phiên chất vấn và trả lời chất vấn đầu tiên của nhiệm kỳ đã thành công tốt đẹp, cho thấy đây là hoạt động giám sát trực tiếp hiệu quả của Quốc hội; đồng thời, đề nghị Chính phủ, các cấp, các ngành triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm thực hiện tốt hơn nữa, tạo chuyển biến tích cực đối với những vấn đề vừa được chất vấn.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, sau 2,5 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, trí tuệ và trách nhiệm cao, với tinh thần đổi mới, Quốc hội đã hoàn thành phiên chất vấn và trả lời chất vấn đầu tiên của nhiệm kỳ khóa XV trong không khí dân chủ, thẳng thắn, sôi nổi, xây dựng và đã thành công tốt đẹp.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, cùng với các bộ trưởng chịu trách nhiệm trả lời chính, các thành viên Chính phủ có liên quan gồm: Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Công an, Bộ trưởng Tài chính, Bộ trưởng KH-ĐT, Bộ trưởng GT-VT, Bộ trưởng
TT-TT, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã tham gia trả lời, giải trình, làm rõ thêm các nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã thay mặt Chính phủ báo cáo làm rõ những vấn đề thuộc trách nhiệm chung của Chính phủ và trực tiếp trả lời chất vấn của ĐBQH.

Tham gia phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp đã có 134 lượt đại biểu tham gia chất vấn, 12 đại biểu đặt câu hỏi đối với Thủ tướng Chính phủ, có 24 lượt ĐBQH đã tiến hành tranh luận để làm rõ hơn vấn đề đại biểu quan tâm.

Thủ tướng Chính phủ, các phó thủ tướng, các bộ trưởng, trưởng ngành với ý thức, trách nhiệm cao đã trả lời nghiêm túc, không né tránh những vấn đề khó, phức tạp, giải trình làm rõ nhiều vấn đề đại biểu nêu; đồng thời, nhận trách nhiệm về những mặt còn tồn tại, hạn chế của ngành, lĩnh vực; đưa ra các cam kết khắc phục để tạo sự chuyển biến tích cực trong thời gian tới.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng, qua hoạt động chất vấn tại kỳ họp này cho thấy những nhóm vấn đề được Quốc hội lựa chọn là đúng và trúng, phù hợp với thực tế, được cử tri, dư luận xã hội cả nước quan tâm, đánh giá cao, trong đó bao trùm hai vấn đề lớn.

Một là, thực trạng và kết quả, bài học kinh nghiệm của công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian qua, chiến lược tổng thể phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian tới để đảm bảo yêu cầu thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh và không để dịch bệnh bùng phát trở lại trong thời gian tới.

Hai là, việc ban hành và tổ chức thực hiện các gói hỗ trợ người dân và cho doanh nghiệp, chương trình tổng thể phục hồi, phát triển kinh tế trong thời gian tới trong và thời kỳ hậu đại dịch, gói kích thích kinh tế, tài khóa và tiền tệ và những giải pháp tiếp tục hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, điều này một lần nữa khẳng định chất vấn là hoạt động giám sát trực tiếp hiệu quả nhất của Quốc hội, góp phần tạo dấu ấn, lan tỏa cảm hứng hành động, sáng tạo trong nỗ lực đổi mới hoạt động giám sát.

Trên cơ sở chất vấn của các ĐBQH và trả lời của các thành viên Chính phủ, kết luận đối với từng phiên chất vấn về từng nhóm vấn đề, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo các cơ quan nghiên cứu, chuẩn bị nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn để trình Quốc hội xem xét, thông qua vào cuối kỳ họp, làm cơ sở để tổ chức thực hiện và giám sát theo quy định. Căn cứ tình hình thực tế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mình, tiếp tục tổ chức chất vấn tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Các cơ quan của Quốc hội trên cơ sở nghị quyết về chất vấn, tổ chức giám sát việc thực hiện những nội dung được đưa ra chất vấn, chủ động tổ chức các phiên giải trình về những vấn đề bức xúc nổi lên thuộc lĩnh vực phụ trách nhằm đáp ứng yêu cầu của cử tri và nhân dân cả nước cũng như yêu cầu phát triển bền vững của đất nước.