/ Tin tức
Đẩy mạnh quản lý hạ tầng kỹ thuật đáp ứng yêu cầu chuỗi cung ứng hàng hóa phục vụ phát triển công nghiệp vùng Đông Nam Bộ
Vùng Đông Nam bộ (ĐNB) là khu vực có nền kinh tế phát triển năng động nhất cả nước, GRDP công nghiệp và xây dựng đóng góp hơn 34,7% GDP của cả nước, đứng thứ nhất trong 6 vùng kinh tế cả nước (đứng thứ hai là vùng đồng bằng sông Hồng, đóng góp 34,4%), trong đó GRDP công nghiệp của 4 địa phương TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa Vũng Tàu chiếm tới 93,6% tổng GRDP khu vực công nghiệp Vùng.
Tổng kim ngạch xuất khẩu của Vùng chiếm trên 35% trong cả nước, đóng góp lớn vào xuất siêu của cả nước, trong đó các mặt hàng xuất khẩu chủ lực gồm: (1) điện thoại và linh kiện, (2) máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, (3) máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng; (4) dệt và may mặc; (5) giầy dép; 6) gỗ và sản phẩm gỗ; (7) sắt thép các loại; (8) nông thủy sản.
Khu vực Đông Nam Bộ có khoảng 106 khu công nghiệp (KCN) đang hoạt động, với diện tích hơn 37.640 ha, trong đó: (1) TP. Hồ Chí Minh (KCN, KCX): 17 KCN với tổng diện tích hơn 3.800 ha và tỷ lệ lấp đầy khoảng 80%; (2) Đồng Nai: 32 KCN với tổng diện tích hơn 10.000 ha và tỷ lệ lấp đầy bình quân khoảng 85%; (3) Bình Dương: 27 KCN với tổng diện tích 10.000 ha và tỷ lệ lấp đầy khoảng 95%; (4) Bà Rịa - Vũng Tàu: 13 KCN với tổng diện tích hơn 4.700 ha và tỷ lệ lấp đầy khoảng 65%; (5) Bình Phước: 12 KCN với tổng diện tích hơn 4.700 ha và tỷ lệ lấp đầy khoảng 40%; (6) Tây Ninh: 5 KCN với tổng diện tích 3.400 ha và tỷ lệ lấp đầy 65%.
Để tiếp tục xây dựng Đông Nam Bộ trở thành vùng văn minh, hiện đại, phát triển năng động; là trung tâm hàng đầu của cả nước và khu vực Đông Nam Á về kinh tế, tài chính, giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; giữ vai trò quan trọng trong liên kết và thúc đẩy phát triển các vùng khác, Thủ tướng chính phủ đã ban hành Quyết định số 370/QĐ-TTg ngày 04/5/2024 phê duyệt Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, có đề ra phương hướng “Đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại kinh tế vùng theo hướng hiện đại; huy động tối đa nguồn lực phát triển, kết hợp hài hòa giữa nội lực với ngoại lực; lấy kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là trọng tâm và động lực phát triển. Ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, các ngành dịch vụ chất lượng cao ngang tầm khu vực và thế giới, có vị thế vững chắc trong chuỗi giá trị toàn cầu. Đổi mới tư duy và tầm nhìn phát triển, tạo các cơ chế, chính sách vượt trội, cạnh tranh quốc tế cao để hình thành không gian phát triển và động lực tăng trưởng mới” trên cơ sở phát triển hệ thống hạ tầng thương mại hài hòa, đồng bộ, hiện đại, tạo điều kiện kết nối thương mại nhanh, hiệu quả giữa các địa phương trong vùng và với các vùng trên cả nước. Phát triển mạnh, đồng bộ hệ thống logistics cấp quốc gia, quốc tế gắn với cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu quốc tế, các trục hành lang kinh tế trọng điểm và tuyến thương mại liên vùng tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Tây Ninh, khu vực Long Thành, Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai), khu vực Phú Mỹ (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu).
Tầm nhìn đến năm 2050, Đông Nam Bộ sẽ trở thành vùng phát triển, có thu nhập cao; có tiềm lực kinh tế mạnh, cơ cấu kinh tế hiện đại; trung tâm khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ cao, logistics và trung tâm tài chính quốc tế thuộc nhóm hàng đầu của khu vực và thế giới; có kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ.
Với vị trí địa lý chiến lược, Đồng Nai có tiềm năng là cửa ngõ kết nối vùng Đông Nam Bộ với nhiều vùng kinh tế của Việt Nam và hướng ra quốc tế. Tỉnh nằm trong tứ giác phát triển kinh tế (HCM – Bình Dương – Đồng Nai – BRVT), nòng cốt của vùng trọng điểm kinh tế phía Nam, đồng thời tiếp giáp với các vùng kinh tế, nguyên liệu, nhân lực khá đặc thù như Tây Nguyên, Nam Trung Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long.
Trong liên kết nội vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Đồng Nai là mắc xích quan trọng trong liên kết nội vùng kinh tế trọng điểm phía Nam thông qua kết nối đa phương tiện bao gồm đường bộ (Vành đai 3, 4), đường sắt, đường thủy và đặc biệt là cảng HKQT Long Thành. Tỉnh nằm trên tuyến cao tốc HCM – Dầu Giây – Đà Lạt, kết nối với hệ thống quốc lộ như QL1, QL51, đường Vành Đai 4, cùng với hệ thống giao thông thủy khá dày đặc và giao thông đường sắt HCM – Nha Trang, Đồng Nai là đầu mối giao thông liên tỉnh quan trọng của vùng Đông Nam Bộ.
Ngày 03/7/2024, Đồng Nai cũng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 586/QĐ-TTg, theo đó định hướng phát triển chuyển đổi các khu công nghiệp hiện hữu theo hướng phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, lựa chọn sản phẩm, công đoạn có giá trị gia tăng cao tham gia chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu, tăng cường liên kết vùng, quốc gia và quốc tế, với vai trò Đồng Nai là một trong những trung tâm giao thương quan trọng của Vùng Đông Nam Bộ; trên cơ sở khai thác Cảng hàng không quốc tế Long Thành, sân bay lưỡng dụng Biên Hòa, cảng biển Phước An làm động lực để đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, sản xuất công nghiệp, thương mại điện tử và vận chuyển hành khách. Chủ động hội nhập, tận dụng khai thác các thế mạnh trong các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia.
Để tăng cường, đẩy mạnh kết nối phục vụ phát triển công nghiệp các địa phương trong vùng Đông Nam Bộ, Đồng Nai sẽ tiếp tục phát triển khu công nghiệp theo mô hình cụm liên kết ngành công nghiệp xuất khẩu
Tính đến nay, Đồng Nai có 32 KCN đi vào hoạt động, thu hút 44 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư với tổng số 2.108 dự án; trong đó, 1.456 dự án vốn đầutư nước ngoài với tổng vốn đầu tư 29.589,97 triệu USD, vốn thực hiện 22.714,81 triệu USD, đạt 77% so với tổng vốn đăng ký; và 652 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư 79.329,50 tỷ đồng.
Kim ngạch xuất khẩu năm 2023 toàn tỉnh Đồng Nai đạt 21,62 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh chiếm hơn 70%; xuất siêu 5,91 tỷ USD (bình quân hàng tháng xuất siêu khoảng 492 triệu USD). Thị trường xuất khẩu chủ lực của tỉnh Đồng Nai (chiếm gần 50% KNXK toàn tỉnh), tập trung vào 03 thị trường: Hoa Kỳ đạt 6,23 tỷ USD (chiếm 28,8%); Trung Quốc đạt 2,24 tỷ USD (chiếm 10,4%); Nhật Bản đạt 2,23 tỷ USD (chiếm 10,3%).
Nhóm các mặt hàng xuất khẩu chủ lực năm 2023: Có 07 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 01 tỷ USD (chiếm 60,3% tổng KNXK), gồm: (1) Giày dép các loại đạt 4,28 tỷ USD; (2) Máy móc thiết bị và dụng cụ phụ tùng đạt 2,26 tỷ USD; (3) Dệt may đạt 1,61 tỷ USD; (4) Sản phẩm gỗ đạt 1,32 tỷ USD; (5) Xơ sợi dệt các loại đạt 1,23 tỷ USD; (6) Phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 1,19 tỷ USD; (7) Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 1,11 tỷ USD.
Trong thời gian qua, tại một số khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng đã hình thành và phát triển liên kết ngành công nghiệp do một số doanh nghiệp tự kết nối với nhau hoặc thông qua chương trình xúc tiến thương mại ở một số ngành công nghiệp như: may mặc, da giày, điện tử, chế biến gỗ, chế biến nông sản thực phẩm. Tuy nhiên, sự liên kết này chưa chặt chẽ giữa các khâu sản xuất, phân phối và tiêu dùng, một số doanh nghiệp trong nước muốn liên kết với doanh nghiệp nước ngoài cũng còn gặp nhiều khó khăn, do không tương xứng về quy mô, trình độ công nghệ.
Qua tìm hiểu của Đồng Nai, một số khu công nghiệp trên phạm vi cả nước bước đầu đã hình thành chuỗi liên kết công nghiệp như: Tổ hợp sản xuất sợi - dệt may của Tập đoàn Texhong tại Khu kinh tế Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh; Tổ hợp sản xuất điện thoại di động của Samsung tại các khu công nghiệp thuộc tỉnh Bắc Ninh và Thái Nguyên; Tổ hợp sản xuất lắp ráp cơ khí, linh kiện ô tô Trường Hải tại Khu kinh tế mở Chu Lai, tỉnh Quảng Nam, các khu sản xuất công nghiệp tại Đồng Nai, Bình Dương, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh…
Các dự án sản xuất quy mô lớn với nhiều doanh nghiệp vệ tinh và nội địa hóa được tăng cường đang tạo nền tảng quan trọng để thúc đẩy liên kết ngành, liên kết vùng và phát triển sản xuất công nghiệp quy mô lớn ở Việt Nam. Tuy nhiên, đến nay Đồng Nai vẫn chưa có thông tin về việc khu công nghiệp được quy hoạch theo mô hình cụm liên kết ngành công nghiệp, chưa có mô hình cụm liên kết ngành “Mẫu”, “Thí điểm”, và các hướng dẫn cụ thể từ các Bộ ngành để làm cơ sở triển khai thực hiện.
Do đó, Đồng Nai sẽ tiếp tục kiến nghị Bộ Công Thương phối hợp Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn thực hiện mô hình liên kết ngành công nghiệp, cụ thể như: cụm liên kết ngành công nghiệp trong phạm vi ranh giới cùng một khu công nghiệp; cụm liên kết ngành công nghiệp giữa các khu công nghiệp trong phạm vi ranh giới một tỉnh; cụm liên kết ngành công nghiệp giữa các khu công nghiệp trong phạm vi ranh giới Vùng Đông Nam bộ; Tiêu chí xác định cụm liên kết ngành theo các mô hình này và phân công cơ quan chủ trì thẩm định, công nhận mô hình cụm liên kết ngành, và các chính sách hỗ trợ phát triển tương ứng từng mô hình cụm liên kết ngành.
Đồng thời, kiến nghị Bộ triển khai xây dựng mô hình cụm liên kết ngành “Mẫu”, “Thí điểm” hoặc giới thiệu các mô hình “cụm liên kết ngành công nghiệp tiêu biểu đã hoạt động” để các địa phương học tập kinh nghiệm triển khai.
Về nội dung cụm liên kết ngành “Thí điểm” cũng đã được đề cập tại Nghị quyết số 115/NQ-CP ngày 06/8/2020 của Chính phủ về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ, tại mục nhiệm vụ của Bộ Công Thương có nêu: “Chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng đề án thí điểm đầu tư các khu công nghiệp tập trung tại một số địa phương phù hợp theo mô hình cụm liên kết ngành sản xuất các linh kiện, phụ tùng các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ưu tiên phát triển như: sản xuất sản phẩm điện tử, cơ khí trọng điểm, sản xuất lắp ráp ô tô và nguyên phụ liệu quan trọng ngành dệt may, da giầy như sợi, vải, da và vật liệu mới tại một số địa bàn phù hợp;”.