/ Tin tức
Hàng xuất khẩu chịu thêm nhiều rào cản (H)
Hàng xuất khẩu chịu thêm nhiều rào cản (H)
Hiện các nước phát triển như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, khu vực châu Âu... đã đặt thêm hàng rào kỹ thuật với hàng hóa nhập khẩu. Cụ thể, hàng hóa sản xuất theo hướng bền vững, ít phát thải và đảm bảo các yêu cầu khác về sử dụng lao động, nhà xưởng, tỷ lệ sử dụng nguyên liệu tái chế... Vấn đề này đòi hỏi các doanh nghiệp (DN) phải xây dựng được chuỗi sản xuất xanh, kiểm soát được từ khâu sản xuất nguyên liệu đến quá trình hoàn thành sản phẩm, tới tay người tiêu dùng.
Châu Âu là khu vực đi đầu trong việc đặt ra hàng rào kỹ thuật cao với hàng hóa nhập khẩu. Đơn cử, thị trường này cấm cà phê, cao su, ca cao, gỗ... có xuất xứ từ khu vực có rừng bị suy thoái, tàn phá. Vì vậy, bắt buộc các sản phẩm muốn thâm nhập vào thị trường châu Âu phải có nguồn gốc rõ ràng, quá trình sản xuất thân thiện với môi trường. Mới đây, Hoa Kỳ cũng đang xem xét áp thuế carbon với hàng nhập khẩu. Tất cả các rào cản trên đều hướng đến mục tiêu cắt giảm khí thải và từng bước tiến đến net zero vào năm 2050.
Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc đều là thị trường xuất khẩu lớn của Đồng Nai. Do đó, DN muốn cạnh tranh được ở những thị trường trên buộc phải đầu tư nhà máy, công nghệ hiện đại, ít phát thải. Đồng thời, DN phải lựa chọn nhà cung ứng nguyên liệu xanh cho chuỗi sản phẩm của mình. Đây là khó khăn, thách thức lớn cho các DN nhỏ và vừa trong nước, vì cần nguồn vốn lớn để đầu tư nhà xưởng, máy móc, đào tạo nguồn nhân lực và xây dựng vùng nguyên liệu an toàn, có nguồn gốc rõ ràng.
Tuy nhiên, về lâu dài, DN Việt muốn phát triển bền vững buộc phải đáp ứng các yêu cầu ngày càng khắt khe từ những nước nhập khẩu. Ngay cả thị trường Trung Quốc được cho là dễ tính cũng đang siết chặt nhập khẩu tiểu ngạch và chuyển qua nhập khẩu chính ngạch với nhiều tiêu chuẩn về chất lượng hàng hóa. Vì thế, mỗi ngành hàng đòi hỏi sản xuất theo chuỗi và kiểm soát được nguồn gốc, xuất xứ.
Đồng Nai hiện đã xuất khẩu hàng hóa vào hơn 170 quốc gia, vùng lãnh thổ nhưng vẫn lệ thuộc vào một số thị trường lớn là Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, châu Âu. Do đó, khi một trong những thị trường trên có biến động sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, xuất khẩu của tỉnh. Theo tham tán thương mại Việt Nam tại các nước, DN nên chủ động xúc tiến thương mại, tăng thị phần ở nhiều thị trường khác nhau để tránh phụ thuộc vào một vài thị trường lớn. Như vậy, DN sẽ hạn chế được rủi ro khi thị trường lớn gặp trở ngại, giảm nhập khẩu hàng hóa./.