Số lượt truy cập

1538425

/ Tin tức

Bán lẻ hiện đại: Gần hơn với người tiêu dùng

Trong 2 năm 2018 và 2019, riêng tại Đồng Nai, thị trường đã chứng kiến việc mở mới thêm hàng trăm cửa hàng tiện ích, siêu thị để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng đang gia tăng tại các đô thị lớn trên địa bàn cả nước. Tính đến tháng 10-2019, thị trường bán lẻ của Việt Nam đang có hơn 3 ngàn cửa hàng tiện lợi, tăng gấp đôi so với 2 năm trước đó.

Tại Đồng Nai, từ khoảng 20 cửa hàng tiện lợi vào cuối năm 2017, đến cuối tháng 2-2020, trên địa bàn tỉnh có 157 cửa hàng tiện lợi của 3 doanh nghiệp bán lẻ hàng đầu Việt Nam là Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP.Hồ Chí Minh (Saigon Co.op), Tập đoàn Vingroup, Công ty cổ phần đầu tư Thế giới di động. Sự phát triển của các chuỗi cửa hàng tiện lợi tác động không nhỏ đến hoạt động kinh doanh của các chợ truyền thống, cửa hàng tạp hóa…

* Bán lẻ hiện đại “đón lõng” thị trường

Chợ và cửa hàng tạp hóa truyền thống vẫn là kênh mua bán được đa số người Việt ưa thích và lựa chọn. Tuy nhiên, thời gian gần đây, các kênh bán lẻ này đang bị “đe dọa” bởi sự “đổ bộ” từ hàng loạt các kênh mua sắm hiện đại như: cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini…

Nhiều chợ truyền thống được dự báo sẽ gặp khó khăn vì các mô hình bán lẻ hiện đại đang “tấn công” họ một cách nhanh chóng. Không chỉ trên các tuyến đường chính mà ở đâu đó các góc chợ truyền thống đã xuất hiện cửa hàng tiện lợi, thậm chí ở nông thôn, nhiều chợ bán lẻ, cửa hàng bách hóa trước đây từng được coi là điểm kinh doanh chính giờ cũng đang phải cạnh tranh với xu hướng cửa hàng tiện lợi về nông thôn.

Ông Đặng Thanh Phong, Trưởng phòng Quan hệ công chúng của chuỗi cửa hàng Bách Hóa Xanh (Công ty cổ phần đầu tư Thế giới di động) cho biết, chuỗi cửa hàng Bách Hóa Xanh đã “đổ bộ” về Đồng Nai từ khoảng 2 năm trước và ngày càng mở rộng số lượng cửa hàng tại nhiều địa phương trong tỉnh. Hiện nay, trên địa bàn Đồng Nai, Bách Hóa Xanh đã phát triển 73 cửa hàng ở 9/11 huyện, thành phố, trong đó có các huyện nông thôn.

Người tiêu dùng chọn mua các sản phẩm tại một cửa hàng tiện lợi Co.opFood trên đường Đồng Khởi (TP.Biên Hòa). Ảnh: Hải Quân
Người tiêu dùng chọn mua các sản phẩm tại một cửa hàng tiện lợi Co.opFood trên đường Đồng Khởi (TP.Biên Hòa). 

Xu hướng mở các cửa hàng Bách Hóa Xanh tập trung vào các khu vực đông dân cư, có nhu cầu mua sắm lớn, trong đó có các địa điểm gần các khu chợ, xung quanh các chợ. Bách Hóa Xanh muốn tiếp cận nhiều hơn đến người nội trợ và người tiêu dùng bình dân, đối tượng tiêu dùng số đông. Hơn thế nữa, ở Đồng Nai có đông đảo công nhân đang làm việc tại địa phương, đây cũng là đối tượng khách hàng thường xuyên vào mua sắm tại Bách Hóa Xanh.

Theo ông Bùi Ngọc Hưng, Giám sát khu vực của chuỗi hệ thống cửa hàng thực phẩm Co.opFood ở Đồng Nai, Đồng Nai là khu vực có sự phát triển về kinh tế năng động và là thị trường tiềm năng để phát triển các chuỗi hệ thống cửa hàng thực phẩm an toàn. Hiện nay trên địa bàn tỉnh, công ty đã có 10 cửa hàng thuộc chuỗi hệ thống Co.opFood. Trong tương lai, Co.opFood sẽ tiếp tục nghiên cứu thị trường, mở rộng thêm các chuỗi cửa hàng mới trên địa bàn, nhất là ở những khu vực xung quanh các chợ truyền thống.

* Cạnh tranh sát sao trên từng kệ hàng

Hiện nay, các chuỗi cửa hàng tiện lợi đang chuyển tiếp cận, thu hút khách hàng theo hướng kết hợp mô hình giữa chợ và siêu thị. Nhiều mặt hàng của chợ nay đã có mặt ở gian hàng cửa hàng tiện lợi, thậm chí có cả thực phẩm tươi sống được làm “tươi” ngay tại chỗ.

Khảo sát tại các chợ ở TP.Biên Hòa cho thấy, sự phát triển mạng lưới các cửa hàng tiện lợi đã có tác động lớn đến hoạt động bán lẻ tại các cửa hàng nhỏ lẻ, sạp hàng tại các chợ truyền thống.

Ông Nguyễn Ngọc Tánh, Trưởng ban quản lý chợ Biên Hòa cho biết, trong những năm gần đây, với sự phát triển của hệ thống các siêu thị và đặc biệt là sự phủ sóng của các chuỗi cửa hàng tiện lợi đã khiến cho sức mua của nhiều mặt hàng tại chợ giảm. Trong đó, những mặt hàng về thực phẩm, hóa mỹ phẩm... bị tác động nhiều nhất, sức mua giảm khoảng 30-40% so với trước đây.

Chị Nguyễn Thị Thanh Hương, chủ một tiệm tạp hóa trên đường Huỳnh Văn Nghệ (phường Bửu Long, TP.Biên Hòa) cho biết: “Từ hơn 1 năm nay, doanh thu của cửa hàng tôi giảm mạnh. Nguyên nhân chính là do trên đoạn đường này mở thêm cửa hàng tiện lợi Vinmart và Co.opFood, dẫn đến việc chia sẻ lượng khách mua hàng. Chính vì vậy, tôi phải thay đổi cách trưng bày tại cửa tiệm sao cho gọn gàng, đẹp mắt hơn, đồng thời điều chỉnh giá bán giảm hơn một chút so với thông thường để “giữ chân” khách quen, giúp tăng doanh số”.

Đồ họa thể hiện số lượng cửa hàng tiện lợi thuộc các chuỗi bán lẻ lớn trên địa bàn Đồng Nai từ cuối năm 2017 đến tháng 2-2020. Nguồn: Sở Công thương. (Đồ họa: Hải Quân)
Đồ họa thể hiện số lượng cửa hàng tiện lợi thuộc các chuỗi bán lẻ lớn trên địa bàn Đồng Nai từ cuối năm 2017 đến tháng 2-2020. Nguồn: Sở Công thương.

Đại diện của hệ thống VinMart+ tại Đồng Nai cho biết, hiện trên địa bàn tỉnh có 74 cửa hàng VinMart+ với đầy đủ hàng thực phẩm, thịt, cá, rau, củ, quả... Các cửa hàng tập trung chủ yếu ở TP.Biên Hòa và H.Vĩnh Cửu. Lượng khách bình quân mỗi năm tăng khoảng 30-40%.

Hơn thế nữa, một số chuỗi cửa hàng như Bách Hóa Xanh gần như là một sự kết hợp giữa siêu thị và chợ thu nhỏ. Tại đây, có đầy đủ các mặt hàng tươi sống như rau củ quả, thịt, cá, gà…, người dùng có thể tự chọn và mua theo số lượng tùy ý mà vẫn đảm bảo hàng “chất lượng cao, an toàn” mà giá lại “rẻ hơn chợ”.

Ông Đặng Thanh Phong cho biết thêm, để tiếp cận, thu hút người tiêu dùng, Bách Hóa Xanh tập trung kinh doanh những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu giống với chợ như thực phẩm (rau, củ, quả, thịt, cá, trứng, sữa…), các loại hóa mỹ phẩm. Hiện nay, nhiều người tiêu dùng không muốn mất nhiều thời gian để chuẩn bị cho một món ăn tại nhà nên có nhu cầu sử dụng một số sản phẩm sơ chế sẵn thuận tiện nấu ăn tại gia đình nhưng vẫn đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm.

Do đó, khoảng 2 năm trở lại đây, chuỗi cửa hàng của Bách Hóa Xanh còn phát triển thêm hình thức kinh doanh một số mặt hàng thực phẩm tươi sống được sơ chế trực tiếp ngay tại gian hàng.

* Thói quen tiêu dùng dần thay đổi

Với nhiều ưu điểm như: các sản phẩm được sắp xếp theo khu vực một cách ngăn nắp, dễ nhìn, việc thanh toán nhanh chóng, không gian mua hàng mới mẻ, nhiều chương trình ưu đãi, giảm giá để kích cầu…, các cửa hàng tiện lợi đang ngày càng được nhiều người tiêu dùng quan tâm. Điều này cho thấy người tiêu dùng đang cơ cấu lại hành vi mua sắm hướng tới các sản phẩm sạch, nhanh và tiện lợi.

Bên cạnh đó, các sản phẩm, mặt hàng được bày bán tại các cửa hàng này có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được kiểm duyệt kỹ càng, thể hiện qua bao bì thương hiệu sản phẩm, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm… nên được người tiêu dùng quan tâm và tin tưởng chọn mua. Xu thế này không chỉ dừng lại ở các đô thị lớn mà đang dịch chuyển về cả nông thôn qua chiến lược của các chuỗi hiện đại.

Theo báo cáo thị trường của Q&Me (một đơn vị chuyên cung cấp các dịch vụ khảo sát, nghiên cứu thị trường Việt Nam), người dùng đã quen dần với việc mua sắm trong các siêu thị lớn, về việc có không gian, mua sắm tiện nghi, thậm chí không phải mặc cả, thái độ phục vụ của nhân viên thân thiện, khách hàng có nhiều hơn một sự lựa chọn, đồng thời yên tâm về chất lượng cũng như nguồn gốc của các sản phẩm.

Nếu như chợ truyền thống hay các cửa hàng tạp hóa chỉ mở cửa trong khoảng thời gian nhất định, thì các cửa hàng tiện lợi phục vụ rất trễ, đến 22-23 giờ, cả 7 ngày trong tuần, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Các cửa hàng tiện lợi bày bán hầu hết sản phẩm người tiêu dùng cần cho cuộc sống hằng ngày vào trong một mặt bằng nhỏ, từ thực phẩm ăn uống đã qua chế biến, thức ăn nhanh, thực phẩm tươi sống đến cây kim, cuộn chỉ; từ bàn chải, bột giặt cho đến văn phòng phẩm, thẻ điện thoại…., thậm chí là khách hàng có thể thanh toán các loại hóa đơn điện, nước, đặt vé máy bay, rút tiền điện tử.

Chị Thanh Thủy, một người dân ở P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa chia sẻ: “Sở dĩ tôi chọn chuyển sang mua hàng ở các cửa hàng tiện lợi một phần vì sự thuận tiện, phong cách phục vụ của nhân viên cửa hàng luôn ân cần. Đặc biệt, tôi thấy mọi hàng hóa ở đây đều có nguồn gốc rõ ràng, được bảo quản trong điều kiện tốt từ 0-4OC, giúp hàng hóa luôn tươi ngon, đảm bảo an toàn vệ sinh hơn so với ngoài chợ. Bây giờ hàng trôi nổi, kém chất lượng buôn bán tràn lan ngoài thị trường khiến tôi khó lòng phân biệt nên cũng không an tâm mua”.

Ông Bùi Ngọc Hưng cho biết thêm, khi đời sống của người dân được nâng cao thì yêu cầu về xuất xứ, chất lượng hàng hóa cũng phải bắt buộc nâng cao theo. Từ đó, thói quen tiêu dùng có thêm sự lựa chọn mới. Các kênh bán lẻ hiện đại có thêm điều kiện để phát triển, được người tiêu dùng quan tâm hơn.