Số lượt truy cập

1548987

/ Tin tức

Đồng Nai: Phát triển thương mại, dịch vụ cho các vùng nông thôn

Trong xây dựng nông thôn mới (NTM), đầu tư cho hạ tầng thương mại nông thôn là một trong những tiêu chí quan trọng. Các địa phương trên địa bàn tỉnh cũng rất chú trọng đến tiêu chí này vì phục vụ cho nhu cầu đời sống thiết yếu của dân cư nông thôn đồng thời là kênh phân phối, tiêu thụ nông sản.

Theo đó, ngay cả những huyện thuần nông cũng quan tâm phát triển đồng bộ cả các lĩnh vực công nghiệp, thương mại, dịch vụ nhằm tạo đà cho sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững.

* Chợ nông thôn văn minh, hiện đại

Theo báo cáo của Sở Công thương, đầu tư về cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn là tiêu chí số 7 trong bộ tiêu chí xây dựng NTM. Để thực hiện tiêu chí này, UBND tỉnh nói chung, ngành Công thương Đồng Nai nói riêng đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như: ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật để hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn; từng bước giảm tình trạng kinh doanh tự phát, ổn định tình hình kinh doanh, phát triển Thương mại - dịch vụ ở khu vực nông thôn. Tỉnh cũng tổ chức triển khai thực hiện các quy hoạch phát triển ngành thương mại dịch vụ; quy hoạch phát triển mạng lưới chợ; đề án phát triển thương mại nông thôn trên địa bàn tỉnh. Xây dựng cơ chế, chính sách và hỗ trợ xây dựng điểm bán hàng Việt Nam với tên gọi Tự hào hàng Việt nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm hàng hóa thiết yếu của người tiêu dùng tại các địa phương chưa đầu tư xây dựng chợ.

Theo Chủ tịch UBND Cao Tiến Dũng, với người nông dân thì càng tiếp cận được sát với thị trường chừng nào thì càng có lợi chừng đấy. Tỉnh đã đầu tư chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây, tới đây sẽ tiếp tục mở rộng quy mô chợ, hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản một cách trực tiếp, tránh bớt khâu trung gian. Bên cạnh đó, việc xây dựng chuỗi liên kết giữa các nhà nông, HTX, doanh nghiệp... cũng góp phần đảm bảo sản xuất được thông suốt và tiêu thụ sản phẩm được tốt nhất.

Kết quả đến nay, toàn tỉnh phát triển được 160 chợ đang hoạt động trong quy hoạch. Trong đó có 1 chợ đầu mối, 9 chợ hạng 1, 30 chợ hạng 2 và 120 chợ hạng 3. Hệ thống chợ trên địa bàn tỉnh đã góp phần giải quyết an sinh xã hội, công ăn việc làm, thu nhập cho hơn 20 ngàn hộ kinh doanh. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có 5 trung tâm thương mại, 12 siêu thị đang hoạt động. Hệ thống chợ, trung tâm thương mại, cửa hàng... cơ bản đáp ứng nhu cầu tiêu thụ hàng hóa, nông sản cho nông dân và cung ứng các mặt hàng phục vụ nhu cầu thiết yếu của người tiêu dùng tại các địa phương.

Từ nhiều năm nay, Đồng Nai triển khai chương trình thí điểm xây dựng chuỗi thực phẩm an toàn từ khâu sản xuất đến cung ứng, tiêu thụ tại nhiều chợ truyền thống. Theo đó, nhiều quầy bán thực phẩm tươi sống như thịt, rau, quả... tại chợ truyền thống ở các huyện Tân Phú, Vĩnh Cửu được gắn bảng công nhận thịt không chất cấm; rau, quả được kiểm soát thuốc bảo vệ thực vật... Chương trình tập huấn về an toàn vệ sinh thực phẩm, kỹ năng bán hàng cho tiểu thương cũng được tổ chức thường niên.