/ Tin tức
Hội nghị xúc tiến thương mại Đồng bằng sông Cửu Long tổ chức vào ngày 06/9/2024
Thực hiện nhiệm vụ của Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại Quyết định số 974/QĐ-TTg ngày 19/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Cửu Long; thực hiện chương trình công tác năm 2024, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức Hội nghị Xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu vùng Đồng bằng sông Cửu Long” vào ngày 6/9/2024.
Hội nghị có quy mô dự kiến khoảng 200 đại biểu tham dự là lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long, lãnh đạo các đơn vị liên quan thuộc Bộ Công Thương, các hiệp hội ngành hàng, đại diện các cơ quan, tổ chức hỗ trợ kinh doanh, các doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu, thương mại, dịch vụ logistics…
Hội nghị nhằm trao đổi, thảo luận các giải pháp liên kết vùng trong công tác xúc tiến thương mại, phát triển xuất nhập khẩu. Ảnh minh hoạ |
Hội nghị sẽ tập trung bàn thảo nhiều vấn đề quan trọng trong hợp tác phát triển các hoạt động xúc tiến thương mại và xuất nhập khẩu vùng Đồng bằng sông Cửu Long như: Liên kết phát triển chuỗi giá trị xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp chế tạo, công nghiệp hỗ trợ, các sản phẩm nông sản chất lượng cao (như gạo, rau củ quả…); Liên kết phát triển dịch vụ logistics phục vụ xuất khẩu, khai thác hiệu quả các sản phẩm kinh tế biển phục vụ xuất khẩu; Liên kết phát triển các lĩnh vực năng lượng, hạ tầng khu - cụm công nghiệp phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu; Hợp tác, liên kết thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại quy mô vùng…
Bên lề hội nghị kết hợp không gian trưng bày, quảng bá sản phẩm của các địa phương, doanh nghiệp trong vùng, tạo cơ hội kết nối giao thương giữa các nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ của vùng Đồng bằng sông Cửu Long với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại.
Loaded: 0.29%
Vùng Đồng bằng sông Cửu Long gồm 13 tỉnh, chiếm 13% diện tích và 18% dân số cả nước, giữ vị trí đặc biệt quan trọng về kinh tế và sự phát triển chung của cả nước. Vùng Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều tiềm năng, cơ hội, lợi thế phát triển; là trung tâm sản xuất lớn nhất cả nước về lương thực, thực phẩm, thủy sản, trái cây… Theo mục tiêu phát triển đề ra đến năm 2030, tăng trưởng bình quân của vùng Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2021 - 2030 đạt khoảng 6,5 - 7%/năm, quy mô nền kinh tế năm 2030 gấp 2 - 2,5 lần so với năm 2021, dẫn tới nhu cầu rất lớn đối với dịch vụ logistics.
Thời gian qua, vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã đạt được nhiều kết quả nổi bật về kinh tế - xã hội nhưng chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Một trong những nguyên nhân là lĩnh vực logistics chưa phát triển, tạo thành điểm nghẽn, hạn chế năng lực cạnh tranh, cơ hội phát triển. Để phát triển nhanh và bền vững, vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần phát huy lợi thế cạnh tranh, lợi thế so sánh, nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Do đó, với sự tham gia của đông đảo đại biểu đến từ các cơ quan, doanh nghiệp và địa phương, Hội nghị Xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu vùng Đồng bằng sông Cửu Long được kỳ vọng sẽ tạo ra những kết quả tích cực, thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu, thu hút đầu tư và đưa thương mại của Đồng bằng sông Cửu Long phát triển lên một tầm cao mới.