Số lượt truy cập

2492743

/ Tin tức

Cần sớm có quy định cụ thể về trách nhiệm di dời công trình điện khi mở đường giao thông

Trên địa bàn Đồng Nai có khoảng 15 dự án mở rộng đường giao thông cần phải di dời công trình điện. Tuy nhiên, hiện nay các bên chưa thống nhất được trách nhiệm và kinh phí di dời công trình điện này là thuộc chủ đầu tư dự án đường giao thông hay chủ công trình điện.

Tỉnh sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ vướng mắc này, đồng thời xin chủ trương xây dựng nghị quyết của HĐND tỉnh về hỗ trợ kinh phí.

Công trình điện “ngáng” dự án giao thông

Hiện nay, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh có dự án đầu tư xây dựng, mở rộng đường giao thông nhưng vướng công trình điện không thực hiện được. Đã có các văn bản hướng dẫn, các cuộc họp tháo gỡ nhưng đến nay vẫn chưa xác định được trách nhiệm và kinh phí di dời thuộc về chủ đầu tư dự án đường giao thông hay là chủ đầu tư dự án điện.

Ông Mai Văn Hiền, Chủ tịch UBND huyện Thống Nhất, cho hay trên địa bàn huyện có dự án mở rộng đường giao thông phải di dời công trình điện. Theo Văn bản số 11193/UBND-KTNS ngày 24-10-2023 của UBND tỉnh, việc di dời hệ thống điện được đầu tư sau ngày 20-11-2004 thuộc trách nhiệm của ngành điện. Tuy nhiên, qua nhiều lần làm việc, ngành điện cho rằng trách nhiệm di dời các hệ thống điện đã đầu tư để thực hiện dự án giao thông thuộc về chủ đầu tư dự án đường giao thông, ngành điện không có khả năng bố trí nguồn vốn để di dời. Vì vướng mắc này, các dự án mở rộng đường giao thông gặp nhiều khó khăn trong việc xác định và bố trí kinh phí để lập, trình thẩm định và giải phóng mặt bằng thực hiện.

Ông Hiền kiến nghị UBND tỉnh và các sở, ngành có giải pháp tháo gỡ vướng mắc cho địa phương trong công tác di dời hệ thống điện nằm trong hành lang giao thông để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án nâng cấp, mở rộng đường đang và sắp triển khai.

Cùng chia sẻ về vấn đề này, ông Thái Thanh Phong, Phó giám đốc Sở Công thương, cho biết qua báo cáo từ các địa phương, hiện có khoảng 15 tuyến đường đang và sắp thực hiện mở rộng, đầu tư mới bị vướng công trình điện. Điển hình như các địa phương: Thống Nhất, Trảng Bom, Long Thành…

Cũng theo Phó giám đốc Sở Công thương, năm 2021 và 2023, UBND tỉnh đã có các văn bản hướng dẫn di dời hạ tầng điện khi thực hiện nâng cấp, mở rộng đường giao thông. Theo đó, tỉnh cho rằng hạ tầng điện có trước ngày 20-11-2004 thì trách nhiệm di dời thuộc về đơn vị thực hiện dự án giao thông, kinh phí từ nguồn ngân sách; còn hạ tầng điện có sau mốc thời gian trên thì chủ đầu tư dự án điện có trách nhiệm và bố trí kinh phí di dời.

Sau các văn bản này, công trình điện mà chủ đầu tư dự án đường giao thông có trách nhiệm di dời thì thuận lợi, riêng các dự án do ngành điện di dời thì chậm. Hệ quả kéo theo là chậm trễ trong công tác giải phóng mặt bằng, chậm triển khai dự án và chậm hoàn thành đưa vào sử dụng.

Kiến nghị Chính phủ có quy định tháo gỡ

Ông Trương Đình Quốc, Giám đốc Công ty TNHH MTV Điện lực Đồng Nai (PC Đồng Nai), cho rằng thời gian qua, công ty đã báo cáo, đồng thời tham dự các cuộc họp liên quan đến di dời hạ tầng lưới điện phục vụ xây mới, mở rộng công trình đường giao thông nhưng các bên chưa thống nhất được trách nhiệm, kinh phí. Việc này cũng gây khó khăn cho đơn vị quản lý công trình điện. Cụ thể, công tác di dời không đồng bộ với xây dựng, cải tạo nâng cấp mở rộng hạ tầng giao thông gây mất an toàn điện và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông; các công trình lưới điện xây dựng mới, nâng cấp cải tạo nhằm đáp ứng nhu cầu cung cấp điện địa phương không khởi công được.

Phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Nam Lâm Xuân Tuấn cho rằng, ngành điện luôn thực hiện nghiêm các chỉ đạo của UBND tỉnh, đồng thời sẽ nỗ lực tối đa, phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, địa phương để tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến di dời hệ thống hạ tầng điện nằm trong hành lang các tuyến đường giao thông. Tuy nhiên, hiện tại, các văn bản quy phạm pháp luật chưa quy định cụ thể, rõ ràng về trách nhiệm.

Ông Tuấn đề xuất UBND tỉnh tạm cho phép đưa kinh phí di dời lưới điện vào tổng mức đầu tư dự án công trình giao thông và đề nghị ứng vốn ngân sách nhà nước để thực hiện di dời các công trình lưới điện. Sau khi Chính phủ, các bộ, ngành có quy định rõ về trách nhiệm di dời, các bên sẽ thực hiện theo quy định pháp luật. Đối với các dự án xây dựng lưới điện đang và sẽ đầu tư mới thì thực hiện cam kết di dời theo hướng kinh phí, trách nhiệm di dời sẽ thực hiện theo quy định pháp luật tại thời điểm phát sinh nhu cầu di dời.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi cho rằng, việc hạ tầng điện không được di dời đồng bộ khi xây dựng đường giao thông tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cho người tham gia giao thông. Do đó, cần phải tháo gỡ vướng mắc này để đảm bảo an toàn, mỹ quan trên các tuyến đường.

Phó chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Công thương và Sở Giao thông vận tải tham mưu cho UBND tỉnh báo cáo Thủ tướng về những khó khăn, vướng mắc trên địa bàn và đề xuất, kiến nghị đưa nội dung kinh phí di dời hạ tầng điện nằm trong hành lang đường giao thông vào tổng mức đầu tư dự án đường giao thông. Đồng thời 2 sở này tham mưu cho UBND báo cáo HĐND tỉnh xin chủ trương xây dựng, ban hành nghị quyết về cơ chế tài chính hỗ trợ khi thực hiện di dời hạ tầng điện nằm trong hành lang các tuyến đường giao thông.