Số lượt truy cập

2495752

/ Tin tức

Cả nước: Khả thi với mục tiêu tăng trưởng IIP 7-8% trong năm 2024

Dựa vào kết quả tăng trưởng IIP 6 tháng đầu năm 2024, Bộ Công Thương cho biết mục tiêu tăng trưởng IIP 7-8% trong năm 2024 có thể đạt được.

Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch năm 2024, dự kiến kế hoạch năm 2025 của ngành Công Thương vừa được Bộ Công Thương gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Theo báo cáo, Bộ Công Thương đánh giá cao những kết quả mà ngành công nghiệp đã đạt được trong 6 tháng đầu năm 2024. Cụ thể, theo Bộ Công Thương, tiếp nối đà phục hồi từ cuối năm 2023, những tháng đầu năm 2024 sản xuất công nghiệp cho thấy sự khởi sắc và đóng góp tích cực vào kết qủa tăng trưởng chung của cả nền kinh tế.

Sản xuất công nghiệp của Bắc Ninh
Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, chỉ số IIP tăng 7,7% so với cùng kỳ năm trước (Ảnh: ST)

Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp 6 tháng đầu năm 2024 ước tăng 7,54% so với cùng kỳ năm trước, quý sau cao hơn quý trước (quý I tăng 6,47% và quý II tăng 8,55%). Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo khẳng định vai trò dẫn dắt với tốc độ tăng trưởng 8,67% (quý I tăng 7,21% và quý II tăng 10,04%), đóng góp 2,14 điểm phần trăm vào mức độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 13,26%, đóng góp 0,5 điểm phần trăm.

Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất của Việt Nam đã tăng mạnh lên 54,7 điểm trong tháng 6, so với mức 50,3 điểm của tháng 5 cho thấy động lực của ngành sản xuất được cải thiện tháng thứ 3 liên tiếp. Do vậy, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 6/2024 so với cùng kỳ năm trước tăng tới 10,9%. Trong đó ngành chế biến, chế tạo ước tăng 12,6%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 13,7%; riêng ngành khai khoáng giảm 7,7%.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, chỉ số IIP tăng 7,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo ước tăng 8,5%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 13%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 6,3%; riêng ngành khai khoáng giảm 5,5%.

Loaded: 0.92%

Sản xuất công nghiệp tăng trưởng trên diện rộng với 56/63 địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, 25 địa phương tăng trưởng cao ở mức 2 con số như: Khánh Hoà tăng 46,4%; Bắc Giang tăng 26,5%; Hải Phòng tăng 15,2%; Quảng Ninh tăng 13,3%...

Chỉ số sản xuất 6 tháng đầu năm 2024 của một số ngành công nghiệp trọng điểm cấp II tăng cao so với cùng kỳ năm trước như sản xuất sản phẩm từ cao so và plastic tăng 29,0%; sản xuất giường tủ, bàn ghế tăng 19,8%; sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất tăng 18,5%;…

Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo nhìn chung 6 tháng đầu năm 2024 tăng 10,8% so với cùng kỳ 2023. Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính tại thời điểm 30/6/2024 tăng 7,6% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 9,6% so với cùng thời điểm năm trước. Tỷ lệ tồn kho toàn ngành chế biến, chế tạo bình quân 6 tháng đầu năm là 76,9%, giảm so với bình quân 6 tháng đầu năm 2023 là 83,1%.

Bộ Công Thương đánh giá, những tháng đầu năm, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước, trong khi chỉ số tồn kho giảm là những tín hiệu tích cực cho thấy sự phục hồi của sản xuất công nghiệp. Đồng thời, số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 1/6/2024 tăng 1,1% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 3,8% so với cùng thời điểm năm trước. Điều đó cho thấy số đơn đặt hàng mới tăng, các doanh nghiệp sản xuất có nhu cầu tăng sản lượng và số lượng lao động.

Bộ Công Thương nhận định, năm 2024 trong bối cảnh thế giới được dự báo tiếp tục có những chuyển biến lớn và khó lường với nhiều cơ hội và thách thức đan xen. Trong đó, sự bất ổn, không chắc chắn của kinh tế toàn cầu tác động đến ổn định kinh tế vĩ mô và triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế có độ mở lớn của nước ta trong thời gian tới.

Tuy nhiên, những tháng đầu năm sản xuất công nghiệp đang có dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ so với cùng kỳ năm 2023 và tiếp tục duy trì xu hướng tích cực. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã trở lại đóng vai trò dẫn dắt tăng trưởng. Sản xuất công nghiệp cơ bản tăng trưởng tại hầu hết các địa phương và tạo việc làm hiệu quả cho xã hội. Năng lực sản xuất của các doanh nghiệp công nghiệp trong nước đã khôi phục tích cực, niềm tin của các doanh nghiệp sản xuất trong nước và nước ngoài được củng cố mạnh mẽ… theo đó, Bộ Công Thương dự báo, việc đạt được mục tiêu chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2024 từ 7-8% là có thể đạt được.