Số lượt truy cập

1537235

/ Tin tức

Linh hoạt giải pháp tiêu thụ nông sản trước diễn biến dịch Covid-19

Đẩy mạnh giao thương trực tuyến Điều kiện thời tiết thuận lợi, sản xuất vải, nhãn phía Bắc năm 2021 tiếp tục được mùa. Dự kiến tổng sản lượng vải đạt khoảng 340 nghìn tấn, tăng khoảng 30 nghìn tấn so với năm 2020; sản lượng nhãn phía Bắc ước đạt 300 nghìn tấn, tăng trên 13% so năm 2020. Cùng với vải, nhãn phía Bắc, thời điểm này nhiều loại nông sản, trái cây như: xoài, thanh long sầu riêng bước vào mùa thu hoạch cao điểm…. Đây cũng là những mặt hàng có sản lượng xuất khẩu lớn từ vài chục nghìn đến vài trăm nghìn tấn mỗi loại. Để hàng hóa được lưu thông thông suốt trước diễn biến khó lường của dịch bệnh Covid-19, các bộ, ngành đã có sự chủ động ngay từ đầu vụ.

Phát biểu tại hội nghị, ông Phan Văn Chinh - Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) - cho biết, Trung Quốc hiện là thị trường xuất khẩu chính các loại nông sản của Việt Nam, trong đó có vải thiều, nhãn, thanh long… Để giảm áp lực lưu thông hàng hóa đưa lên các tỉnh biên giới để xuất khẩu sang thị trường nước này, cần tăng cường các biện pháp hỗ trợ hoạt động thương mại biên giới, tạo thuận lợi về thủ tục thông quan. Về lâu dài, việc điều phối hàng hóa giữa các địa phương, các doanh nghiệp với các tỉnh biên giới để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc là vấn đề cần phải triển khai thực hiện.

Nhấn mạnh đến đặc điểm vải, nhãn thuộc nhóm cây ăn quả chủ lực, có diện tích, sản lượng lớn, mùa vụ thu hoạch tập trung trong thời gian ngắn là áp lực lớn đối với tiêu thụ, ông Phan Văn Chinh cho hay, các địa phương, doanh nghiệp cần chủ động xây dựng các kịch bản tiêu thụ.

Cũng theo ông Phan Văn Chinh, trong công tác phát triển thị trường, hiện nay, Việt Nam đã tham gia 16 hiệp định thương mại tự do (FTA). Từ khi có FTA đến nay, xuất khẩu nông lâm thủy sản tăng lên đáng kể. Ví dụ, trong khối ASEAN - Ấn Độ, thị phần xuất khẩu nông, lâm thủy sản các năm trước ở con số 8,4% - 9,1%, trong 3 tháng đầu năm 2021 con số này là 10,7%; Việt Nam - Nhật Bản con số này đạt 11,8% thay cho con số những năm trước đây là 8,5 - 9%; Việt Nam - Hàn Quốc đạt là 11,8% so với trước đây là 8,5 - 9%.

Đáng chú ý, trong khối CPTPP, thị phần xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam cũng tăng rất mạnh, 3 tháng đầu năm 2021 thị phần xuất khẩu đạt 20% thay cho con số 14 - 15% những năm trước đây; với EVFTA, thị phần xuất khẩu nông lâm thủy sản cũng chiếm tỷ trọng 12,4%, trong khi trước đây chỉ chiếm 9,8%.

Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Phan Văn Chinh (Bộ Công Thương)
Ông Phan Văn Chinh - Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương)

Nhận định, dung lượng thị trường xuất khẩu nông sản còn rất lớn, để tận dụng được cơ hội, đặc biệt trong bối cảnh Covid-19 hiện nay, ông Phan Văn Chinh cho rằng, đầu tiên bản thân doanh nghiệp cũng như các địa phương phải thay đổi cách giao dịch, xúc tiến thương mại. “Trong bối cảnh Covid-19, các hoạt động giao dịch, xúc tiến thương mại trực tiếp như đi tham quan, hội chợ sẽ không triển khai được mà cần đẩy mạnh phương thức online. Thời gian qua, các doanh nghiệp đã thực hiện tốt vấn đề này. Đây là một trong những giải pháp cần phải tiếp tục đẩy mạnh” - ông Phan Văn Chinh nói.

Riêng quả vải thiều sẽ chín rộ trong vài ngày tới, đây là loại quả có thời gian thu hoạch ngắn, tập trung sản lượng lớn vào cùng một thời điểm nên việc lưu thông phân phối có thể gặp rủi ro nếu dịch bệnh phức tạp. Hiện các tỉnh Bắc Giang và Hải Dương đã có những kịch bản tiêu thụ trong từng tình huống cụ thể. Ông Hoàng Trung – Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT)- chia sẻ, năm nay vải thiều xuất đi Nhật sẽ có những thuận lợi khi phía Nhật Bản đã chính thức ủy quyền cho Việt Nam thực hiện kiểm dịch và giám sát các công đoạn xử lý kiểm dịch vải thiều.

Chủ động khai thác tốt thị trường trong nước

Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT cũng đã tính đến tình huống xuất khẩu có thể gặp khó do dịch bệnh Covid-19. Do đó, hai Bộ đã và đang làm việc với các doanh nghiệp bán lẻ trong nước, các đầu mối thu mua phân phối để chủ động khai thác tốt thị trường trong nước.

Theo ông Hoàng Anh Tuấn- Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương): Thời gian tới, Vụ sẽ phối hợp với Sở Công Thương, Sở NN&PTNT các địa phương đánh giá sản lượng, nắm diễn biến thị trường để đưa ra kế hoạch tiêu thụ, tổ chức xúc tiến thương mại theo hình thức trực tuyến. Bên cạnh đó, Vụ cũng sẽ thường xuyên tiếp tục phối hợp Sở Công Thương địa phương, doanh nghiệp phân phối, bán buôn, bán lẻ triển khai công tác xúc tiến, hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho nông dân gặp khó khăn năm 2021.

Linh hoạt giải pháp tiêu thụ nông sản trước diễn biến dịch Covid-19
Ông Hoàng Anh Tuấn- Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương)

Về phía Bộ NN&PTNT, ông Nguyễn Quốc Toản – Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản - nhấn mạnh, để thúc đẩy tiêu thụ nông sản cho nông dân, các nhà máy chế biến nông sản cần tăng cường công suất chế biến, tập trung vào sản phẩm cấp đông, nước quả cô đặc, thủy sản đồ hộp chế biến.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam khẳng định, Bộ sẽ phối hợp với Bộ Công Thương và Bộ Tài chính thành lập Tổ công tác liên ngành để giải quyết kịp thời những vấn đề liên quan đến sản xuất và tiêu thụ nông sản, đặc biệt là ở các cửa khẩu biên giới. Đề nghị Bộ Công Thương và Bộ Ngoại giao thông tin đến Đại sứ quán ở các nước về thị trường tiêu thụ và những điều chỉnh mới về chính sách nhập khẩu để chủ động xuất khẩu nông sản thích ứng kịp thời diễn biến dịch Covid-19. “Bộ NN&PTNT sẽ có văn bản gửi đến các cơ quan chức năng các địa phương giáp biên giới của Trung Quốc đề nghị cùng phối hợp hỗ trợ thuận lợi nhất để thúc đẩy thương mại, tránh ứ đọng hàng hóa” - Thứ trưởng Trần Thanh Nam khẳng định thêm.