Số lượt truy cập

2491873

/ Tin tức

Bộ Công Thương lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo nghị định về khuyến công

Bộ Công Thương ban hành công văn gửi đơn vị liên quan về việc lấy ý kiến góp ý vào dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định của Chính phủ về khuyến công.

Theo đó, thực hiện nhiệm vụ được giao tại chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ năm 2024 về việc xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 45/2012/NĐ-CP ngày 21 tháng 5 năm 2012 của Chính phủ về khuyến công (Nghị định), trình Chính phủ xem xét quyết định trong tháng 12 năm 2024, Bộ Công Thương đã phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan đơn vị liên quan xây dựng dự thảo Nghị định, dự thảo Tờ trình Chính phủ và các tài liệu liên quan.

Theo Bộ Công Thương, việc hoàn thiện pháp luật về khuyến công được Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sát sao nhằm tạo động lực mới thúc đẩy phát triển công nghiệp nông thôn, góp phần đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Cùng đó, sau khi Nghị định số 45/2012/NĐ-CP về khuyến công được Chính phủ ban hành ngày 21 tháng 5 năm 2012, đến nay, công nghiệp nông thôn trên cả nước thông qua chính sách khuyến công đã đạt được một số kết quả nhất định.

Tuy vậy, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, các chủ trương, định hướng về phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của Đảng và Nhà nước đã có sự điều chỉnh đáng kể, một số nội dung/quy định về khuyến công tại Nghị định số 45/2012/NĐ-CP cần được rà soát, đánh giá để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với đặc điểm tình hình hiện nay do bộc lộ một số bất cập.

Để khắc phục những nguyên nhân của bất cập, hạn chế nêu trên, việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 45/2012/NĐ-CP rất cần thiết theo hướng kế thừa những nội dung còn phù hợp của Nghị định hiện hành, đồng thời sửa đổi, bổ sung một số nội dung nhằm đưa ra các quy định cụ thể, dễ tuân thủ, dễ thực hiện; nâng cao chất lượng và làm sâu sắc hơn hiệu quả tác động của chính sách khuyến công; xác định trách nhiệm liên tục của trung ương và địa phương trong quá trình thực hiện; tạo sự chuyển biến rõ về chất lượng, bảo đảm chỉnh thể thống nhất giữa Nghị định mới và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.

Cũng theo Bộ Công Thương, dự thảo Nghị định được xây dựng trên quan điểm đảm bảo thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, định hướng đã được xác định trong các văn kiện, nghị quyết của Đảng về phát triển công nghiệp, phát triển công nghiệp nông thôn nói chung và khuyến công nói riêng.

Tập trung sửa đổi, bổ sung một số quy định của Nghị định số 45/2012/NĐ-CP còn mâu thuẫn, gây khó khăn vướng mắc, yêu cầu cấp bách cần sửa đổi để tạo điều kiện phát triển sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp ở khu vực nông thôn.

Các quy định cần sửa đổi, bổ sung phải được xác định rõ nội dung, phương án sửa đổi trên cơ sở lấy ý kiến đánh giá, góp ý của các cơ quan quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực, các địa phương, tổ chức, cá nhân có liên quan; đồng thời đảm bảo tính độc lập, ổn định, thống nhất, kế thừa các nội dung khi sửa đổi, bổ sung. Bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất giữa các quy định của pháp luật.

Dự thảo Nghị định gồm 4 điều, cụ thể như sau: Điều 1, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 45/2012/NĐ-CP. Điều 2, thay thế một số từ ngữ, cụm từ tại một số điều, khoản, điểm của Nghị định số 45/2012/NĐ-CP. Điều 3, hiệu lực thi hành. Điều 4, trách nhiệm thi hành.

Dự thảo nghị định cũng đưa ra dự kiến nguồn lực, điều kiện bảo đảm việc thi hành. Trong đó, cơ quan, người có thẩm quyền có trách nhiệm bảo đảm số lượng cán bộ, công chức, viên chức có năng lực, trình độ trong tổng biên chế được giao thực hiện nhiệm vụ quản lý và triển khai trực tiếp các hoạt động khuyến công…

Kinh phí thực hiện bao gồm nguồn ngân sách nhà nước theo phân cấp hiện hành, vốn của cơ sở công nghiệp nông thôn, vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án, các nguồn vốn huy động hợp pháp khác nhằm đầu tư, phát triển công nghiệp nông thôn. Việc sử dụng kinh phí bảo đảm cho việc thực hoạt động khuyến công phải đúng mục đích, nội dung, chế độ và định mức chi theo quy định của pháp luật về các chế độ chi tiêu tài chính.

Các địa phương, cơ quan quản lý nhà nước có liên quan thực hiện phổ biến, tuyên truyền các nội dung được quy định tại Nghị định. Bám sát, giải đáp kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai thực hiện Nghị định.

Xem chi tiết dự thảo Nghị định tại đây!