/ Tin tức
Đồng Nai: Ngành Công Thương dự báo 3 kịch bản tăng trưởng thương mại, xuất khẩu với 3 mức thuế đối ứng của Mỹ đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam (sau ngày 09/7/2025)
Kịch bản 1 (Khá hay nói cách khác là lạc quan): sau 90 ngày đàm phán, thuế đối ứng vẫn ở mức cơ bản 10%, đây được xem là kịch bản thuận lợi nhất, giúp duy trì đà phục hồi thương mại – xuất khẩu và hỗ trợ tái cơ cấu thị trường, nâng cao nội lực doanh nghiệp. Kịch bản 2 (trung bình hay nói cách khác là trung tính): sau 90 ngày đàm phán, phía Hoa Kỳ quyết định duy trì mức thuế nhập khẩu 20-25% với nhiều mặt hàng xuất khẩu từ Việt Nam thay vì 46% như dự kiến ban đầu. Tuy không phải kịch bản xấu nhất (thuế 46%), song việc áp dụng mức thuế trung bình này đã tác động rõ nét đến khả năng cạnh tranh và đơn hàng xuất khẩu của nhiều doanh nghiệp tại Đồng Nai. Kịch bản 3 (kém hay nói cách khác là tiêu cực): sau 90 ngày đàm phán, Hoa Kỳ chính thức áp thuế 46% lên hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam. Mức thuế này ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức cạnh tranh và khả năng duy trì đơn hàng xuất khẩu của doanh nghiệp.
a. Kịch bản 1 (Khá hay nói cách khác là lạc quan): sau 90 ngày đàm phán, thuế đối ứng vẫn ở mức cơ bản 10%, đây được xem là kịch bản thuận lợi nhất, giúp duy trì đà phục hồi thương mại – xuất khẩu và hỗ trợ tái cơ cấu thị trường, nâng cao nội lực doanh nghiệp.
- Dự báo tăng trưởng năm 2025:
+ Xuất khẩu: Dự kiến đạt 26,3 tỷ USD, tăng khoảng 11% so với năm 2024 (23,7 tỷ USD). Các nhóm ngành giữ được đơn hàng gồm: giày dép (ước tăng 8%), dệt may (tăng 6-7%), đồ gỗ (tăng 5%), điện tử - linh kiện (tăng 10%).
+ Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ: Ước đạt trên 330.000 tỷ đồng, tăng trên 14% so với năm 2024, vượt chỉ tiêu 13,8% đề ra. Động lực từ tiêu dùng nội địa, chuyển dịch từ tiêu dùng hàng nhập khẩu sang hàng Việt.
+ Thị trường: Tăng trưởng mạnh tại Nhật Bản, EU, Hàn Quốc và ASEAN nhờ tận dụng FTA; xuất khẩu sang Hoa Kỳ tuy chậm lại nhưng giữ được ổn định nhờ duy trì hợp đồng và lợi thế chuỗi cung ứng.
- Tác động đến các ngành hàng xuất khẩu chủ lực:
+ Ngành giày dép, dệt may: Tỷ trọng xuất khẩu sang Mỹ vẫn chiếm 45-50% nhưng giảm rủi ro do các đơn hàng đã đàm phán lại giá và thời gian giao hàng. Doanh nghiệp chủ động cắt giảm chi phí, đẩy mạnh nội địa hóa nguyên liệu.
+ Ngành gỗ và sản phẩm gỗ: Một số mặt hàng được miễn trừ thuế 10% (gỗ xẻ, dùng nguyên liệu từ Mỹ). Doanh nghiệp trong tỉnh tiếp tục duy trì đà tăng trưởng.
+ Ngành điện tử, máy tính: Được hưởng lợi từ chuỗi cung ứng ổn định và không bị gián đoạn. Tăng trưởng tốt, tiếp tục thu hút FDI mới.
+ Ngành cà phê, cao su, hạt điều: Không chịu ảnh hưởng trực tiếp, tiếp tục tăng trưởng mạnh do giá và nhu cầu toàn cầu tăng.
- Giải pháp ứng phó:
+ Tăng cường theo dõi thị trường, cảnh báo sớm biến động giá cả, đơn hàng và chính sách thương mại từ Mỹ, EU, Trung Quốc.
+ Triển khai hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi mã HS, xuất xứ, tận dụng FTAs.
+ Tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại tại EU, Hàn Quốc, Nhật Bản; … hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường thay thế.
+ Hỗ trợ các doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử xuyên biên giới, cắt giảm chi phí logistics, khuyến khích liên kết chuỗi cung ứng nội địa.
+ Phối hợp các cơ quan, đơn vị kiểm soát xuất xứ, phòng ngừa gian lận thương mại, xử lý nghiêm vi phạm quy định chống chuyển tải.
+ Rà soát, hỗ trợ các cơ sở sản xuất trong khu công nghiệp có định hướng xuất khẩu; tư vấn đầu tư công nghiệp hỗ trợ.
+ Hướng dẫn doanh nghiệp tiết kiệm năng lượng, đổi mới công nghệ, tận dụng cơ chế hỗ trợ đầu tư xanh theo yêu cầu của thị trường các nước phát triển, đặc biệt là Châu Âu.
b. Kịch bản 2 (trung bình hay nói cách khác là trung tính): sau 90 ngày đàm phán, phía Hoa Kỳ quyết định duy trì mức thuế nhập khẩu 20-25% với nhiều mặt hàng xuất khẩu từ Việt Nam thay vì 46% như dự kiến ban đầu. Tuy không phải kịch bản xấu nhất (thuế 46%), song việc áp dụng mức thuế trung bình này đã tác động rõ nét đến khả năng cạnh tranh và đơn hàng xuất khẩu của nhiều doanh nghiệp tại Đồng Nai.
- Dự báo tăng trưởng năm 2025:
+ Xuất khẩu: Dự kiến đạt 24,7-25 tỷ USD, tăng khoảng 4-6% so với năm 2024. Một số ngành hàng có thể giảm tốc tăng trưởng như dệt may, gỗ, giày dép do ảnh hưởng từ thuế.
+ Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ: Dự báo đạt khoảng 320.000 tỷ đồng, tăng khoảng 11,5-12,5% so với năm 2024, thấp hơn chỉ tiêu 13,8% do sức mua nội địa giảm từ tác động dây chuyền của giảm đơn hàng xuất khẩu.
+ Xuất siêu duy trì nhưng thặng dư thương mại có thể giảm nhẹ so với năm 2024 do tăng giá nhập khẩu nguyên phụ liệu và giảm đơn hàng từ thị trường Hoa Kỳ.
- Tác động đến các ngành hàng xuất khẩu chủ lực:
+ Ngành dệt may, giày dép: Mức thuế 20-25% khiến nhiều doanh nghiệp Việt Nam kém cạnh tranh hơn so với đối thủ từ Bangladesh, Mexico. Dự kiến giảm 5-10% đơn hàng từ thị trường Hoa Kỳ.
+ Ngành gỗ: Một số dòng sản phẩm gỗ nội thất bị áp thuế cao hơn, buộc doanh nghiệp phải điều chỉnh giá hoặc tìm thị trường thay thế.
+ Ngành điện tử, linh kiện: Ít chịu ảnh hưởng trực tiếp nhờ chuỗi cung ứng toàn cầu và FDI chủ lực vẫn duy trì ổn định.
+ Ngành cà phê, hạt điều, thủy sản: Ảnh hưởng nhẹ hơn, song sẽ bị cạnh tranh mạnh về giá.
+ Thị trường nội địa, bán lẻ: Bị ảnh hưởng gián tiếp qua kênh giảm đơn hàng, giảm việc làm, giảm sức mua của người dân.
- Giải pháp ứng phó: Trước tình hình Hoa Kỳ áp dụng mức thuế từ 20 - 25% đối với hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam, trong đó có nhiều mặt hàng chủ lực của tỉnh Đồng Nai, Sở Công Thương xây dựng phương án ứng phó chi tiết với các nội dung như sau:
+ Hỗ trợ doanh nghiệp duy trì và tái đàm phán đơn hàng: Phối hợp với các Hiệp hội ngành hàng cung cấp thông tin thị trường, phân tích tác động và xu hướng biến động đơn hàng để doanh nghiệp chủ động tái cơ cấu kế hoạch sản xuất. Khuyến khích doanh nghiệp đàm phán lại giá xuất khẩu, thời gian giao hàng và chính sách vận chuyển nhằm giảm thiểu tác động của chi phí tăng do thuế.
+ Thúc đẩy khai thác các thị trường thay thế: Tổ chức đoàn xúc tiến thương mại tại các thị trường có FTA ưu đãi (EU, Hàn Quốc, Nhật Bản, Canada...) nhằm giảm phụ thuộc vào thị trường Mỹ. Xây dựng cơ sở dữ liệu thị trường và danh mục các mặt hàng có tiềm năng tại thị trường thay thế, cung cấp cho doanh nghiệp trên địa bàn.
+ Hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh và cắt giảm chi phí: Triển khai chương trình đào tạo, tập huấn cho doanh nghiệp về thương mại điện tử, logistics, quản trị chuỗi cung ứng, quản trị chi phí. Đề xuất các chương trình khuyến công hỗ trợ đầu tư máy móc mới, cải tiến công nghệ, giảm tiêu hao năng lượng, nâng cao năng suất lao động.
+ Phối hợp triển khai công cụ tài chính hỗ trợ doanh nghiệp: Làm việc với các ngân hàng thương mại để thiết kế gói tín dụng ưu đãi riêng cho doanh nghiệp xuất khẩu bị ảnh hưởng bởi thuế. Hướng dẫn doanh nghiệp tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, Quỹ bảo lãnh tín dụng
+ Chủ động giám sát chuỗi cung ứng và an ninh thị trường: Theo dõi, cảnh báo sớm nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, thiếu hụt nguyên liệu, và đề xuất phương án dự trữ nguyên liệu thiết yếu cho một số ngành sản xuất quan trọng. Kết nối với lực lượng Quản lý thị trường, Hải quan và các đơn vị liên quan để giám sát giá cả, lưu thông hàng hóa, đảm bảo ổn định cung cầu nội địa.
c. Kịch bản 3 (kém hay nói cách khác là tiêu cực): sau 90 ngày đàm phán, Hoa Kỳ chính thức áp thuế 46% lên hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam. Mức thuế này ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức cạnh tranh và khả năng duy trì đơn hàng xuất khẩu của doanh nghiệp.
- Dự báo tăng trưởng và tác động:
+ Kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh có thể giảm từ 5-8% so với năm 2024 (ước còn khoảng 21,8-22,5 tỷ USD).
+ Một số doanh nghiệp có thể buộc tạm ngừng sản xuất hoặc cắt giảm lao động do mất đơn hàng.
+ Tác động dây chuyền đến bán lẻ, việc làm, thu nhập, dịch vụ phụ trợ.
+ Mức tăng tổng bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ có thể chỉ đạt 10-11%, thấp hơn chỉ tiêu đặt ra.
- Giải pháp ứng phó:
+ Kích hoạt cơ chế ứng phó khẩn cấp: Thành lập tổ công tác đặc biệt theo dõi, đánh giá về đơn hàng, lao động và chuỗi cung ứng. Rà soát, lập danh sách doanh nghiệp gặp khó khăn do sụt giảm đơn hàng để phối hợp các Bộ, ngành, sở, đơn vị tham mưu cơ chế hỗ trợ khẩn. Theo dõi, nắm bắt, báo cáo khẩn các trường hợp doanh nghiệp gặp khó khăn nghiêm trọng về đơn hàng, tài chính.
+ Tập trung hỗ trợ các nhóm ngành bị ảnh hưởng: Phối hợp với hiệp hội ngành gỗ, dệt may, giày dép tổ chức đối thoại, đề xuất giải pháp cụ thể theo ngành. Phối hợp Ngân hàng Nhà nước tỉnh đề xuất phương án hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn tạm thời, đàm phán giãn nợ, khoanh nợ để ổn định sản xuất.
+ Đẩy mạnh thị trường thay thế: Phối hợp cùng Bộ Công Thương, Vụ Thị trường nước ngoài rà soát năng lực sản phẩm, mở rộng xúc tiến sang các thị trường có FTAs và ít rào cản thuế quan.
+ Tăng cường tiêu thụ nội địa và chuyển hướng sản phẩm: Tổ chức các hội chợ trong và ngoài tỉnh, liên kết hệ thống phân phối để tiêu thụ hàng hóa trong nước. Hỗ trợ các doanh nghiệp tái cấu trúc danh mục sản phẩm, chuyển sang cung ứng nội địa tạm thời.
+ Đề xuất cơ chế hỗ trợ từ trung ương: Đề xuất miễn, giảm thuế VAT, thuế TNDN, gia hạn nộp thuế cho doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng. Kiến nghị hỗ trợ gói tín dụng lãi suất thấp hoặc bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp xuất khẩu chủ lực.
+ Rà soát, hỗ trợ các cơ sở sản xuất trong khu công nghiệp có định hướng xuất khẩu; tư vấn đầu tư công nghiệp hỗ trợ.
+ Hướng dẫn doanh nghiệp tiết kiệm năng lượng, đổi mới công nghệ, tận dụng cơ chế hỗ trợ đầu tư xanh theo yêu cầu của thị trường các nước phát triển, đặc biệt là Châu Âu.
+ Hỗ trợ các doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử xuyên biên giới, cắt giảm chi phí logistics, khuyến khích liên kết chuỗi cung ứng nội địa.
+ Phối hợp các cơ quan, đơn vị kiểm soát xuất xứ, phòng ngừa gian lận thương mại, xử lý nghiêm vi phạm quy định chống chuyển tải.