Số lượt truy cập

1538114

/ Tin tức

Chú trọng phát triển nguồn nguyên liệu cho ngành dệt may

Dù là quốc gia xuất khẩu lớn thứ 3 thế giới, nhưng ngành dệt may Việt Nam vẫn đối mặt nhiều thách thức, như việc sản xuất đình trệ do thiếu nguyên liệu khi phụ thuộc đến 80% vào nhập khẩu. Trước vấn đề này, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã nỗ lực đầu tư chuỗi giá trị sản xuất khép kín, từ dệt vải thành phẩm, đến cung ứng nguồn vải chất lượng quốc tế tại chỗ cho doanh nghiệp may trong nước.

Có quy mô nhà xưởng 10.000 m2 với tổng vốn đầu tư 180 tỷ đồng, Nhà máy Dệt - Nhuộm - Hoàn tất Trung Quy có thể cung ứng 2 triệu mét vải/năm. Được đầu tư công nghệ hiện đại, từ khâu nhuộm, dệt đến hoàn tất sản phẩm, nhà máy này không chỉ giúp đơn vị khép kín quy trình sản xuất của mình, mà còn cung ứng kịp thời nguồn vải chất lượng chuẩn quốc tế cho doanh nghiệp may mặc trong nước.

Ông TRẦN VĂN QUY, CHỦ TỊCH HĐQT - TỔNG GIÁM ĐỐC TRUNG QUY GROUP:

"Với việc khánh thành nhà máy dệt nhuộm Trung Quy đã tạo ra những nguồn nguyên liêu đạt chuẩn quốc tế cung cấp cho các đơn vị dệt may để xuất khẩu đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng của các thị trường khó tính như Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Canada. Với chuỗi khép kín dệt nhuộm hoàn tất với nguồn sợi từ Việt Nam tôi nghĩ sẽ đáp ứng các tiêu chuẩn về hàng hóa để phục vụ các FTA Việt Nam ký với các nước"

Thực tế, những rủi ro về đứt gãy nguồn cung, đình trệ sản xuất do dịch covid-19 đặt ra yêu cầu Việt Nam phải tự chủ nguồn cung. Từ đó mới có thể tận dụng được các ưu đãi thuế quan đang mở ra cho ngành Dệt may, bởi hiện nay nguồn vải tự cung chỉ đáp ứng khoảng 20% nhu cầu của các doanh nghiệp dệt may trong nước.

Ông NGUYỄN XUÂN HỒNG, CHỦ TỊCH HỘI DỆT MAY THÊU ĐAN TP.HCM:

"Tùy theo từng thị trường thí dụ TPP đòi hỏi Sọi dệt nhuộm, Châu âu thì từ Dệt thôi, thì chúng ta phải khai thác hết những cái đó thì mới đáp ứng được cái chính sách mới về nhập khẩu của các thị trường lớn là Mỹ và Châu Âu. Vấn đề hiện nay các doanh nghiệp quan tâm làm sao kêu gọi đầu tư và các doanh nghiệp trong nước liên kết với nhau để đầu tư xây dựng phát triển nguồn nguyên liệu để có thể đáp ứng. Liên kết thành chuỗi cung ứng xuất khẩu."

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, việc khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào Dệt nhuộm là chủ trương lớn để tiến tới phát triển bền vững ngành Dệt May trong nước. Tuy nhiên, việc đầu tư để phát triển nhà máy Dệt nhuộm hiện nay há nhiều khó khăn, bởi ngành này đang được cho là gây ô nhiễm môi trường. Vì thế, xu hướng sắp tới sẽ tiếp tục thu hút doanh nghiệp đầu tư vào Dệt nhuộm, nhưng chú trọng vào công nghệ mới, đạt chuẩn đối với hệ thống xử lý nước thải, đảm bảo phát triển ngành hiệu quả phải đi đôi với bền vững môi trường, tiến tới ngành Dệt may xanh phù hợp với xu hướng toàn cầu.

Bà NGUYỄN THỊ TUYẾT MAI, PHÓ TỔNG THƯ KÝ HIỆP HỘI DỆT MAY VIỆT NAM:

"Chúng tôi  cũng kêu gọi Chính phủ quy hoạch những khu vực khu công nghiệp chuyên biệt cho Dệt may, có hệ thống xử lý chất thải hoàn chỉnh. Kêu gọi đầu tư nhà máy công nghệ cao, là công nghệ xanh, để đảm bảo môi trường, chứ không chấp nhận lấy vải bằng mọi giá."

Hiện 80% doanh nghiệp Dệt may Việt Nam là nhỏ và vừa, yếu và thiếu về tài chính, nên còn e dè khi dấn thân vào lĩnh vực dệt nhuộm, vốn đòi hỏi đầu tư lớn. Những nỗ lực khép kín chuỗi giá trị của các doanh nghiệp tư nhân sẽ tạo động lực để ngành Dệt May thay đổi theo hướng tích cực, phát triển nội lực, chung tay đưa ngành dệt may Việt Nam tiến tới tự chủ nguyên liệu trong tương lai.