Số lượt truy cập

2122308

/ Tin tức

Đồng Nai: Ngành thương mại, dịch vụ dẫn đầu trong tăng trưởng kinh tế

Trong thời gian qua, dù tình hình kinh tế trong nước và quốc tế có nhiều biến động nhưng ngành thương mại, dịch vụ của tỉnh vẫn có những điểm sáng khi duy trì được mức độ tăng trưởng ổn định, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế của tỉnh.

Bên cạnh đó, ngành thương mại, dịch vụ trên địa bàn tỉnh đã có nhiều nỗ lực về chuyển đổi số, tạo tiền đề để phát triển kinh tế số, thúc đẩy các dịch vụ ngân hàng số, thương mại điện tử... Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động ứng dụng công nghệ trong sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng và thúc đẩy tăng trưởng xanh…

Duy trì tăng trưởng, thúc đẩy tiêu dùng số

Năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của tỉnh đạt hơn 183 ngàn tỷ đồng, tăng gần 11%. Năm 2021, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 khiến nhiều chỉ tiêu về kinh tế đều tăng trưởng âm nhưng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng gần 3% so với năm 2020.

Năm 2022, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ của tỉnh đã có bước phục hồi đáng kể, đạt gần 234,2 ngàn tỷ đồng, tăng hơn 24% so với năm 2021. Đến năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ trên địa bàn tỉnh đạt hơn 262,6 ngàn tỷ đồng, tăng gần 12,2% so với năm trước đó.

Theo Cục Thống kê Đồng Nai, trong 7 tháng của năm 2024, tổng mức bán lẻ và doanh thu từ dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tỉnh ước đạt hơn 168,2 ngàn tỷ đồng, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hoạt động thương mại và dịch vụ trên địa bàn tỉnh tiếp tục tăng trưởng tích cực, thị trường tiêu thụ được mở rộng, đa dạng, sức mua trên thị trường tăng so với cùng kỳ năm trước. Ngành Công thương Đồng Nai tổ chức nhiều chương trình kết nối cung cầu trong nước, đồng thời theo dõi sát diễn biến giá cả các mặt hàng thiết yếu để có biện pháp điều tiết kịp thời, đảm bảo cân đối cung cầu, lưu thông hàng hóa và bình ổn thị trường.

Đồng Nai là một trong những địa phương phát triển kinh tế năng động của cả nước với nhiều doanh nghiệp đã và đang tham gia vào quá trình sản xuất, kinh doanh, xuất - nhập khẩu, phát triển thương mại - dịch vụ… Điều này góp phần đẩy mạnh các loại hình thương mại điện tử, dịch vụ số để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân.

Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Đồng Nai Phạm Gia Hải chia sẻ, xu thế tiêu dùng số, thương mại điện tử đang ngày càng nở rộ và phát triển nhanh chóng. Bên cạnh việc các doanh nghiệp, nhãn hàng tập trung phát triển các kênh quảng bá, bán hàng trực tuyến thì việc đảm bảo thông tin minh bạch, tiêu dùng an toàn trên các nền tảng số cũng là vấn đề cần quan tâm, lưu ý để góp phần giữ chữ tín, thương hiệu cho doanh nghiệp. Đồng thời, giúp người tiêu dùng có thêm các kênh mua sắm tiện ích, an toàn…

Chị Đinh Thị Thùy Trang, tiểu thương kinh doanh các mặt hàng sữa, bánh kẹo tại chợ Biên Hòa, cho biết bên cạnh hình thức thanh toán truyền thống bằng tiền mặt, trong thời gian qua, sạp hàng của chị còn hỗ trợ khách hàng, người mua thanh toán thông qua mã QR. Việc đa dạng các hình thức thanh toán này giúp sạp hàng có thêm sự cạnh tranh với các chuỗi cửa hàng bán lẻ hiện đại, thu hút thêm khách hàng…

Theo Báo cáo Chỉ số thương mại điện tử (EBI) Việt Nam năm 2024 vừa được Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (Vecom) công bố, chỉ số EBI của Đồng Nai xếp thứ 6 cả nước, tương đương thứ hạng năm ngoái. Chỉ số này được tổng hợp từ 3 chỉ số thành phần, bao gồm: nguồn nhân lực và hạ tầng công nghệ thông tin, giao dịch thương mại điện tử giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng (B2C) và giao dịch thương mại điện tử giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B).

Hướng tới phát triển thương mại, dịch vụ tổng hợp, hiện đại

Theo UBND tỉnh, toàn tỉnh hiện có 6 trung tâm thương mại, 12 siêu thị được xây dựng theo quy hoạch, 34 điểm bán hàng Tự hào hàng Việt Nam và 137 chợ đang hoạt động trong quy hoạch… Sàn giao dịch thương mại điện tử Đồng Nai ra mắt từ cuối năm 2021 và đang hoạt động ổn định, đã hỗ trợ 40 gian hàng cho doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh tham gia.

Nhiều chuyên gia bày tỏ, trong vài năm gần đây, thị trường thương mại điện tử ở Đồng Nai ngày càng mở rộng. Sự đa dạng về mô hình, đối tượng tham gia, quy trình hoạt động và chuỗi cung ứng hàng hóa, dịch vụ với sự hỗ trợ của hạ tầng internet và ứng dụng công nghệ hiện đại đã đưa thương mại điện tử trở thành trụ cột quan trọng trong tiến trình phát triển kinh tế số.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng chia sẻ, ngành công thương Đồng Nai cần tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động ứng dụng và giao dịch mua bán trên sàn thương mại điện tử của tỉnh Đồng Nai. Phối hợp với các địa phương quan tâm tuyên truyền để các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh tham gia sàn, triển khai giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh.

Tại buổi giám sát chuyên đề về kết quả thực hiện lĩnh vực đột phá về phát triển thương mại, dịch vụ tổng hợp hiện đại, trọng tâm là dịch vụ du lịch, dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh vào tháng 6-2024, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Bảo đề nghị UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan cần quan tâm hơn nữa đến công tác dự báo, đánh giá tình hình thực hiện các chỉ tiêu, phát triển các dịch vụ tổng hợp theo hướng hiện đại trên cơ sở cách mạng công nghiệp 4.0, thúc đẩy chuyển đổi số, ứng dụng khoa học - công nghệ, phát triển các chuỗi liên kết về nông nghiệp công nghệ cao…

UBND tỉnh và các sở, ngành, địa phương liên quan cần chú trọng công tác quy hoạch về thương mại, dịch vụ, cập nhật, quản lý quy hoạch một cách phù hợp, đồng bộ, đúng quy định, nhất là đối với những lĩnh vực trọng tâm về phát triển dịch vụ logistics, du lịch…