Số lượt truy cập

1475162

/ Tin tức

Đồng Nai: Xuất khẩu sản phẩm gỗ tăng trưởng khá

Từ đầu năm đến nay, sản phẩm gỗ có kim ngạch xuất khẩu tăng khá cao so với cùng kỳ năm trước. Đây là ngành sản xuất có sự phục hồi nhanh khi dịch bệnh Covid-19 lắng xuống. Hiện nhiều doanh nghiệp (DN) đã nhận đơn hàng đến cuối quý I-2021.

Theo Cục Thống kê Đồng Nai, kim ngạch xuất khẩu gỗ 10 tháng của năm 2020 là hơn 1,3 tỷ USD, tăng gần 7% so với cùng kỳ năm 2019. Bên cạnh thị trường xuất khẩu truyền thống thì DN cũng mở thêm các thị trường mới.

* Nỗ lực vượt qua khó khăn

Cũng như nhiều ngành khác, sản phẩm gỗ gặp khó khăn nặng nề trong 3 tháng liên tiếp (4, 5, 6-2020) bởi ảnh hưởng từ dịch Covid-19, song mức độ hồi phục khá nhanh. Bắt đầu từ tháng 7-2020, các đơn hàng tạm dừng được khởi động lại, DN cũng nỗ lực tìm thêm thị trường mới để đảm bảo đầu ra. Nhiều đơn hàng từ các nước có dịch bệnh nặng đã được luân chuyển về Việt Nam, trong đó Đồng Nai đón nhận khá tốt vì có nhiều nhà máy lớn.

Ông Phan Văn Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nhất Nam ở Khu công nghiệp Biên Hòa 1 cho biết: “Sản phẩm gỗ của công ty chủ yếu xuất vào thị trường Hoa Kỳ. Trong quý II-2020, công ty cũng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, hàng hóa xuất đi gặp khó khăn, nhưng tình trạng đó sớm qua đi. Hiện xuất khẩu của công ty vào Hoa Kỳ và một số thị trường khác khá ổn định và tăng so với cùng kỳ năm trước”.

Đồng Nai là một trong 4 tỉnh, thành có kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ lớn nhất cả nước. Mặt hàng gỗ hiện xuất được vào trên 50 quốc gia, vùng lãnh thổ. Lĩnh vực này có cả DN trong nước, nước ngoài đầu tư vào và có nhiều nhà máy sản xuất rất hiện đại, có thể đáp ứng được những đơn hàng khó, số lượng lớn trong thời gian ngắn nên được đối tác tin tưởng đặt hàng.

Ông Lê Xuân Tân, Trưởng phòng Xuất nhập khẩu Công ty TNHH Gỗ Hạnh Phúc ở Khu công nghiệp Tam Phước
(TP.Biên Hòa) chia sẻ: “Xuất khẩu sản phẩm gỗ có mức tăng trưởng khá là nhờ từ giữa quý III năm nay, các đơn hàng từ Trung Quốc và một số nước luân chuyển về Đồng Nai khá nhiều. Bởi Đồng Nai có 2 ưu thế lớn là tay nghề của người lao động cao, nguồn gốc nguyên liệu rõ ràng đáp ứng được những yêu cầu để khi xuất vào những nước Việt Nam đã ký kết hiệp định thương mại tự do được hưởng ưu đãi về thuế”. Cũng theo ông Tân, phần lớn các DN xuất khẩu sản phẩm gỗ đều có nhiều khách hàng ở các quốc gia, vùng lãnh thổ khác nhau. Do đó, khi thị trường này gặp khó khăn, có thể chuyển qua mở rộng thị trường khác để bù lại.

* Xếp thứ ba về tăng trưởng

Sản phẩm gỗ hiện xếp thứ ba về tăng trưởng xuất khẩu (sau máy tính, sản phẩm điện tử linh kiện tăng 31% và cà phê tăng 17% so với cùng kỳ năm trước). Tính đến đầu tháng 11-2020, Đồng Nai có 6 mặt hàng xuất khẩu vẫn giữ được mức tăng trưởng dương so với cùng kỳ năm trước. Gỗ là một trong 5 mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Đồng Nai và có kim ngạch lớn thứ tư sau giày dép, dệt may, máy móc thiết bị và phụ tùng.

Hiện có nhiều DN gỗ đã nhận được đơn hàng đến cuối quý I và đầu quý II-2021 và thị trường xuất khẩu đã dần hồi phục. Bên cạnh những đơn hàng cũ tạm dừng được khởi động lại thì DN có thêm những đơn hàng mới đến từ nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ.

Ông Võ Quang Hà, Tổng giám đốc Công ty CP Tân Vĩnh Cửu (TP.Biên Hòa) cho hay: “Công ty kết nối gần 100 DN trên lĩnh vực gỗ tại Đồng Nai và một số tỉnh lân cận để cung ứng nguyên liệu đầu vào và bán hàng qua nước ngoài. Dịch bệnh xảy ra có làm tăng trưởng ngành Gỗ Đồng Nai và cả nước chậm lại, nhưng tình hình hiện nay đã khá hơn nhiều vì các đơn hàng ngày một nhiều”.

Dự kiến, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ của Đồng Nai năm nay có thể đạt gần 1,7 tỷ USD và tăng hơn 7% so với năm trước. Với các đơn hàng đã ký kết được và nhiều hợp đồng đang được đàm phán và chuẩn bị ký kết thì ngành Gỗ của tỉnh sẽ giữ được mức tăng trưởng khá.

Theo ông Nguyễn Văn Lĩnh, Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại (Sở Công thương), năm nay xúc tiến thương mại ra nước ngoài khó khăn nên tỉnh đã kết nối với Bộ Công thương, hiệp hội ngành nghề trên từng lĩnh vực xúc tiến thương mại trực tuyến với các DN nước ngoài. Qua các đợt xúc tiến trên cũng có những DN ngành Gỗ đã ký kết thêm được đơn hàng mở rộng sản xuất, xuất khẩu.