Số lượt truy cập

1536789

/ Tin tức

HÀNG HÓA VIỆT NAM ĐỐI DIỆN NGUY CƠ KIỆN PHÒNG VỆ THƯƠNG MẠI

Hiện nay, do nhiều yếu tố bất lợi làm gia tăng áp lực lạm phát và suy thoái kinh tế, buộc Cục Dự trữ liên bang Mỹ phải tăng lãi suất đồng USD, đồng thời, ban hành nhiều chính sách hạn chế nhập khẩu nhằm giảm thâm hụt thương mại, khuyến khích sản xuất nội địa tác động trực tiếp và gián tiếp đến hàng hoá Việt Nam.

Việc gia tăng tần suất các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng hóa của Việt Nam cũng như chưa công nhận Việt Nam là nước có nền kinh tế thị trường dẫn đến bất lợi lớn trong các vụ việc điều tra phòng vệ.

Thương vụ Việt Nam tại Mỹ đề nghị các bộ, ngành tiếp tục đấu tranh bảo vệ quyền lợi của các doanh nghiệp Việt Nam, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, tăng cường cơ chế cảnh báo sớm về các vụ kiện phòng vệ thương mại.

Hiện, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đang điều tra lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với gỗ dán cứng và tủ gỗ (tủ bếp/tủ nhà tắm) nhập khẩu từ Việt Nam.

Lúc này, DOC chưa có phán quyết cuối cùng trong 2 vụ việc này, nhưng các doanh nghiệp gỗ của Việt Nam đang phải hoàn tất các thủ tục cung cấp thông tin và trả lời câu hỏi theo yêu cầu của phía Mỹ. Đồng thời, một số doanh nghiệp cho biết đã có dấu hiệu sụt giảm đơn hàng xuất khẩu do người tiêu dùng Mỹ thắt chặt chi tiêu do lo ngại lạm phát tăng cao.

Trước nỗi lo tủ gỗ Việt Nam bị Mỹ áp thuế chống bán phá giá, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest) cho biết: "Cơ quan thương mại Việt Nam có thể mời đại diện DOC của Mỹ tới thị sát tại chỗ một số doanh nghiệp chế biến gỗ dán của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ để thấy được sự minh bạch của doanh nghiệp".

Đại diện Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam đã kiến nghị các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài cập nhật thông tin và tư vấn về phòng vệ thương mại cho doanh nghiệp gỗ, đặc biệt là thị trường Mỹ. Vận động để các phán quyết của Bộ Thương mại Mỹ không gây thiệt hại quá lớn cho doanh nghiệp Việt.

Bên cạnh đó, các hiệp hội, ngành hàng cần đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng mà Việt Nam có thể thay thế trong bối cảnh thiếu hụt nguồn cung từ chuỗi cung ứng toàn cầu như mặt hàng nông sản, hàng tiêu dùng, sắt thép.

Đồng thời, các bộ, ngành tiếp tục làm việc và đề nghị phía Mỹ mở cửa thị trường thêm cho nông sản xuất khẩu của Việt Nam, ngoài 6 loại hoa quả tươi hiện nay là vải, nhãn, chôm chôm, thanh long, vú sữa, xoài, thì còn có các mặt hàng có thế mạnh như sầu riêng, chanh leo, bơ, dừa, măng tây...

Trong 8 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 250,8 tỷ USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại hàng hóa tháng 8 ước tính xuất siêu 2,42 tỷ USD. Tính chung 8 tháng năm 2022, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 3,96 tỷ USD (cùng kỳ năm trước nhập siêu 3,52 tỷ USD).

Bộ Công Thương đánh giá, trong thành tích xuất nhập khẩu có sự đóng góp của hoạt động xúc tiến thương mại với sự tích cực, nỗ lực của hệ thống các thương vụ Việt Nam ở nước ngoài trong việc chủ động nghiên cứu, đánh giá thị trường và các cơ chế chính sách mới về kinh tế, thương mại, đầu tư của nước sở tại để kịp thời cung cấp thông tin, hướng dẫn, hỗ trợ với các địa phương, hiệp hội ngành hàng, cộng đồng doanh nghiệp.