Số lượt truy cập

2494149

/ Tin tức

“Chìa khóa” để Đồng Nai phát triển toàn diện, bền vững (H)

“Chìa khóa” để Đồng Nai phát triển toàn diện, bền vững (H)

Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã chính thức được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào ngày 3-7-2024.

Với sự chuẩn bị công phu và nỗ lực để chỉ rõ và phát huy những tiềm năng, lợi thế, Quy hoạch tỉnh Đồng Nai sẽ là “chìa khóa” để tỉnh phát triển toàn diện và bền vững trong thời gian tới.

Định hình tương lai

Đồng Nai có vị trí chiến lược, là cửa ngõ kết nối vùng Đông Nam Bộ với nhiều vùng kinh tế của Việt Nam và hướng ra quốc tế. Tỉnh cũng nằm trong tứ giác phát triển kinh tế (Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu), nòng cốt của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đồng thời tiếp giáp với các vùng kinh tế, nguyên liệu, nhân lực khá đặc thù như: Tây Nguyên, Nam Trung Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long.

Bên cạnh hệ thống hạ tầng giao thông đã được đầu tư tương đối bài bản, thời gian tới, trên địa bàn tỉnh sẽ có thêm hàng loạt “nhân tố” thúc đẩy phát triển mới như Cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành và các tuyến đường cao tốc, đường vành đai. Chính vì vậy, thời gian tới, Đồng Nai được đánh giá là địa phương “sở hữu” nhiều tiềm năng rất lớn để bứt tốc phát triển.

Theo PGS-TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam và thành viên Tổ tư vấn Chính phủ, hiện là thời điểm cực kỳ đặc biệt đối với lựa chọn một tương lai phát triển cho Đồng Nai. Bởi, chỉ riêng việc đặt Sân bay Long Thành trên địa bàn tỉnh thôi cũng đã là một “cú hích” đối với Đồng Nai và Việt Nam.

Với những tiềm năng, lợi thế đó, trong Đồ án Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, mục tiêu đặt ra cho tỉnh là đến năm 2030, Đồng Nai trở thành tỉnh phát triển văn minh, hiện đại, tốc độ tăng trưởng cao, vượt qua ngưỡng thu nhập cao trong nhóm đầu của cả nước. Kinh tế phát triển năng động và đi đầu trong phát triển kinh tế hàng không, công nghiệp công nghệ cao, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế và xã hội, hệ thống đô thị phát triển đồng bộ, hiện đại, thông minh, bền vững, giàu bản sắc, đặc trưng là phát triển đô thị sân bay, đô thị sinh thái đẳng cấp quốc tế. Bản sắc văn hóa được bảo tồn và phát huy; môi trường sinh thái được bảo vệ, thích ứng với biến đổi khí hậu; quốc phòng, an ninh được đảm bảo vững chắc.

Tầm nhìn đến năm 2050, Đồng Nai phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, đi đầu trong phát triển công nghiệp công nghệ cao, có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, thông minh, hiện đại; là trung tâm giao thương quốc tế, du lịch, dịch vụ gắn với các đô thị đẳng cấp quốc tế, nơi tập trung trí thức và nhân tài, lấy kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là trọng tâm và hoàn thành mục tiêu phát thải ròng bằng 0. Các lĩnh vực xã hội phát triển hài hòa; người dân có cuộc sống phồn vinh, hạnh phúc. Quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm vững chắc.        

Ông Bùi Đào Thái Trường, Tổng giám đốc Công ty Roland Berger Việt Nam, đại diện liên danh tư vấn lập quy hoạch tỉnh, cho hay Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được xây dựng dựa trên các quan điểm xuyên suốt gồm: lấy người dân làm trung tâm; phát triển có chọn lọc; phát huy thế mạnh, tiềm năng; hướng tới tương lai và bền vững.

“Trong đó, quan điểm lấy người dân làm trung tâm sẽ hướng đến các mục tiêu phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tăng năng suất, đổi mới sáng tạo hiệu quả, nâng cao chất lượng đời sống, môi trường và phúc lợi xã hội” - ông Bùi Đào Thái Trường cho hay.

Chỉ rõ và phát huy những tiềm năng, lợi thế

Để hiện thực hóa các mục tiêu trên, Quy hoạch tỉnh Đồng Nai cũng xác định 4 lợi thế cạnh tranh của tỉnh trong giai đoạn tới là trung tâm kinh tế cảng hàng không với Sân bay Long Thành làm trọng tâm; trung tâm logistics của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tập trung vào thương mại điện tử; trung tâm công nghiệp chế biến, chế tạo hiện đại và trung tâm giáo dục nghề nghiệp, đổi mới sáng tạo.

Theo UBND tỉnh, quá trình lập quy hoạch, cơ quan lập quy hoạch nhiều lần gửi lấy ý kiến của các sở, ban, ngành, địa phương và nhân dân trên địa bàn tỉnh để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, cũng như sự liên kết giữa các nội dung của quy hoạch, xử lý các nội dung còn chồng chéo giữa các quy hoạch. Đồng thời, tỉnh cũng đã tổ chức hội thảo chuyên đề tham vấn ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, các hiệp hội, doanh nghiệp, lấy ý kiến cộng đồng dân cư, MTTQ Việt Nam tỉnh, thành viên Hội đồng Thẩm định quy hoạch tỉnh, Ban Chỉ đạo lập quy hoạch tỉnh và báo cáo xin ý kiến Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh theo quy chế làm việc.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh đánh giá, Quy hoạch tỉnh Đồng Nai đã được chuẩn bị hơn một năm nay, rất công phu và nỗ lực để làm sao chỉ rõ và phát huy hết tiềm năng của tỉnh. Từ đó thúc đẩy sự phát triển của tỉnh, vùng Đông Nam Bộ và cả nước nói chung.

Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức cho biết, sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Quy hoạch tỉnh Đồng Nai sẽ là công cụ quan trọng trong định hướng quản lý, phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của tỉnh.

“Đây sẽ là cơ sở để tỉnh Đồng Nai phát triển toàn diện và bền vững trong thời gian tới” - Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức chia sẻ./.