Số lượt truy cập

2495775

/ Tin tức

Giá tiêu ngày 13/8/2024 (H)

Giá tiêu ngày 13/8/2024 (H)

Giá tiêu hôm nay tại thị trường trong nước giảm mạnh 4.000-5.000 đồng/kg, dao động quanh ngưỡng 137.000-138.000 đồng/kg. Dù là quốc gia có sản lượng và xuất khẩu hồ tiêu top đầu thế giới, nhưng 7 tháng đầu năm, doanh nghiệp Việt Nam đã phải chi ra 80,4 triệu USD để nhập khẩu gần 19.600 tấn hồ tiêu, tăng 15% về lượng so với cùng kỳ năm 2023...

Giá tiêu hôm nay tại một số vùng trồng trọng điểm trong nước giảm mạnh 4.000-5.000 đồng/kg. Qua đó, đưa mặt bằng giá tiêu trung bình trên thị trường nội địa xuống dao động quanh ngưỡng 137.000-138.000 đồng/kg.

Cụ thể, ở khu vực Tây Nguyên, giá tiêu hôm nay tại Đắk Lắk giảm mạnh 4.000 đồng/kg, xuống còn 138.000 đồng/kg.

Giá tiêu hôm nay tại Gia Lai giảm mạnh 5.000 đồng/kg, xuống còn 137.000 đồng/kg.

Giá tiêu hôm nay tại Đắk Nông cũng giảm mạnh 4.500 đồng/kg, xuống còn 137.500 đồng/kg

Tại khu vực Đông Nam Bộ, giá tiêu hôm nay tại Bà Rịa - Vũng Tàu và Đồng Nai cũng giảm mạnh 4.500 đồng, xuống còn 137.000 đồng/kg.

Giá tiêu hôm nay tại Bình Phước giảm mạnh 4.000 đồng/kg, xuống còn 137.000 đồng/kg.

Giá tiêu hôm nay 13/8: Giảm mạnh 4.000-5.000 đồng/kg

Như Tạp chí Công Thương đã đưa tin trước đó, 7 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã xuất khẩu được hơn 164.000 tấn hồ tiêu các loại, với kim ngạch đạt gần 765 triệu USD, tuy giảm 2,2% về lượng nhưng tăng đến 40,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023.

Giá xuất khẩu bình quân tiêu đen 7 tháng đạt 4.568 USD/tấn, tăng 32,7%; tiêu trắng đạt 6.195 USD/tấn, tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất của Việt Nam trong 7 tháng vừa qua, tiếp theo lần lượt là các thị trường Đức, UAE, Ấn Độ và Trung Quốc,…

Đáng chú ý, dù là quốc gia có sản lượng và xuất khẩu hồ tiêu top đầu thế giới, nhưng trong 7 tháng đầu năm nay, các doanh nghiệp Việt Nam đã phải chi ra 80,4 triệu USD để nhập khẩu gần 19.600 tấn hồ tiêu, tăng 15% về lượng so với cùng kỳ năm 2023.

Trong đó, Việt Nam nhập khẩu nhiều hồ tiêu từ các quốc gia như Campuchia, Indonesia và Brazil. Chỉ riêng lượng hồ tiêu từ 3 quốc gia này đã chiếm tới 92% tổng kim ngạch nhập khẩu của nước ta trong 7 tháng đầu năm.

Nguyên nhân các doanh nghiệp Việt Nam phải nhập khẩu hồ tiêu trong khi nước ta là nước sản xuất và xuất khẩu hàng đầu mặt hàng này được cho là do thời gian trước giá hồ tiêu ở mức thấp nên nhiều hộ nông dân đã chuyển đổi sang trồng cây khác. Bên cạnh đó, do điều kiện thời tiết không thuận lợi nên sản lượng hồ tiêu cũng bị sụt giảm mạnh.

Về điều này, Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam (VPSA) thừa nhận, do hiện tượng hạn hán kéo dài nên sản lượng hồ tiêu của nước ta trong năm nay bị giảm 10%, xuống khoảng 170.000 tấn so với năm 2023.

Vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam phải chủ động nhập khẩu hồ tiêu từ các nước như Brazil, Campuchia và Indonesia... để phục vụ sản xuất và củng cố ngôi vị top 1 trên thế giới về sản xuất và xuất khẩu tiêu trong hơn 20 năm qua.

Theo nhiều chuyên gia, nguồn cung từ Việt Nam bị giảm mạnh đã có tác động lớn tới giá hồ tiêu trên toàn cầu. Trong quý II/2024, giá hồ tiêu đen trong nước đã tăng 93% so với thời điểm đầu năm và tăng 2,3 lần so với cùng kỳ năm 2023. Việc tăng giá hồ tiêu sẽ tiếp tục diễn ra do nhu cầu tăng, trong khi nguồn cung lại hạn chế.

Nhu cầu tăng mạnh từ các thị trường trên thế giới, nên các doanh nghiệp của Việt Nam vẫn phải nhập khẩu một lượng lớn hồ tiêu về để tiến hành sản xuất cũng như đáp ứng được yêu cầu của các đơn hàng.

Các chuyên gia cũng cho rằng, do thiếu hụt nguồn cung so với nhu cầu trên toàn cầu, đồng thời chi phí vận chuyển hàng hóa tăng nhanh và việc bị tắc nghẽn cảng tại châu Á nên tác động tới giá tại những thị trường nhập khẩu và khiến giá tăng trong trung và dài hạn./.

                                                                                         Nguồn: Tạp chí Công Thương