Số lượt truy cập

2493499

/ Tin tức

Đồng Nai: Phát triển dịch vụ trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh

Đồng Nai là một trong những địa phương phát triển kinh tế năng động của cả nước với nhiều doanh nghiệp đã và đang tham gia vào quá trình sản xuất, kinh doanh, xuất - nhập khẩu, phát triển thương mại - dịch vụ…

Trong Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Đồng Nai dự tính sẽ phát triển dịch vụ trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Trong đó chú trọng phát triển các lĩnh vực dịch vụ thương mại, logistics, du lịch… Đồng thời, phát triển các ngành dịch vụ hỗ trợ (tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, khoa học và công nghệ, viễn thông…).

Phát triển thương mại, dịch vụ văn minh, hiện đại

Đồng Nai sẽ tăng cường liên kết vùng, quốc gia và quốc tế với vai trò là một trong những trung tâm giao thương quan trọng của vùng Đông Nam Bộ. Đặc biệt, trên cơ sở khai thác Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Sân bay lưỡng dụng Biên Hòa, Cảng Phước An làm động lực để đẩy mạnh hoạt động xuất - nhập khẩu hàng hóa, sản xuất công nghiệp, thương mại điện tử và vận chuyển hành khách…

Bên cạnh đó, tỉnh sẽ phát triển hệ thống vận tải đa phương thức cùng các dịch vụ logistics, lấy nền tảng là các trung tâm logistics hiện đại cấp vùng và cấp tỉnh. Tập trung đào tạo và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao.

Theo UBND tỉnh, toàn tỉnh hiện có 6 trung tâm thương mại, 12 siêu thị được xây dựng theo quy hoạch, 34 điểm bán hàng Tự hào hàng Việt Nam và 137 chợ đang hoạt động trong quy hoạch… Theo Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, quy hoạch tăng thêm đến năm 2030, tỉnh sẽ có thêm một chợ đầu mối (chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây - giai đoạn 2) và 35 trung tâm thương mại, 32 siêu thị.

Người dân mua sắm tại một siêu thị ở thành phố Biên Hòa.
Người dân mua sắm tại một siêu thị ở thành phố Biên Hòa.

Về phương án phát triển kết cấu hạ tầng thương mại, tỉnh phát triển hệ thống hạ tầng thương mại đồng bộ, hiện đại, kết nối thương mại giữa các địa phương trong tỉnh và vùng Đông Nam Bộ. Xây dựng trung tâm hội chợ triển lãm tại Đồng Nai để cùng với các trung tâm tại Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu tạo thành tổ hợp triển lãm cấp quốc gia, quốc tế.

Đồng thời, hoàn thiện, cải tạo hệ thống chợ truyền thống, phát triển mạng lưới hạ tầng thương mại hiện đại, bao gồm các siêu thị và trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi dần thay thế chợ truyền thống tại các khu vực đô thị; phát triển trung tâm thương mại quốc tế lớn tại khu vực đô thị Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Đồng Nai sẽ hoàn thiện hệ thống dịch vụ xuất - nhập khẩu đồng bộ hiện đại, kết nối với các cảng biển và Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Khuyến khích thu hút đầu tư, xã hội hóa để phát triển trung tâm logistics, trung tâm đầu mối, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế của tỉnh.

Đẩy mạnh chuyển đổi số, hội nhập quốc tế

Các địa phương trong tỉnh đã và đang tập trung triển khai phát triển hạ tầng thương mại, dịch vụ, phát triển dịch vụ logistics và hạ tầng kinh doanh dịch vụ logistics, phát triển dịch vụ du lịch và đa dạng hóa các loại hình du lịch, phát triển thương mại điện tử, chuỗi sản xuất - tiêu thụ sản phẩm thế mạnh của địa phương…

Trong Danh mục các dự án ưu tiên đầu tư trên địa bàn Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, có 4 dự án thuộc lĩnh vực thương mại gồm: Trung tâm thương mại tại phường Hiệp Hòa (thành phố Biên Hòa), Trung tâm thương mại dịch vụ tổng hợp tại thị trấn Trảng Bom (huyện Trảng Bom), Trung tâm thương mại dịch vụ tại huyện Long Thành, Chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây - giai đoạn 2.

Bên cạnh đó, xây dựng 4 trung tâm logistics gồm: Trung tâm Logistics tổng kho trung chuyển Miền Đông; Trung tâm Logistics phía Nam Cảng hàng không quốc tế Long Thành; Trung tâm Logistics phía Đông Bắc Cảng hàng không quốc tế Long Thành; Trung tâm Logistics Phước An.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng chia sẻ, trong thời gian tới, các sở, ngành, địa phương trong tỉnh sẽ tiếp tục triển khai có hiệu quả kế hoạch đột phá về phát triển thương mại, dịch vụ tổng hợp hiện đại mà tỉnh có lợi thế, trọng tâm là dịch vụ du lịch, dịch vụ logistics; thúc đẩy lĩnh vực logistics của tỉnh phát triển trong thời gian tới. Đồng thời, nỗ lực phát triển hệ thống hạ tầng thương mại, dịch vụ theo quy hoạch, đẩy mạnh chuyển đổi số, tăng trưởng xanh, chú trọng xây dựng phương án, kế hoạch dài hơi, quy hoạch phát triển mạng lưới chợ phù hợp…

Tại buổi giám sát chuyên đề về kết quả thực hiện lĩnh vực đột phá về phát triển thương mại, dịch vụ tổng hợp hiện đại, trọng tâm là dịch vụ du lịch, dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh vào tháng 6-2024, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Bảo nhấn mạnh, việc phát triển thương mại, dịch vụ tổng hợp hiện đại là xu thế tất yếu, là yêu cầu điều kiện để đáp ứng sự phát triển của địa phương trong bối cảnh hội nhập quốc tế, đẩy mạnh chuyển đổi số và thực hiện cách mạng 4.0.

Do đó, UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan cần quan tâm hơn nữa đến công tác dự báo, đánh giá tình hình thực hiện các chỉ tiêu, phát triển các dịch vụ tổng hợp theo hướng hiện đại trên cơ sở cách mạng công nghiệp 4.0, thúc đẩy chuyển đổi số, ứng dụng khoa học - công nghệ, phát triển các chuỗi liên kết về nông nghiệp công nghệ cao… UBND tỉnh và các sở, ngành, địa phương liên quan cần chú trọng công tác quy hoạch về thương mại, dịch vụ, cập nhật, quản lý quy hoạch một cách phù hợp, đồng bộ, đúng quy định, nhất là đối với những lĩnh vực trọng tâm về phát triển dịch vụ logistics, du lịch…

Đồng Nai có vị trí chiến lược quan trọng trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đặc biệt, khi Cảng hàng không quốc tế Long Thành được đưa vào khai thác trong tương lai, địa phương không chỉ là nơi trung chuyển hàng không quốc tế và phát triển các lĩnh vực thế mạnh về logistics, thương mại, công nghiệp, mà còn có lợi thế về nơi trung chuyển, kết nối về dữ liệu, thu hút phát triển công nghiệp công nghệ thông tin…
Tỉnh hướng tới hình thành hệ sinh thái cơ sở hạ tầng hỗ trợ công nghệ thông tin, công nghệ số, big data (dữ liệu lớn) và các dịch vụ hỗ trợ phát triển công nghệ thông tin khác… Trong đó, tỉnh quy hoạch hình thành một khu công nghệ thông tin tập trung để phát huy các lợi thế, tiềm lực phát triển.