Số lượt truy cập

1477384

/ Tin tức

Giá xăng dầu dự báo có thể giảm 800 - 1.000 đồng/lít trong kỳ điều hành chiều nay (21/3)

Do giá dầu thô và xăng dầu thành phẩm liên tục giảm nên giá xăng dầu trong nước được dự báo sẽ giảm từ 800- 1.000 đồng/lit tại kỳ điều hành chiều nay 21/3.

Dữ liệu cập nhật từ Bộ Công Thương ghi nhận giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường Singapore ở chu kỳ này giảm so với kỳ điều hành ngày 13/3. Cụ thể, tính đến ngày 16/3, giá bán lẻ tại thị trường Singapore với xăng RON92 là 88,7 USD/thùng, RON95 là 93,04 USD/thùng, dầu hỏa là 93,38 USD/thùng, dầu diesel là 91,9 USD/thùng, dầu mazut là 404,71 USD/tấn. Như vậy so với chu kỳ trước, bình quân giá xăng RON 92 đến ngày 16/3 giảm 2,924 USD/thùng, bình quân giá xăng RON 95 giảm 2,546 USD/thùng.

Do giá dầu thô và xăng dầu thành phẩm liên tục giảm nên giá bán lẻ xăng dầu trong nước được dự báo sẽ giảm
Do giá dầu thô và xăng dầu thành phẩm liên tục giảm nên giá bán lẻ xăng dầu trong nước được dự báo sẽ giảm sâu

Tương tự, bình quân giá dầu trên thị trường Singapore cập nhật đến ngày 16/3 cũng giảm mạnh so với chu kỳ trước. Cụ thể, bình quân giá dầu diesel là 96,387 USD/thùng, dầu hỏa là 97,613 USD/thùng, dầu mazut là 417,517 USD/tấn. Ở chu kỳ trước, bình quân giá dầu diesel là 103,145 USD/thùng, dầu hỏa là 104,331 USD/thùng và dầu mazut là 453,495 USD/tấn. Như vậy, so với chu kỳ trước, bình quân giá dầu diesel từ 14-16/3 giảm 6,758 USD/thùng, dầu hỏa giảm 6,718 USD/thùng, dầu mazut giảm 35,978 USD/tấn.

Theo dự báo của một số doanh nghiệp kinh doanh xăng, tại kỳ điều hành ngày hôm nay (21/3), giá xăng dầu sẽ được điều chỉnh giảm mạnh. Theo đó, mức giảm cụ thể sẽ phụ thuộc vào việc điều hành quỹ Bình ổn giá. Mức giảm cao nhất có thể từ 800- 1.000 đồng/lít nếu nhà Liên bộ không trích lập quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Phiên sáng nay, 21/3 (giờ Việt Nam), giá dầu WTI giảm 0,24 USD/thùng, tương đương 0,35%, xuống mức 67,40 USD/thùng; Brent giảm 0,15 USD/thùng, tương đương 0,20%, xuống mức 73,64 USD/thùng.

Kết thúc phiên 20/3, giá dầu thô WTI tăng 1,33% lên 67,82 USD/thùng, giá dầu thô Brent tăng 1,12% lên 73,79 USD/thùng.

Như vậy, giá dầu thô lại rơi vào trạng thái giằng co, trước những tác động ngược chiều của thị trường. Giá quay lại đà giảm của tuần trước (giảm hơn 11% - mức giảm hàng tuần lớn nhất hơn 1 năm) sau một phiên tăng nhẹ ngày hôm qua.

Sức ép bán gia tăng bất chấp thoả thuận mua lại ngân hàng Credit Suisse của Ngân hàng lớn nhất Thuỵ Sĩ, UBS.

Tâm lý lo ngại đã giảm bớt, khi mà các nhà đầu tư bắt đầu tin rằng cuộc khủng hoảng của ngành ngân hàng đã được kiểm soát.

Báo cáo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) tuần trước cho thấy dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ của Nga được bán với giá thấp hơn mức giá trần vào tháng trước.

Theo Bloomberg, giá xuất khẩu trung bình của dầu thô Nga hiện ở mức 52,48 USD/thùng, chưa bao gồm chi phí vận chuyển và bảo hiểm. Tính đến tuần kết thúc ngày 17/3, tổng khối lượng xuất khẩu dầu thô trên biển của Nga giảm nhẹ về mức 3,2 triệu thùng/ngày.

Giá dầu đang chịu nhiều ảnh hưởng bởi các tin tức vĩ mô hơn là những yếu tố cơ bản về cung cầu.

Tuy nhiên, việc nguồn cung của Nga không suy yếu nhiều sau khi Chính phủ nước này công bố sẽ cắt giảm sản lượng 500.000 thùng hiện đang là yếu tố khiến cho đà tăng của giá dầu cũng bị hạn chế.

Bên cạnh đó, sự suy yếu của đồng USD giúp cho sức mua được gia tăng trên thị trường dầu.

Trước đó ở kỳ điều hành giá ngày 13/3, Liên bộ Công Thương - Tài chính điều chỉnh tăng giá bán đồng loạt các mặt hàng. Cụ thể, giá xăng RON95 tăng 493 đồng/lít lên 23.818 đồng/lít, xăng E5 RON92 tăng 385 đồng/lít lên 22.806 đồng/lít. Tương tự, giá dầu diesel tăng 247 đồng/lít lên 20.502 đồng/lít, dầu hỏa tăng 241 đồng/lít lên 20.715 đồng/lít, dầu mazut tăng 724 đồng/kg lên 15.279 đồng/kg.