Số lượt truy cập

2874950

/ Tin tức

Bộ Công Thương tăng cường hợp tác quốc tế về khoa học công nghệ

Bộ Công Thương vừa ban hành Quyết định số 116/QĐ-BCT về Kế hoạch hành động của Bộ Công Thương thực hiện Nghị quyết số 03/NQ-CP ngày 9/1/2025 của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Một trong 7 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu được nêu tại Quyết định số 116/QĐ-BCT đó là: Tăng cường hợp tác quốc tế trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Theo đó, tăng cường trao đổi, xây dựng và triển khai các sáng kiến hợp tác trong các khuôn khổ song phương, đa phương nhằm thúc đẩy triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số phù hợp với sự quan tâm của các nước và định hướng, nhu cầu phát triển của Việt Nam để tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp hợp tác chuỗi, chuyển giao công nghệ và kỹ năng cần thiết trong chuỗi, tiếp cận với thị trường nước ngoài. Nghiên cứu, đề xuất hợp tác liên Chính phủ, kết nối liên Chính phủ để hỗ trợ triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, đặc biệt là trong các ngành, lĩnh vực cùng quan tâm (công nghiệp hỗ trợ, bán dẫn, năng lượng tái tạo, điện tử…).

Tăng cường công tác trao đổi thông tin, hợp tác phát triển, kết nối doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp nước ngoài, tổ chức quốc tế, viện nghiên cứu có thế mạnh và tiềm lực trong nghiên cứu, chuyển giao, phát triển công nghệ, đặc biệt ưu tiên các công nghệ lõi, công nghệ chiến lược phục vụ phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên, nền tảng của Việt Nam.

Các đơn vị chủ động nghiên cứu, đề xuất tham gia xây dựng các quy tắc, tiêu chuẩn quốc tế về các công nghệ mới bảo đảm an toàn và cùng có lợi; thúc đẩy nâng cao năng lực và chuyển giao công nghệ trong các thoả thuận quốc tế, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên tham gia.

Đẩy mạnh việc triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu gắn với thực hiện các nhiệm vụ về khoa học và công nghệ trong các Hiệp định thương mại tự do đã ký kết. Tích cực tham gia, cử các nhà khoa học tham gia vào các tổ chức khoa học và công nghệ quốc tế trên thế giới, đặc biệt là các tổ chức khoa học và công nghệ của Liên Hợp quốc.

Một số hoạt động tiêu biểu bao gồm: Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị trong và ngoài Bộ trong quá trình xử lý các nội dung liên quan tới sản phẩm thực phẩm xuất khẩu và nhập khẩu với các thị trường Australia, Liên minh châu Âu, Trung Quốc, Hàn Quốc... phối hợp với phía bạn trong việc hướng dẫn, cung cấp thông tin đối với các doanh nghiệp thuộc danh sách kiểm tra.

Ngoài ra, Bộ Công Thương đã tiếp nhận thông tin về cảnh báo về biện pháp kỹ thuật TBT/SPS của các nước thành viên WTO, thông tin tới các Hiệp hội doanh nghiệp liên quan và đăng bài viết trên cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương để phổ biến tới doanh nghiệp (thông tin về các chính sách, quy định của EU về xu hướng tiêu dùng xanh và phát triển bền vững có khả năng tác động đến ngành dệt may, da giầy, thông tin quy định của Đài Loan (Trung Quốc) về ghi nhãn xuất xứ hàng dệt may...).