/ Tin tức
Bộ Công Thương tổ chức Hội thảo xây dựng dự thảo về mua bán hàng hoá qua Sở Giao dịch hàng hoá (Y)
Nhằm mục tiêu đồng bộ với quy định pháp luật hiện hành, sửa đổi bổ sung Nghị định quy định về hoạt động mua bán hàng hoá qua Sở Giao dịch hàng hoá là cần thiết.
Sáng 25/9, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) đã tổ chức Hội thảo xây dựng dự thảo Nghị định về hoạt động mua bán hàng hoá qua Sở Giao dịch hàng hoá tại Văn phòng Bộ Công Thương phía Nam (quận 1, TP. Hồ Chí Minh).
Theo đó, đây là hội thảo bàn luận xoay quanh vấn đề liên quan đến dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 158/2006/NĐ-CP và Nghị định số 51/2018/NĐ-CP về hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở Giao dịch hàng hóa.
Hội thảo do ông Bùi Nguyễn Tuấn Anh - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước chủ trì. Đồng thời, Hội thảo với sự tham gia của đại diện các Bộ, ngành chức năng, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; Sở Công Thương địa phương, các hiệp hội ngành hàng; các doanh nghiệp tham gia hoạt động mua bán hàng hoá qua Sở Giao dịch hàng hoá; các chuyên gia, nhà khoa học…
Lãnh đạo Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho biết, qua 18 năm thực hiện công tác quản lý hoạt động mua bán hàng hoá qua Sở Giao dịch hàng hoá, Nghị định số 158/2006/NĐ-CP, Nghị định số 51/2018/NĐ-CP và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đã tạo khung khổ pháp lý thuận lợi cho hoạt động mua bán hàng hoá tại Việt Nam phát triển, thu hút được nhiều đối tượng tham gia giao dịch, tạo môi trường cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và xuất nhập khẩu có được công cụ bảo hiểm giá để chủ động cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh, cân đối cung cầu.
Những năm gần đây, Quốc hội đã ban hành Luật Quản lý ngoại thương 2017, Luật An ninh mạng 2018, Luật Cạnh tranh 2018, Luật Đầu tư 2020, Luật Doanh nghiệp 2020, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2020, Luật Giao dịch điện tử 2023, Luật các tổ chức tín dụng 2024.
Nhằm mục tiêu đồng bộ với quy định của pháp luật hiện hành, việc sửa đổi, bổ sung các Nghị định quy định về hoạt động mua bán hàng hoá qua Sở giao dịch hàng hoá là điều vô cùng cần thiết trong bối cảnh hiện nay.
Bên cạnh đó, quá trình thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động mua bán hàng hoá qua Sở Giao dịch hàng hoá cũng đã bộc lộ một số bất cập, vướng mắc, chồng chéo cần giải quyết.
Hơn nữa, Việt Nam đã tham gia và đàm phán, ký kết 15 FTA ở cả cấp độ song phương và đa phương, kéo theo nhu cầu về việc xây dựng các hệ thống trung gian giao dịch cho hàng hoá xuất nhập khẩu với thị trường quốc tế.
Vì vậy, nhu cầu cấp thiết đặt ra đòi hỏi các quy định pháp luật về mua bán hàng hoá qua Sở Giao dịch hàng hoá hiện hành cần được sửa đổi, bổ sung quy định về quản lý hoạt động này cho phù hợp với quy định pháp luật hiện hành có liên quan và sự phát triển của thị trường trong giai đoạn hiện nay.
Trên cơ sở tổng kết đánh giá tình hình 18 năm thực hiện Nghị định số 158/2006/NĐ-CP, Nghị định số 51/2018/NĐ-CP để xây dựng Nghị định thay thế kế thừa những nội dung hợp lý, khắc phục những tồn tại, hạn chế tiến tới hoàn thiện hành lang pháp lý về hoạt động mua bán hàng hoá qua Sở Giao dịch hàng hoá phát triển bền vững.
Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho biết, quan điểm xây dựng Dự thảo Nghị định dựa trên các yếu tố như sau:
Thứ nhất, tiếp tục kế thừa các quy định còn phù hợp của Nghị đính số 158/2006/NĐ-CP, Nghị định số 51/2018/NĐ-CP về hoạt động mua bán hàng hoá qua Sở Giao dịch hàng hoá.
Thứ hai, tuân thủ các quy định của Luật Thương mại, Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp và các quy định pháp luật có liên quan để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ về khung pháp lý.
Thứ ba, sửa đổi, bổ sung, thay thế một số quy định để phù hợp với sự phát triển của hoạt động mua bán hàng hoá qua Sở Giao dịch hàng hoá trong giai đoạn hiện nay, nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát của nhà nước.
Thứ tư, tham khảo kinh nghiệm của một số quốc gia trong khu vực và trên thế giới về thể chế quản lý hoạt động mua bán hàng hoá qua Sở Giao dịch hàng hoá. Từ đó, xây dựng các quy định của Nghị định phù hợp với thực tiễn cuộc sống và hệ thống pháp luật Việt Nam.