Số lượt truy cập

1452428

/ Tin tức

Việt Nam: Dự báo tăng trưởng GDP 6 tháng đạt 5,8%

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, quy mô tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm dự báo đạt gần 4 triệu tỷ đồng, tốc độ tăng GDP đạt khoảng 5,8%, thấp hơn kịch bản đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP với 7,11% và mục tiêu tăng trưởng 6 tháng theo kịch bản cập nhật thời điểm quý I/2021 với 7,19%.

Các chỉ số khác như thu ngân sách Nhà nước (NSNN) 6 tháng ước đạt 55,5% dự toán, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2020, xấp xỉ so với mức thực hiện cùng kỳ năm 2019. Chi NSNN ước đạt 43% dự toán; giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm ước đạt 34,15% kế hoạch (cùng kỳ đạt 34,85%)...

Dự báo tăng trưởng GDP 6 tháng đạt 5,8%
Triển vọng tăng trưởng kinh tế cuối năm còn nhiều thách thức

Động lực tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2021 đến từ khu vực công nghiệp - xây dựng và khu vực dịch vụ, đặc biệt là ngành công nghiệp chế biến chế tạo, gia tăng đầu tư và mở rộng hoạt động thương mại... Tuy nhiên, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, triển vọng tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm còn nhiều yếu tố rủi ro, thách thức; dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp; năng lực nội tại của nền kinh tế thấp, phụ thuộc vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài; khả năng lạm phát gia tăng…

Theo đó, để hoàn thành cao nhất các mục tiêu Quốc hội đã giao, Chính phủ yêu cầu các cấp, ngành tập trung thực hiện các nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Bao gồm: Tăng cường công tác lãnh đạo chỉ đạo, bám sát thực tiễn, nắm chắc tình hình để đưa ra quyết sách kịp thời, chính xác, hiệu quả; tiếp tục kiên định thực hiện "mục tiêu kép", vừa quyết liệt phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội; tăng cường các biện pháp siết chặt kỷ luật tài chính - NSNN, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; khẩn trương nắm bắt tình hình để điều chỉnh giải pháp thu hút đầu tư nước ngoài phù hợp; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác.

Đặc biệt, để đạt mục tiêu tăng trưởng, cần tập trung phát triển hạ tầng số, hạ tầng logistics, giao thông, năng lượng. Sớm xây dựng, hoàn thành Quy hoạch điện VIII, quy hoạch mạng lưới đường bộ, đường thủy nội địa, hệ thống cảng biển, mạng lưới đường sắt, hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050, bảo đảm gắn kết, hiệu quả. Phát triển đồng bộ giáo dục đào tạo, giáo dục nghề nghiệp gắn với đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng và phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ, tạo động lực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội…