Số lượt truy cập

1550967

/ Tin tức

Các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài: Hỗ trợ doanh nghiệp phía Nam kết nối thị trường xuất khẩu.

Với mục tiêu hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) phía Nam phục hồi sản xuất, mở rộng thị trường xuất khẩu, Bộ Công Thương đã phối hợp với UBND tỉnh Cà Mau tổ chức Hội nghị kết nối giao thương tại Việt Nam giữa các nhà cung cấp nông, thủy sản với các doanh nghiệp xuất khẩu và Tổ chức xúc tiến thương mại các tỉnh phía Nam 2020 theo hình thức trực tuyến.

Sự kiện đã thu hút sự tham gia đông đảo của các trung tâm xúc tiến thương mại (XTTM), DN xuất khẩu, các nhà thu mua, phân phối trong và ngoài nước.

DN tăng kết nối cung cầu

Với quy mô 50 bàn trưng bày giới thiệu sản phẩm thế mạnh về nông sản, thủy sản, thực phẩm chế biến từ các nhà cung cấp, các DN sản xuất, xuất khẩu uy tín do các Sở Công Thương và Trung tâm Xúc tiến thương mại phía Nam đã góp phần tích cực, nâng cao hiệu quả xúc tiến cho các DN xuất khẩu trong dịp cuối năm 2020 này. Các DN xuất khẩu phía Nam cũng đặc biệt hướng tới một số thị trường mục tiêu như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU...

Tại các phiên kết nối trực tuyến với các tham tán thương mại tại Nhật Bản, Hàn Quốc, các DN mua hàng nước ngoài đã giúp cho DN hai bên nắm bắt được thông tin, nhu cầu mua hàng, nhu cầu xuất khẩu, các yêu cầu về hàng hóa tham gia xuất khẩu mà các DN Việt phải đáp ứng được.
Với trên 20 DN hàng Việt thuộc các ngành thủy sản, nông sản chế biến của các tỉnh thành phía Nam như Cà Mau, Kiên Giang, Đồng Tháp có nhu cầu xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản như Công ty Minh Phú, Công ty Thủy sản Minh Khoa, Hợp tác xã Tiến Nông (tỉnh Hậu Giang), Công ty Trà mãng cầu Diễm Phượng, Công ty AB Seafood... đã được Tham tán thương mại Việt Nam tại Nhật Bản - ông Tạ Đức Minh - thông báo chi tiết các yêu cầu mà DN xuất khẩu Việt Nam phải đáp ứng để có thể đưa hàng hóa vào thị trường Nhật Bản.
Với thị trường Hàn Quốc, nhiều DN thủy sản, nông sản của khu vực phía Nam cũng đang rất nỗ lực để đưa hàng vào thị trường Hàn Quốc. Từ phía Hàn Quốc các DN cũng đặt ra nhu cầu muốn nhập khẩu các sản phẩm nông sản của Việt Nam như chuối, cà phê, trà, thủy sản chế biến.
Chú trọng tăng hiệu quả xuất khẩu cho DN thông qua kết nối
Theo ông Minh, với các DN chưa từng xuất khẩu hàng hóa sang Nhật thì rất cần phải gửi hàng mẫu sang để tìm cơ hội giới thiệu, tiếp cận với thị trường Nhật. Ngoài ra, khi xuất khẩu sang Nhật, hàng hóa phải có nhãn mác rõ ràng, chi tiết, tốt nhất bằng tiếng Nhật hoặc tiếng Anh (tuyệt đối không dùng ngôn ngữ khác). Với các sản phẩm nông sản có nguồn gốc từ thiên nhiên phải được đảm bảo không có dư lượng chất bảo vệ thực vật.
"Riêng với các mặt hàng thủy sản, người Nhật rất chuộng các chủng loại phổ biến như tôm, mực, bạch tuộc, cá ngừ... và DN cần tập trung vào các loại này sẽ có khả năng xuất khẩu rất cao. Đặc biệt, các DN xuất khẩu cần thông qua các công ty thương mại của Nhật đã có mặt tại thị trường Việt Nam và thông qua kênh này các DN sẽ thâm nhập thị trường dễ hơn, hiệu quả hơn thay vì tự thực hiện xuất khẩu trực tiếp" - ông Minh nhấn mạnh.
Riêng với các mặt hàng trái cây, là thế mạnh đặc biệt của các tỉnh thành vùng đồng bằng sông Cửu Long tham gia xuất khẩu, ông Minh thông tin thêm, các sản phẩm quả tươi xuất khẩu vào Nhật phải trải qua quá trình đàm phán rất lâu khoảng 5 năm với rất nhiều quy trình. Hiện Việt Nam đã xuất vào Nhật quả xoài, vải, thanh long, nhãn. Vì thế các DN có nhu cầu xuất khẩu trái cây tươi vào Nhật cần cập nhật thông tin cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để đưa vào danh mục hàng hóa xuất khẩu cần đàm phán.
Từ phía các DN thu mua, nhà phân phối trong nước cũng như nước ngoài cũng đánh giá cao về chủng loại, mẫu mã, chất lượng hàng hóa của các DN Việt. Song từ phía các DN thu mua cũng đặc biệt lưu ý các vấn đề mà các DN xuất khẩu phải chú ý để tăng hiệu quả xuất khẩu hàng hóa.
Ông Nguyễn Tô Kiều Trinh - Giám đốc thu mua thực phẩm tươi sống (khu vực phía Nam) của Central Retail - cho biết: các DN hàng Việt muốn bán hàng vào hệ thống phân phối nước ngoài tại Việt Nam cũng như xuất khẩu cần phải trình bày được các ưu thế, thế mạnh nổi bật đặc biệt của sản phẩm. Bao bì, mẫu mã phải rõ ràng, có điểm nhấn về sản phẩm, các tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa xuất khẩu đạt được như Global Gap, ISO, chỉ dẫn địa lý, Halal... Đặc biệt, trong bối cảnh kinh doanh ngày càng cạnh tranh các DN xuất khẩu phải tính toán chi phí logistic sao cho hợp lý để có giá thành cạnh tranh nhất.
Nguồn: Báo Công Thương.