/ Tin tức
Doanh nghiệp ngành hàng thủ công mỹ nghệ chưa hết khó khăn
Là một trong những ngành sản xuất khá quan trọng, tạo việc làm cho người lao động nhưng ngành thủ công mỹ nghệ của nước ta đang phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức.
Thị trường tiêu thụ sụt giảm trong những năm vừa qua; nguyên liệu, vốn, việc xây dựng thương hiệu, thiết kế sản phẩm, sản xuất xanh, an toàn cũng đang là điểm nghẽn. Do đó, việc bám sát nhu cầu, thị hiếu tiêu dùng, đổi mới công nghệ kỹ thuật là điều bắt buộc của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ.
Vẫn chưa hồi phục
Việt Nam có số lượng lớn cơ sở sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ. Theo số liệu của Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn), hiện cả nước có gần 774,4 ngàn cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm thủ công mỹ nghệ, tập trung nhiều ở nhóm đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thêu ren, cơ khí nhỏ...
Tuy nhiên, thực tế hiện nay là ngành thủ công mỹ nghệ đang đứng trước nhiều thách thức. Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ tuy đã cải tiến về mẫu mã nhưng tính thẩm mỹ, tính nghệ thuật chưa cao; còn sử dụng nguyên liệu ảnh hưởng đến môi trường và vẫn còn nguyên liệu chưa rõ nguồn gốc...
Việt Nam có hơn 5,4 ngàn làng nghề và làng nghề truyền thống với nhiều mô hình sản phẩm khác nhau như: mây tre đan, gốm sứ, thêu dệt, đúc đồng, trạm khắc gỗ, trang sức, đá quý… Riêng Đồng Nai có hơn 10 nghề truyền thống.
Theo ông Nguyễn Thành Nhân, chủ Cơ sở Mộc mỹ nghệ Thành Nhân (huyện Trảng Bom), khó khăn hiện nay là các đối tác đòi hỏi tiêu chuẩn sản phẩm xuất khẩu ngày càng cao, trong khi những cơ sở sản xuất nhỏ năng lực yếu, khó đáp ứng được. Các DN, cơ sở sản xuất cần được hỗ trợ liên kết, hợp tác với nhau tạo ra năng lực sản xuất tập trung lớn hơn.
Ngoài vấn đề năng lực sản xuất, hiện thị trường tiêu thụ sản phẩm của các đơn vị đang gặp khó.
Theo Phó chủ tịch Hiệp hội Gốm sứ Bình Dương Vương Siêu Tín, hiện số cơ sở sản xuất gốm sứ tại Bình Dương đã giảm tới 70-80% so với thời kỳ phát triển hoàng kim, số lao động trong mỗi cơ sở giảm đáng kể. Các cơ sở sản xuất đang đối mặt với bài toán khó cả về thị trường tiêu thụ, lao động lẫn nguyên liệu sản xuất. Doanh số mặt hàng gốm sứ tại nhiều cơ sở đang giảm 50% so với giai đoạn trước.
Tương tự, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất gốm Hiến Nam (thành phố Biên Hòa) Hoàng Ngọc Hiến cho biết, so với đầu năm thì đơn vị cũng có đơn hàng nhiều hơn song vẫn chưa thấm tháp gì nếu so với giai đoạn trước đại dịch Covid-19. Hiện tại, các cơ sở sản xuất gốm trên địa bàn tỉnh đang gặp khó khăn không những về thị trường xuất khẩu, mà còn ở thị trường trong nước. Ngoài ra, những khó khăn khác cộng dồn khiến cho doanh nghiệp vẫn chưa hết lao đao.
Bám sát thị hiếu tiêu dùng để phát triển ngành hàng
Theo tiến sĩ Tôn Gia Hóa, Phó chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, nước ta có tiềm năng xuất khẩu các sản phẩm thủ công mỹ nghệ nhờ sự đa dạng ngành nghề và giàu tài nguyên. Quy mô thị trường thủ công mỹ nghệ Việt Nam được dự đoán sẽ có tốc độ tăng trưởng vào khoảng 8,7% trong giai đoạn 2024-2032. Đây là con số thấp hơn mức tăng trưởng của toàn cầu, cho thấy ngành thủ công mỹ nghệ Việt Nam còn sơ khai và nhiều dư địa phát triển. Dù còn hạn chế nhưng ông Hóa nhận định có những tín hiệu tốt cho ngành hàng thủ công mỹ nghệ tại Việt Nam. Trong đó, thương mại điện tử sẽ hỗ trợ xuất khẩu khi thị trường thương mại điện tử Việt Nam thuộc tốp 3 trong khu vực Đông Nam Á và đang tăng trưởng mạnh mẽ.
Theo các chuyên gia, ngành thủ công mỹ nghệ cần khắc phục những hạn chế cố hữu của mình như phát triển tự phát, chưa có sự tập trung đầu tư xây dựng một làng nghề chuẩn đảm bảo từ thương hiệu, sản phẩm, sản xuất, thương hiệu gắn với quảng bá sản phẩm. Đồng thời, phải đào tạo nhân lực, nắm bắt theo xu hướng phát triển của lĩnh vực thủ công mỹ nghệ thế giới để có thể sản xuất ra những sản phẩm phù hợp.
Song song với nỗ lực của nhà sản xuất thì chính sách phát triển là điều quan trọng. Nhà nước cần có quy hoạch tổng thể phát triển ngành phù hợp, khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ trong thiết kế mẫu mã, tăng cường xúc tiến thương mại, xây dựng mạng lưới tiêu thụ.
Tại Đồng Nai, UBND tỉnh đã có kế hoạch phát triển lĩnh vực thủ công mỹ nghệ đến năm 2030 trên địa bàn. Kế hoạch được thực hiện nhằm huy động các nguồn lực tham gia đầu tư, sản xuất các mặt hàng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa và tăng thu nhập cho người dân địa phương. Đồng thời, tỉnh tập trung các giải pháp tạo động lực để thúc đẩy phát triển ngành thủ công mỹ nghệ, gắn liền với phát triển các giá trị văn hóa bản địa mà ngành mang lại. Điều này sẽ tạo thêm cơ hội để các cơ sở sản xuất có thể thụ hưởng những chính sách hỗ trợ từ Nhà nước.
Nguồn: Baodongnai