Số lượt truy cập

2491972

/ Tin tức

Hội nghị kết nối thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trên môi trường mạng với Cổng Thông tin điện tử các bộ ngành, địa phương năm 2024

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn phát biểu chỉ đạo kết luận Hội nghị kết nối thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trên môi trường mạng với Cổng Thông tin điện tử các bộ ngành, địa phương năm 2024

Về cơ bản, tôi nhất trí với Báo cáo của Tổng Giám đốc Cổng TTĐT Chính phủ Nguyễn Hồng Sâm; bài phát biểu chào mừng của đồng chí Hà Minh Hải, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội; bài phát biểu chỉ đạo của đồng chí Bùi Hoàng Phương, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông và ý kiến phát biểu tham gia của các đồng chí đại diện cho một số Cổng TTĐT các bộ ngành, địa phương. Các báo cáo và các bài phát biểu đã nói rõ, đầy đủ những kết quả thực hiện, khó khăn, vướng mắc và những nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới.

Hiện nay, chúng ta đang có 2 Cổng ở các bộ, cơ quan: Cổng Dịch vụ công Quốc gia và Cổng TTĐT Bộ ngành, địa phương.

Cổng Dịch vụ công Quốc gia có 3 nhiệm vụ chính: (i) Tích hợp và cung cấp các thông tin trong quá trình tiếp nhận, giải quyết các thủ tục hành chính: Hiện nay, chúng ta có khoảng hơn 6.300 thủ tục hành chính ở 4 cấp chính quyền ; (ii) Cung cấp các dịch vụ công trực tuyến: Ta đã cung cấp dịch vụ công trực tuyến trong đó có cả toàn trình; mức độ 1, 2 triển khai được khoảng 70% trong số 6.300 thủ tục hành chính ; (iii) Tiếp nhận xử lý các phản ánh kiến nghị của người dân, các tổ chức, trong đó cả doanh nghiệp. Chính phủ thường xuyên có Báo cáo về các hoạt động này kể cả công tác cải cách thủ tục hành chính.

Hôm nay, chúng ta bàn về việc Cổng TTĐT Chính phủ kết nối, chia sẻ, liên thông với các Cổng TTĐT bộ ngành, địa phương phục vụ không những sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ mà còn phục vụ chỉ đạo của các bộ ngành, địa phương. Nhiệm vụ rất nhiều nhưng với 2 nhiệm vụ trọng tâm là: Truyền thông chính sách kịp thời đến người dân và doanh nghiệp; phục vụ sự chỉ đạo không chỉ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ mà còn của các bộ ngành, địa phương).

Theo báo cáo, trong 89 bộ ngành, địa phương, có 26 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (trong đó có 14/18 bộ và cơ quan ngang bộ; 6/8 cơ quan thuộc Chính phủ) đã cung cấp đầy đủ thông tin. Các cơ quan bộ ngành còn lại chưa cung cấp đầy đủ thông tin ; đề nghị các đồng chí báo cáo lãnh đạo trong thời gian sớm nhất cung cấp đầy đủ.

Trong 63 tỉnh, thành phố, có 57 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã cung cấp đầy đủ các thông tin. Chúng ta còn 6 địa phương; đề nghị sau Hội nghị này, các đồng chí báo cáo với lãnh đạo địa phương mình khẩn trương hoàn thiện, hoàn thành nhiệm vụ này.

Đã có 57 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cung cấp kịp thông tin đến cấp huyện và có 29 tỉnh, thành phố Trung ương cung cấp thông tin đến cấp xã, phường, thị trấn. 

Đề nghị các đồng chí báo cáo với lãnh đạo địa phương quan tâm để sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành, địa phương đến kịp thời người dân; để kết nối thông tin nhanh, trực tiếp, hiệu quả.

Hiện nay, chúng ta có 43 Cổng TTĐT các bộ ngành, địa phương đã tích hợp đầy đủ với các Trang, Cổng TTĐT. Những bộ ngành, địa phương nào chưa làm được thì cố gắng tích hợp. Tất nhiên, còn vấn đề nguồn lực đầu tư và nguồn nhân lực để vận hành, không khác gì thời kỳ chúng ta phấn đấu 1 cửa cải cách thủ tục hành chính, rồi phấn đấu 1 cửa liên thông, xong thành lập Trung tâm hành chính công các tỉnh, thành phố. Ngoài biên chế ở Trung tâm dịch vụ công, các sở ngành liên quan phải cử người kiêm nghiệm giải quyết công việc.

Sau bước tiến nữa, các bộ phận 1 cửa liên thông này không phụ thuộc vào địa giới hành chính nữa. Năm 2024 có 5 địa phương thí điểm Trung tâm dịch vụ hành chính công 1 cấp trong đó có Hà Nội. 

Phát biểu của đồng chí Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội nói tương đối rõ điều này. 5 tỉnh, thành phố Trung ương làm rất tốt việc này, trong đó có Bắc Ninh. Bắc Ninh giải quyết các thủ tục hành chính trên môi trường điện tử (dịch vụ hành chính công) là một những tỉnh đứng đầu cả nước, kể cả mức độ công khai, minh bạch kết quả giải quyết thủ tục hành chính. 

Vấn đề số hóa, hồ sơ ở Bắc Ninh cũng rất cao. Mức độ phản ánh và xử lý kiến nghị ở Bắc Ninh cũng làm rất tốt. Còn nhiều tỉnh nữa nhưng hôm nay có đại diện Cổng TTĐT tỉnh Bắc Ninh phát biểu nên tôi nói thêm.

Trong báo cáo của Tổng Giám đốc Cổng TTĐT Chính phủ, các bài tham luận của các đơn vị và bài phát biểu của Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã nói rõ, thời gian tới, để phục vụ 2 nhiệm vụ căn bản (Truyền thông chính sách kịp thời đến người dân và doanh nghiệp; phục vụ sự chỉ đạo không chỉ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ mà còn của các Bộ ngành, địa phương), tôi đề xuất mấy nhiệm vụ sau:

Một là, đề nghị các đồng chí báo cáo lãnh đạo các bộ ngành, địa phương, nhất là các đồng chí đứng đầu phải quan tâm; có kế hoạch đầu tư, nâng cấp hệ thống thông tin. Đây là vấn đề mấu chốt. Chúng ta nâng cấp hệ thống thông tin ở các bộ ngành, địa phương sau đó mới kết nối, liên thông, chia sẻ. 

Mục tiêu ta đang đi là: Hiện nay, ta thành lập ở 5 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó có thành phố Hà Nội, Bắc Ninh, Trung tâm dịch vụ hành chính công 1 cấp để sau này người dân ở xã chỉ cần đến xã là có thể giải quyết được các thủ tục hành chính mà kết nối được với Trung ương, không phải về Trung ương nữa. 

Vậy, Cổng TTĐT của chúng ta cũng phải thế.

Về cơ chế chính sách, Chính phủ đã ban hành Nghị định cho phép dùng vốn chi thường xuyên để đầu tư, nâng cấp các hệ thống thông tin; trong đó có việc kết nối, liên thông thông tin. 

Do vậy, vấn đề về vốn không mắc nữa. Nên chúng ta phải đầu tư, nâng cấp đồng bộ hệ thống thông tin để phục vụ tích hợp, kết nối thông tin.

Thứ hai, phải đầu tư nhân lực, đặc biệt nguồn nhân lực làm việc trực tiếp.

Thứ ba, về tổ chức, đề nghị các bộ ngành, địa phương thống nhất Cổng TTĐT trực thuộc Văn phòng. Ở địa phương, Cổng TTĐT trực thuộc Văn phòng của UBND tỉnh, thành phố còn ở Bộ thì trực thuộc Văn phòng Bộ. 

Hiện nay, chúng ta có bộ phận 1 cửa ở Văn phòng cấp Bộ. Ở địa phương thì có địa phương nằm ở một số sở; có địa phương thì có Trung tâm dịch vụ hành chính công. Việc này phải triển khai ngay vì Nghị định 42 ban hành và triển khai từ năm 2022 rồi.

Thứ tư, những kiến nghị hôm nay tương đối nhiều về các khó khăn, vướng mắc. Đề nghị Cổng TTĐT Chính phủ tổng hợp lại; phân nhóm kiến nghị, khó khăn vướng mắc thuộc thẩm quyền của cấp nào thì đề nghị cấp đó xem xét, xử lý. 

Cổng TTĐT tổng hợp lại những kiến nghị và báo cáo hôm nay của Cổng TTĐT Chính phủ, cũng như phát biểu một số đồng chí đại diện cho một số Bộ ngành, địa phương.

Thứ năm, đề nghị Cổng TTĐT các bộ ngành, địa phương phối hợp với Cổng TTĐT Chính phủ không những truyền thông chính sách một cách kịp thời mà còn phải xử lý những kiến nghị, phản ánh của người dân một cách kịp thời; đồng thời, phối hợp với các bộ ngành làm tốt các chức năng, nhiệm vụ. 

Nghị định 42 đã nói và trong bài phát biểu chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Bùi Hoàng Phương cũng đã nói rõ từng nhiệm vụ với mục tiêu là không những truyền thông chính sách mà tiếp nhận những phản ánh, kiến nghị, bức xúc nhất của người dân và doanh nghiệp để báo cáo với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xử lý kịp thời. Thực chất việc này cũng giúp Chính phủ trong công tác chỉ đạo điều hành.

Thay mặt cho các đồng chí lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, xin cảm ơn các đồng chí lãnh đạo các bộ ngành, UBND TP. Hà Nội và các đồng chí đại diện các Cổng TTĐT của các bộ ngành, địa phương đã đến dự Hội nghị rất quan trọng này. 

Sau Hội nghị này, chúng ta về triển khai các công việc tốt hơn. Chúc nhiệm vụ kết nối, liên thông các thông tin để phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành, địa phương ngày càng tốt hơn.

Nguồn: FB Thông tin Chính phủ.