Đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến, nâng cao cải cách hành chính
Cung cấp các dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) được xem là khâu quan trọng trong tiến trình cải cách hành chính (CCHC) và triển khai Chính phủ điện tử. Việc sử dụng DVCTT giúp giảm thời gian gửi, nhận hồ sơ, giảm công sức, tăng hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, thời gian qua vẫn còn ít người dân chủ động tiếp cận với những tiện ích mà DVCTT đem lại.
Cung cấp các dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) được xem là khâu quan trọng trong tiến trình cải cách hành chính (CCHC) và triển khai Chính phủ điện tử. Việc sử dụng DVCTT giúp giảm thời gian gửi, nhận hồ sơ, giảm công sức, tăng hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, thời gian qua vẫn còn ít người dân chủ động tiếp cận với những tiện ích mà DVCTT đem lại.
Đẩy mạnh DVCTT đang là giải pháp được nhiều địa phương chú trọng nhằm nâng cao hiệu quả cải cách thủ tục hành chính (TTHC).
Hướng dẫn từng người
Nhà ở xã Sơn Thành Đông (huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên), trước đây mỗi khi có nhu cầu giải quyết TTHC, ông Lê Văn Phước phải đi quãng đường dài đến huyện, cộng thêm thời gian chờ đợi khá lâu. Mặc dù trước đây đã được nghe nhiều về DVCTT, nhưng bản thân ông không biết bắt đầu tiếp cận như thế nào. Mới đây, được sự hướng dẫn của tổ công tác hướng dẫn DVCTT, ông Phước đã mở được tài khoản trên Cổng DVCTT và đã có thể tự mình thực hiện những thao tác nộp hồ sơ trực tuyến. Ông Phước nói: “Nay với DVCTT, tôi có thể thao tác tại nhà, hạn chế thời gian đi lại, rất tiện lợi và hữu ích cho gia đình”.
Ảnh minh họa
Chủ tịch UBND xã Sơn Thành Đông Thái An Nam cho biết, phần lớn người trẻ trình độ công nghệ thông tin tốt hơn, nên địa phương chú trọng tuyên truyền bằng cách chia sẻ lên mạng xã hội, facebook, zalo để họ nắm bắt và hỗ trợ người thân, gia đình một cách dễ dàng hơn. Xã đang tập trung tuyên truyền, hướng dẫn để mỗi người dân có thể lập tài khoản và sử dụng DVCTT một cách tốt nhất.
Theo UBND huyện Tây Hòa, thời gian qua, lãnh đạo huyện thường xuyên chỉ đạo việc cập nhật đầy đủ các TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của huyện trên Cổng DVCTT của tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân cập nhật, tra cứu thông tin phục vụ cho việc giải quyết TTHC. Để nâng cao hiệu quả sử dụng DVCTT, huyện đã thành lập tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ, trong đó tập trung tuyên truyền, hướng dẫn người dân đăng ký tài khoản, sử dụng các DVCTT trên Cổng DVC quốc gia.
Tại TP Tuy Hòa, hầu hết các xã, phường đều bố trí bàn hướng dẫn DVCTT tại bộ phận một cửa. Ngoài hỗ trợ tiếp nhận hồ sơ, lực lượng này sẽ đóng vai trò hướng dẫn người dân thực hiện các thao tác trực tuyến theo hướng cầm tay chỉ việc để người dân từng bước tiếp cận.
Với những người lần đầu tiếp cận DVCTT, chị Nguyễn Thị Hoài Duyên, cán bộ Văn phòng - Thống kê phường 9 cố gắng hướng dẫn chi tiết từng bước thực hiện. “Dịch vụ này lâu nay được tuyên truyền rất nhiều nhưng bà con cũng chưa nắm rõ, nhất là những người lớn tuổi, người không sử dụng các thiết bị điện tử thông minh nên cần được hướng dẫn rất chi tiết”, chị Hoài Duyên chia sẻ.
Càng đơn giản, càng hiệu quả
Hiện nay, tỉnh đã có 1.125 DVC có thể thực hiện bằng hình thức trực tuyến ngay tại nhà ở mức độ 3, 4, trong đó, cấp tỉnh 962 dịch vụ, cấp huyện 135 và cấp xã là 28 dịch vụ. Tuy nhiên, tỉ lệ người dân sử dụng DVCTT trên địa bàn tỉnh còn thấp. Liên hệ trực tiếp bộ phận một cửa, đó là lựa chọn của hầu hết người dân khi có nhu cầu giải quyết TTHC. Nhiều thao tác phức tạp, sợ sai sót, lo ngại về tính bảo mật thông tin... đó là những lý do phổ biến khiến người dân còn ngại chưa tiếp cận sử dụng các DVCTT.
“Tôi làm nghề biển, đi suốt nên thời gian tiếp cận với DVCTT gần như không có. Mới đây, dù được hướng dẫn sử dụng nhưng tôi vẫn thích đi trực tiếp hơn. Do thao tác trên mạng nhiều bước nên tôi sợ sai sót, quên thì lại không biết hỏi ai. Tôi mong muốn nó đơn giản hơn”, anh Trần Văn Thung ở xã An Hòa Hải (huyện Tuy An) nói.
Để ngày càng có nhiều doanh nghiệp, cá nhân tham gia DVCTT, theo Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Hòa Phan Công Trinh, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương và từng cán bộ, công chức, viên chức cần tăng cường truyền thông, tuyên truyền hiệu quả việc sử dụng DVCTT để họ hiểu rõ hơn về lợi ích mang lại từ dịch vụ này. Trong đó, tập trung nêu bật các lợi ích người dân, doanh nghiệp được thụ hưởng. Tài liệu hướng dẫn được thể hiện dưới dạng hình ảnh minh họa. Video hướng dẫn thực hiện cụ thể một số dịch vụ hành chính công trực tuyến đăng tải trên Trang thông tin điện tử. Đồng thời thiết kế các tài liệu hướng dẫn theo từng bước đơn giản, dễ thực hiện dịch vụ... Đặc biệt, người đứng đầu cần nâng cao trách nhiệm trong việc xử lý và giải quyết hồ sơ trên Cổng DVCTT; cán bộ, công chức, viên chức cũng nâng cao trách nhiệm trong việc hướng dẫn người dân và doanh nghiệp trong nộp hồ sơ mức độ 3, 4 đảm bảo tính bảo mật cao và thuần thục để tăng độ tin cậy cho tổ chức, cá nhân.
Ông Phạm Minh Hùng, Vụ trưởng Vụ CCHC Bộ Nội vụ, Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ, cho biết: “Tâm lý người dân rất ít mặn mà với DVCTT. Do đó, để tổ chức, cá nhân tham gia DVCTT thì các TTHC trên cổng phải được đơn giản hóa, dễ thực hiện, dễ tiếp cận, dễ kê khai thực hiện thì người dân sẽ tham gia. Mấu chốt là phải đáp ứng nhu cầu người dân; tổ chức, cá nhân phải tin tưởng vào DVCTT. Và muốn họ tin tưởng thì trước hết chính quyền phải tiếp tục rà soát, đơn giản hóa TTHC, phải có sự tuyên truyền, hướng dẫn người dân một cách cụ thể hơn nữa. Khi vừa tiện lợi, vừa an toàn và có sự kiểm chứng, thì khi đó người dân tự tìm mọi cách để tham gia”.
Thực tế cho thấy, việc triển khai cung cấp DVCTT thời gian qua đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng cũng còn nhiều khó khăn, nhất là việc tiếp cận của người dân. Muốn nâng cao tỉ lệ DVCTT, việc đầu tư tập huấn, tuyên truyền, hướng dẫn và quan trọng là tạo được niềm tin, sự yên tâm và hài lòng của người dân, tổ chức khi lựa chọn sử dụng dịch vụ là rất cần thiết. Ông Trần Công Hoan, Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh Phú Yên |