Số lượt truy cập

2494164

/ Tin tức

Đồng Nai phải tăng cường đào tạo nhân lực cho phát triển logistics

Đồng Nai rất có tiềm năng để phát triển dịch vụ logistics để phục vụ doanh nghiệp (DN), nhất là khi Cảng hàng không quốc tế Long Thành đi vào hoạt động. Đây được xem là “thỏi nam châm” thu hút đầu tư chất lượng cao vào địa phương trong tương lai. Tỉnh đang ra sức mời gọi, thu hút các dự án chất lượng trong lĩnh vực thương mại dịch vụ, logistics vùng phụ cận sân bay.

Trong bối cảnh đó, nhu cầu nhân lực chất lượng cao phục vụ ngành logistics là rất lớn, song thực tế việc đào tạo nhân lực ở địa phương vẫn còn cần nhiều sự quan tâm. Đồng Nai cuối tuần đã có cuộc trao đổi với tiến sĩ Nguyễn Văn Dũng, Trưởng khoa Kinh tế - quản trị - luật, Trường đại học Công nghệ Miền Đông, đơn vị đang đào tạo nhân lực phục vụ nhu cầu ngành logistics của Đồng Nai về vấn đề này.

Nhân lực đóng vai trò rất quan trọng

 Thưa ông, trong bất kỳ một lĩnh vực kinh tế nào, nhân lực cũng đóng vai trò rất quan trọng, hay nói đúng hơn là then chốt để phát triển bền vững. Với ngành logistics, điều này được thể hiện như thế nào?

- Nguồn nhân lực đóng vai trò thiết yếu trong hoạt động kinh doanh thời đại kỹ thuật số. Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0, các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực logistics đóng vai trò then chốt trong việc đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực logistics.

Vai trò của nguồn nhân lực logistics còn được mở rộng trong việc đảm bảo dịch vụ đúng hạn, đáng tin cậy và đáp ứng kỳ vọng của khách hàng, từ đó tạo ra sự hài lòng và lòng trung thành của khách hàng. Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết cho các cơ sở đào tạo trong việc chuẩn bị nguồn nhân lực để quản lý hiệu quả các quy trình logistics hiện đại.

Nhân lực logistics đóng vai trò quan trọng trong việc quản lý và tối ưu hóa các hoạt động chuỗi cung ứng, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động và khả năng cạnh tranh của DN. Nhân lực logistics chịu trách nhiệm quản lý dòng chảy hàng hóa, thông tin và tài chính trong chuỗi cung ứng. Hiệu quả của chuỗi cung ứng phụ thuộc rất nhiều vào năng lực của nhân sự quản lý logistics, đặc biệt trong việc điều phối các hoạt động như: vận chuyển, lưu trữ và phân phối. Tối ưu hóa các quy trình này sẽ giúp giảm chi phí, rút ngắn thời gian giao hàng và nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng.

 Để đáp ứng yêu cầu cao như vậy, chất lượng nhân lực cũng phải đạt được những tiêu chí nào, thưa ông?

- Cuộc CMCN 4.0 với sự phát triển vượt bậc của công nghệ như: trí tuệ nhân tạo, tự động hóa và dữ liệu lớn đang thay đổi mạnh mẽ các quy trình và yêu cầu trong lĩnh vực logistics. Nhân lực logistics cần phải có kiến thức về các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, tự động hóa và dữ liệu lớn để quản lý hiệu quả các quy trình logistics hiện đại.

Nhân lực logistics không chỉ tập trung vào vận hành mà còn tham gia vào việc phát triển các chiến lược kinh doanh liên quan đến chuỗi cung ứng. Sự tham gia của nhân lực logistics vào việc phân tích thị trường, dự báo nhu cầu và xây dựng chiến lược logistics phù hợp với chiến lược tổng thể của DN là rất quan trọng. Điều này giúp DN không chỉ đáp ứng tốt nhu cầu hiện tại mà còn chuẩn bị cho những thay đổi trong tương lai. Các DN cần đầu tư mạnh mẽ vào đào tạo và phát triển nguồn nhân lực logistics để tận dụng tối đa các cơ hội và đối phó với thách thức trong bối cảnh toàn cầu hóa và cuộc CMCN 4.0.

 Thưa ông, với Đồng Nai thì nhân lực cho ngành logistics phải chăng lại càng cấp bách hơn?

- Tỉnh Đồng Nai nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đang trải qua giai đoạn phát triển mạnh mẽ về hạ tầng và kinh tế. Đặc biệt, Cảng hàng không quốc tế Long Thành là bước ngoặt quan trọng trong sự phát triển kinh tế của tỉnh và cả nước. Việc đào tạo nhân lực trong ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng không chỉ là cần thiết mà còn cấp bách nhằm đảm bảo nguồn nhân lực đủ trình độ và kỹ năng để khai thác tối đa tiềm năng của sân bay. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại địa phương, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của tỉnh Đồng Nai trong tương lai.

Những điều trên cho thấy, việc xây dựng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực này là điều hết sức cấp thiết.

Nâng cao chất lượng cơ sở đào tạo nhân lực

 Thưa ông, nhu cầu nhân lực là rất cần thiết, vậy các cơ sở đào tạo cần làm gì để đáp ứng nhu cầu ngành logistics?

- Các cơ sở đào tạo không chỉ cần cung cấp kiến thức chuyên môn về logistics, mà còn phải trang bị cho sinh viên các kỹ năng công nghệ hiện đại, khả năng phân tích dữ liệu và tư duy sáng tạo để thích ứng với những thay đổi nhanh chóng của ngành. Hơn nữa, việc hợp tác chặt chẽ với DN trong ngành logistics để cập nhật và điều chỉnh chương trình đào tạo theo yêu cầu thực tế cũng là yếu tố quan trọng. Các trường đại học vừa là nơi cung cấp kiến thức, vừa là cầu nối giữa lý thuyết với thực tiễn. Điều này đặt ra những thách thức lớn nhưng cũng mở ra nhiều cơ hội cho ngành, đặc biệt là trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

 Theo ông, công tác đào tạo nhân lực của Đồng Nai để đáp ứng nhu cầu của ngành logistics đang ở mức độ nào?

- Hiện Đồng Nai có 13 cơ sở đào tạo đại học và cao đẳng nhưng chỉ có 2 trường đào chuyên ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng là Trường đại học Công nghệ Miền Đông và Trường đại học Lạc Hồng.

Nhu cầu lớn song việc đáp ứng nguồn nhân lực logistics còn là khâu yếu. Ảnh minh họa
Nhu cầu lớn song việc đáp ứng nguồn nhân lực logistics còn là khâu yếu. Ảnh minh họa

Trong 3 năm qua, 2 cơ sở đào tạo này đã không ngừng cập nhật chương trình đào tạo để tích hợp các xu hướng công nghệ mới nhất trong ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng như: tự động hóa, quản lý bằng hệ thống ERP và phân tích dữ liệu lớn. Các cơ sở đào tạo cũng hợp tác với các DN trong và ngoài tỉnh thuộc lĩnh vực logistics và chuỗi cung ứng, giúp sinh viên có cơ hội thực tập và thuận lợi cho việc tuyển dụng sau khi ra trường.

 Nhu cầu lớn, số lượng và quy mô đào tạo còn nhỏ, theo ông, các cơ sở đào tạo còn gặp những thách thức nào nữa?

- Trước hết là chất lượng giảng viên, đòi hỏi giảng viên không chỉ có kiến thức hàn lâm mà còn cần kinh nghiệm thực tiễn. Tuy nhiên, việc thu hút và giữ chân các giảng viên có chuyên môn cao và kinh nghiệm thực tiễn trong ngành là một thách thức lớn đối với các cơ sở đào tạo tại Đồng Nai. Đồng Nai phải cạnh tranh với các trung tâm đào tạo lớn hơn ở Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận, nơi có nhiều cơ sở đào tạo với chương trình đa dạng và cơ sở vật chất hiện đại hơn. Điều này tạo ra áp lực lớn đối với các trường học tại Đồng Nai trong việc thu hút sinh viên và nâng cao chất lượng đào tạo.

Cơ sở vật chất và trang thiết bị hiện đại, như: phần mềm quản lý chuỗi cung ứng, mô phỏng kho bãi và hệ thống vận tải rất quan trọng trong đào tạo. Tuy nhiên, nhiều cơ sở đào tạo tại Đồng Nai vẫn chưa được trang bị đầy đủ các thiết bị này, khiến sinh viên thiếu điều kiện để thực hành và tiếp cận với công nghệ mới.

Để vượt qua những thách thức trên, đòi hỏi phải có những chiến lược rõ ràng và đầu tư mạnh mẽ vào việc cập nhật chương trình đào tạo, cải thiện cơ sở vật chất, xây dựng mối quan hệ hợp tác với DN và phát triển đội ngũ giảng viên. Đồng thời, cần chú trọng đến việc nâng cao kỹ năng thực hành và tiếp cận công nghệ mới cho sinh viên, đảm bảo sinh viên có thể đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động trong ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng.

Trích nguồn: Theo PV Báo Đồng Nai