/ Tin tức
Cải tiến mẫu mã để tăng cạnh tranh cho sản phẩm thủ công mỹ nghệ
Sáng ngày 5/11, Hiệp hội Làng nghề Việt Nam đã tổ chức hội thảo về tư vấn nâng cao năng lực thiết kế mẫu mã bao bì và đóng gói sản phẩm thủ công mỹ nghệ.
Hội thảo “Tư vấn nâng cao năng lực thiết kế mẫu mã bao bì và đóng gói sản phẩm thủ công mỹ nghệ tăng sức cạnh tranh thị trường trong nước và xuất khẩu” do Hiệp hội Làng nghề Việt Nam phối hợp với Sở Công Thương tỉnh Hải Dương tổ chức tại Hải Dương. Phát biểu tại Hội thảo, TS. Đỗ Như Chinh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam - cho biết, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm thủ công mỹ nghệ mỗi năm đạt gần 2 tỷ USD. Con số trên có thể được mở rộng hơn nữa nếu sản phẩm thủ công mỹ nghệ được quan tâm đến kiểu dáng và mẫu mã.
Một trong những nguyên nhân khiến mẫu mã sản phẩm làng nghề nói chung, sản phẩm thủ công mỹ nghệ nói riêng chưa đa dạng được lãnh đạo Hiệp hội Làng nghề Việt Nam chỉ ra là do hầu hết các cơ sở sản xuất làng nghề đều ở quy mô nhỏ lẻ (hộ gia đình), năng lực về vốn, mặt bằng và cơ sở vật chất hạn chế nên không thể đầu tư chiều sâu cho việc thiết kế mẫu mã mới.
Mặt khác, ở các làng nghề hiện nay, số lượng nghệ nhân tài hoa, hiểu sâu về kỹ thuật, kỹ xảo nghề truyền thống không còn nhiều. Lớp nghệ nhân cao tuổi, sức yếu, hạn chế về khả năng nắm bắt thị hiếu, thị trường, trong tiềm thức luôn lệ thuộc vào các mẫu mã truyền thống. Còn những người trẻ được học hành bài bản, có sự năng động, nhạy bén nhưng lại chưa có nhiều kỹ năng, kỹ xảo với nghề, hạn chế hiểu biết những chuẩn mực về giá trị truyền thống, thích chạy theo sự tân kỳ, bắt chước, sao chép mẫu sẵn có và cải biên chút ít để làm mới.
“Đây cũng là sự hạn chế nhất định cho phát triển mẫu mã sản phẩm và bao bì, kiểu dáng thiết kế của sản phẩm thủ công mỹ nghệ hiện nay”, TS. Nguyễn Như Chinh chia sẻ.
Từ thực tế địa phương, bà Nguyễn Hồng Chuyến - Phó Trưởng phòng Quản lý Công nghiệp - Sở Công Thương Hải Dương - nêu, yêu cầu của cuộc sống hiện đại và hội nhập kinh tế thế giới đang đòi hỏi sản phẩm thủ công mỹ nghệ phải phong phú, đa dạng đáp ứng thị hiếu thẩm mỹ của khách hàng. Trong khi đó, các làng nghề truyền thống thiếu hẳn một khâu quan trọng là ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tạo ra sự đa dạng trong mẫu mã sản phẩm.
Ngoài một số ít nhà thiết kế chuyên nghiệp tâm huyết với nghề truyền thống, chưa có đội ngũ thiết kế chuyên nghiệp nghiên cứu chuyên sâu cho từng sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Các cơ sở làng nghề và doanh nghiệp hiện đầu tư quá ít cho nghiên cứu thị trường, nhất là thị trường dành cho tạo mẫu và thiết kế.
Dù có tiến bộ với nhiều sản phẩm đẹp, độc đáo, song có thể thấy, phần lớn các sản phẩm được thiết kế mới dừng lại ở những chi tiết cải tiến nhỏ, chủ yếu là khác biệt trong kết cấu, chất liệu sản phẩm chứ chưa có nhiều mẫu "độc".
Sở dĩ các thiết kế, mẫu mã sản phẩm thủ công mỹ nghệ ở Hải Dương còn nghèo nàn, đơn điệu là do các cơ sở sản xuất thủ công mỹ nghệ hiện nay có quy mô nhỏ lẻ, năng lực tài chính yếu nên không đủ điều kiện đầu tư cải tiến mẫu mã. Trong khi đó, sự phối hợp giữa đội ngũ nghệ nhân và doanh nghiệp còn lỏng lẻo, nên quá trình cải tiến mẫu mã diễn ra chậm chạp, không đáp ứng được nhu cầu đổi mới kiểu dáng.
Cần lắm "bắt tay" giữa nhà thiết kế và nhà sản xuất
Trước hiện trạng trên, TS. Nguyễn Như Chinh nhận định, muốn sản phẩm thủ công mỹ nghệ phát triển mạnh mẽ hơn nữa phải “bật” được khỏi tư duy truyền thống mới tiếp tận được sâu với thị trường. Tuy nhiên, tinh hoa văn hóa Việt là một yếu tố quan trọng trong khai thác chất liệu để tạo nên những mẫu mã, kiểu dáng thiết kế mới cho sản phẩm thủ công mỹ nghệ phù hợp với nhu cầu của thị trường.
“Do đó, tính truyền thống cần được phát huy những điểm thế mạnh thay vì bảo thủ, cố hữu giữ rịt những mẫu mã truyền thống không còn phù hợp với thị trường”, TS. Nguyễn Như Chinh nhấn mạnh.
Ông cũng đồng thời nhấn mạnh, để phát triển mẫu mã sản phẩm làng nghề, sản phẩm thủ công mỹ nghệ phù hợp cần có sự "bắt tay" của nhà thiết kế và nhà sản xuất.
Với nhà thiết kế, cần có sự thực tế của nhà sản xuất để mẫu mã sản phẩm, mẫu mã bao bì vẫn mang được bản sắc dân tộc, hơi thở của vùng miền; vẫn tận dụng được nét truyền thống, vừa có thể áp dụng công nghệ mới; dễ tổ chức sản xuất, đáp ứng được yêu cầu về số lượng lớn; kích thước, chất lượng, nguyên vật liệu và giá thành thành phẩm cần phù hợp với đối tượng khách hàng; sản phẩm vừa là mỹ thuật đơn thuần, vừa có thể là sản phẩm mỹ thuật ứng dụng…
Đối với nhà sản xuất, để nhà thiết kế đủ dữ kiện và thăng hoa sáng tạo, phải có sự chia sẻ, hợp tác, hỗ trợ tối đa. Bên cạnh đó, ở mỗi bước trong quá trình sáng tạo, cả nhà thiết kế và nhà sản xuất phải liên tục bàn bạc, đánh giá để đưa ra những lựa chọn tối ưu nhất, chuẩn bị cho bước kế tiếp. Thậm chí, nhà sản xuất còn phải đem những gì đã phác thảo được thăm dò trước thị trường để đánh giá tiềm năng tương lai của sản phẩm có thiết kế, mẫu mã mới.
Về phía tỉnh Hải Dương, bà Nguyễn Hồng Chuyến thông tin, để thúc đẩy sự sáng tạo và làm phong phú về mẫu mã sản phẩm, địa phương đã tổ chức cuộc thi "Thiết kế mẫu sản phẩm lưu niệm và quà tặng du lịch tỉnh Hải Dương”. Đây cũng là hướng đi có trách nhiệm của tỉnh Hải Dương trong việc thúc đẩy phát triển và bảo tồn nghề truyền thống. “Việc này cần tiếp tục được làm thường xuyên, liên tục và sâu rộng, thậm chí cả các cuộc thi mẫu mã, sản phẩm thủ công mỹ nghệ, ở cấp huyện để kích thích sự sáng tạo, tạo ra những sản phẩm mới tinh tế, có giá trị kinh tế cao của các nghệ nhân, thợ thủ công làng nghề ở Hải Dương” - bà Nguyễn Hồng Chuyến nói.
Nguồn: Baocongthuong