Số lượt truy cập

2493789

/ Tin tức

CẢ NƯỚC: Phát triển doanh nghiệp tám tháng năm 2024 tiếp tục xu hướng tích cực

Tám tháng năm 2024, kinh tế – xã hội thế giới diễn biến phức tạp, khó lường, đặc biệt là xung đột quân sự, biến động chính trị, bất ổn tại một số quốc gia, kinh tế toàn cầu phục hồi chậm và thiếu vững chắc …, gây tác động tiêu cực đến tâm lý kinh doanh và tiêu dùng, làm gia tăng lo ngại rủi ro, ảnh hưởng đến nhu cầu và gián tiếp cản trở tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Nền kinh tế nước ta tiếp tục được nhiều tổ chức quốc tế đánh giá tích cực, theo đó WB nâng dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2024 lên 6,1% từ mức 5,5% trước đó. Báo cáo “Vietnam at a glance – FDI” của Bộ phận Nghiên cứu Toàn cầu thuộc Ngân hàng HSBC nhận định, Việt Nam là điểm đến ưa chuộng của các doanh nghiệp FDI nhờ nhiều yếu tố, trong đó có chi phí cạnh tranh và các chính sách hỗ trợ FDI thông qua việc thiết lập những thỏa thuận kinh tế khác nhau như Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-EU (EVFTA) và Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)[1].

Để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, kích cầu tiêu dùng, đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, Chính phủ đã triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp nhằm kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh và phát triển thị trường trong nước, trong đó, tiếp tục đẩy mạnh triển khai các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đơn giản hóa quy trình đầu tư và thủ tục hành chính để tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp. Tình hình phát triển doanh nghiệp tám tháng năm 2024 tiếp tục xu hướng tích cực với khoảng 168,1 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm 2023. Bình quân một tháng có hơn 21 nghìn gia nhập và tái gia nhập thị trường, cụ thể như sau:

Doanh nghiệp đăng ký thành lập mới

Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong tám tháng là 110.764 doanh nghiệp, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2023; số vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới là 994.686 tỷ đồng, tăng 0,7%; số lao động đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới là 672.439 lao động, giảm 1,9%.

Riêng tháng 8/2024, có 13.393 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký là 124.639 tỷ đồng và số lao động đăng ký là 71.793 nghìn lao động, giảm 12,8% về số doanh nghiệp, giảm 16,2% về vốn đăng ký và giảm 22,6% về số lao động so với cùng kỳ năm 2023.

Quy mô vốn: Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong tám tháng năm 2024 đạt 2.014.006 tỷ đồng (giảm 5,1% so với cùng kỳ năm 2023). Quy mô vốn đăng ký bình quân của một doanh nghiệp thành lập mới đạt gần 9,0 tỷ đồng, giảm 3,6% so với cùng kỳ năm 2023 và thấp hơn mức bình quân của tám tháng các năm trong giai đoạn 2019-2023 (12,2 tỷ đồng). Chỉ tiêu này hai năm gần đây giảm lần lượt từ 15 tỷ đồng về dưới 10 tỷ đồng và tám tháng năm 2024 ghi nhận mức giảm về 9 tỷ đồng, phản ánh tâm lý thận trọng hơn về kế hoạch đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp.

Quy mô và lĩnh vực hoạt động: Doanh nghiệp đăng ký thành lập mới đa phần có quy mô nhỏ (từ 0 – 10 tỷ đồng) với 102.575 doanh nghiệp (chiếm 92,6%, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm 2023), chủ yếu thuộc khu vực dịch vụ với 83.980 doanh nghiệp, chiếm 75,82% tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 5,53% so với năm ngoái. Khu vực công nghiệp và xây dựng có 25.694 doanh nghiệp gia nhập thị trường, chiếm 23,2% và tăng 1,39%. Khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản ghi nhận 1.090 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, chiếm 0,98% và giảm 3,17%.

Có 08/17 ngành có số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng so với cùng kỳ năm 2023: Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,66%; Sản xuất phân phối, điện, nước, gas tăng 10,19%; Bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy tăng 12,08%; Vận tải kho bãi tăng 15,48%; Thông tin và truyền thông tăng 7,66%; Hoạt động kinh doanh bất động sản tăng 2,24%; Nghệ thuật, vui chơi và giải trí tăng 10,62%; Hoạt động dịch vụ khác tăng 2,12%.

Các ngành còn lại có số lượng doanh nghiệp thành lập mới giảm so với cùng kỳ năm 2023, cụ thể: Nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản giảm 3,71%; Khai khoáng giảm 13,59%; Xây dựng giảm 3,22%; Dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm 10,03%; Hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm giảm 2,75%; Hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ giảm 3,88%; Hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ giảm 9,45%; Giáo dục và đào tạo giảm 4,32%; Y tế và hoạt động trợ giúp xã hội giảm 8,17%.

doanh nghiệp thành lập mới cũng phù hợp với kết quả sản xuất công nghiệp trong 8 tháng năm nay. Sản xuất công nghiệp đang trên đà phục hồi mạnh mẽ so với năm 2023, tiếp tục đóng vai trò dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế,chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tám tháng năm 2024 tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,7%.

Theo khu vực, các doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tập trung chủ yếu ở vùng Đông Nam Bộ với 47.570 doanh nghiệp, chiếm 42,9% và vùng Đồng bằng Sông Hồng với 33.892 doanh nghiệp, chiếm 30,6%. Các trung tâm kinh tế lớn như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai, Bắc Ninh, Hải Phòng… là những nơi có số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới nhiều nhất. Đây cũng là những địa phương thu hút các nhà đầu tư nước ngoài nhất tại Việt Nam.

5/6 vùng kinh tế – xã hội của cả nước có số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng so với cùng kỳ năm 2023: Đồng bằng Sông Hồng có 33.892 doanh nghiệp, tăng 1,09%; Trung du và miền núi phía Bắc có 5.766 doanh nghiệp, tăng 8,16%; Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung có 12.580 doanh nghiệp, tăng 1,26%; Đông Nam Bộ có 47.570 doanh nghiệp, tăng 7,12%; Đồng bằng Sông Cửu Long có 8.226 doanh nghiệp, tăng 8,29%. Riêng vùng Tây Nguyên có 2.730 doanh nghiệp, giảm 1,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Biểu 1: Doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động 8 tháng năm 2024 của một số địa phương

Doanh nghiệp quay trở lại hoạt động[2]

Tám tháng năm 2024, cả nước có 57.312 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 25,3% so với cùng kỳ năm 2023, trung bình mỗi tháng có 7.164 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động. Riêng tháng 8/2024 ghi nhận có 8.487 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trên phạm vi cả nước, tăng 12,7% so với tháng 7/2024 và tăng 35,6% so với cùng kỳ năm 2023.

Đây là tín hiệu hồi phục tích cực cho thấy các chính sách của Chính phủ, các chỉ đạo quyết liệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các lĩnh vực, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đang dần phát huy hiệu quả, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, củng cố niềm tin cũng như cơ hội cho cộng đồng doanh nghiệp.

Số doanh nghiệp trở quay lại hoạt động phân theo ngành, nghề kinh doanh chính trong tám tháng năm 2024 là: Nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản có 386 doanh nghiệp; Khai khoáng 4.220 doanh nghiệp; Công nghiệp chế biến, chế tạo 6.555 doanh nghiệp; Sản xuất phân phối, điện, nước, gas với 444 doanh nghiệp; Xây dựng 7.495 doanh nghiệp; Bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy 22.522 doanh nghiệp; Vận tải kho bãi 2.844 doanh nghiệp; Dịch vụ lưu trú và ăn uống với 2.822 doanh nghiệp; Thông tin và truyền thông với 1.277 doanh nghiệp; Hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm với 456 doanh nghiệp; Hoạt động kinh doanh bất động sản có 370 doanh nghiệp; Hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ 2.429 doanh nghiệp; Hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ 2.782 doanh nghiệp; Giáo dục và đào tạo 1.284 doanh nghiệp; Y tế và hoạt động trợ giúp xã hội có 281 doanh nghiệp; Nghệ thuật, vui chơi và giải trí có 771 doanh nghiệp; Hoạt động dịch vụ khác có 374 doanh nghiệp.

Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động phân theo các vùng kinh tế – xã hội trong tám tháng năm 2024 là: Vùng Đồng bằng Sông Hồng có 18.514 doanh nghiệp; Trung du và miền núi phía Bắc có 2.861 doanh nghiệp; Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung có 7.321 doanh nghiệp; Tây Nguyên có 1.376 doanh nghiệp; Đông Nam Bộ có 23.655 doanh nghiệp; Đồng bằng Sông Cửu Long có 3.585 doanh nghiệp.

Hình 1: Tình hình doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường tám tháng các năm 2016 – 2024

Đề xuất, kiến nghị

Một trong những chuyên đề đặc biệt của Báo cáo Điểm lại – Cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam ấn bản tháng 8 năm 2024 của Ngân hàng Thế giới (WB) là chuyên đề “Vươn tới tầm cao mới trên thị trường vốn”, đã nhấn mạnh rằng, phát triển các thị trường vốn sẽ tạo ra nguồn vốn dài hạn quan trọng giúp Việt Nam đạt mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045. Báo cáo chỉ ra những thách thức chính của thị trường vốn, bao gồm tỉ trọng thấp của các nhà đầu tư tổ chức trong cơ cấu nhà đầu tư và đầu tư từ quỹ của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam chưa được khai thác đúng mức. Báo cáo khuyến nghị cần có khung chính sách mạnh mẽ hơn, trong đó bảo hiểm xã hội sẽ trở thành một nhân tố chính đẩy mạnh sự phát triển của thị trường vốn. Các chính sách nhằm tạo điều kiện nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi, kết hợp với những cải cách nhằm nâng cao minh bạch thị trường và bảo vệ các nhà đầu tư, sẽ giúp thu hút thêm các nhà đầu tư nước ngoài.

Để tiếp tục thúc đẩy doanh nghiệp phát triển nhanh, bền vững, tạo động lực quan trọng phát triển kinh tế xã hội đất nước trong thời gian tới, cần thì cải thiện môi trường kinh doanh là nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên, trong đó tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp trọng tâm sau:

Thời gian tới, dự báo tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Trong nước, mặc dù nhiều ngành, lĩnh vực tiếp tục xu hướng phục hồi và có triển vọng tích cực; nhiều chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đã và đang phát huy hiệu quả; nhưng khó khăn, thách thức vẫn nhiều hơn thời cơ, thuận lợi. Do đó, để tiếp tục thúc đẩy phát triển doanh nghiệp nhanh, bền vững, trước mắt cần tập trung một số giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp như sau:

– Tháo gỡ những điểm nghẽn trong huy động, phân bổ và sử dụng nguồn lực tài chính là khơi thông nguồn lực tài chính gắn với sử dụng theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải.

– Đa dạng hóa nguồn lực và chú trọng nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy nguồn lực tư nhân.

– Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp giảm gánh nặng chi phí, tăng cường khả năng tiếp cận vốn và các nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước. Tiếp tục rà soát chính sách tín dụng nhằm tiết giảm chi phí, hạ lãi suất vay vốn, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận nguồn vốn. Thúc đẩy giải ngân các gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp đã được ban hành.

– Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường mới, đẩy mạnh xuất khẩu và thúc đẩy tiêu dùng trong nước.

– Đẩy mạnh việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa hệ thống thông tin của các bộ, ngành, địa phương với Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp nhằm nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, giúp việc đánh giá đưa ra các dự báo về tình hình sản xuất kinh doanh của doanh kịp thời, giúp Chính phủ đánh giá về tình hình phát triển kinh tế xã hội cũng như xây dựng các chính sách tác động đến doanh nghiệp kịp thời, đúng lúc, đúng thời điểm điều này góp phần nâng cao tính thực thi của chính sách.