Số lượt truy cập

1547990

/ Tin tức

Hướng tới sản xuất thông minh cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam

Nhà máy thông minh là chuyển từ một hệ thống sản xuất truyền thống sang một hệ thống sản xuất tự động hóa, khi mà tất cả được kết nối và xử lý dữ liệu liên tục từ hoạt động sản xuất cho tới kinh doanh. Nâng cao hiệu quả và tính linh hoạt, giảm thời gian chết, và đặc biệt khả năng tự điều chỉnh là những ưu điểm vượt trội của mô hình nhà máy thông minh.

Theo dự báo của Trung tâm hỗ trợ phát triển công nghiệp (IDC), đến năm 2025 chi tiêu cho chuyển đổi số trên toàn cầu sẽ đạt 4,7 nghìn tỉ USD. Trong đó, 86% các nhà sản xuất lớn sẽ dựa trên IoT (Internet vạn vật) và ứng dụng phân tích dữ liệu để cập nhật hoạt động, giảm thiểu rủi ro và tăng tốc độ đưa sản phẩm ra thị trường. Do đó, có thể nói đây là xu thế tất yếu với các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, nếu họ muốn tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam nỗ lực tiếp cận

Theo Ông NGUYỄN XUÂN DŨNG – Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Trần Thành cho biết:

"Bước đầu chúng tôi đã xây dựng được nền tảng nhà máy thông minh, nền tảng ERP cho các bộ phận. Tăng năng lực nhà máy thông minh, tăng được 26% hiệu suất sử dụng kho, giảm 50% lỗi giới hạn tại công đoạn in…"

Cũng tại một doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ khác, cũng đã nhận được những kết quả tích cực từ bước đầu thực hiện các công việc hướng tới nhà máy thông minh.

Ông TÔ NGỌC PHƯƠNG - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần HANPO

"Hiệu quả của máy chạy thế nào hàng tháng, hiệu quả giảm giá thành thế nào, hiệu quả xuất hàng, đơn hàng đáp ứng khách hay không. Đều được định lượng và báo cáo, để mình kiểm soát cuộc họp hàng tuần."

Hai công ty kể trên cũng là hai điển hình trong chương trình tư vấn của Samsung phối hợp với Bộ Công Thương và địa phương để hỗ trợ doanh nghiệp cải tiến, hướng tới mô hình 'nhà máy thông minh"

Ông CHOI JOO HO, Tổng giám đốc Samsung Việt Nam cho hay:

"Tôi đánh giá cao sự quyết tâm và những nỗ lực của các doanh nghiệp nhằm khắc phục khó khăn do dịch bệnh COVID-19 để hoàn thành xuất sắc chương trình tư vấn cải tiến lần này. Tôi hy vọng rằng những thay đổi tích cực sau chương trình cải tiến sẽ được tiếp nối bằng việc nâng cao năng lực cạnh tranh căn bản của các công ty, đồng thời tôi hy vọng dự án cải tiến lần này sẽ được lan tỏa tới toàn Việt Nam, đóng góp vào sự phát triển kinh tế của Việt Nam."

Sản xuất thông minh đã được nhiều doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam dần tiếp cận và áp dụng. Tuy nhiên, đa phần doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, quy mô vừa và nhỏ, thì vẫn sẽ còn quá nhiều thách thức.

Nhiều thách thức doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đạt chuẩn "Nhà máy thông minh"

Ông LÊ ĐẶNG TRUNG, Tổng giám đốc Công ty Real – Time Analytics:

"Các doanh nghiệp Việt Nam có tỷ lệ rất thấp nhà máy sản xuất có khả năng đáp ứng hãng toàn cầu Samsung, LG, và trên phạm vi tổng thể thì nhà máy thông minh mới chỉ là mục tiêu hướng đến chứ chưa phải thực tiễn phổ biến."

Theo chuyên gia, với các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam, vốn ít, thiếu đầu tư nghiên cứu, thiếu thời gian, năng lực, thì lộ trình 'nhà máy thông minh' cần diễn ra từng bước, chứ không chỉ đơn giản là việc đập đi xây lại trong chốc lát.

Ông MICHAEL BRAUN, Điều phối viên dự án, GreenTech:

"Không cần phải chạy đi mua máy móc đắt tiền ngay lập tức, mà đôi khi chỉ đơn giản là khiến máy móc cũ trở nên thông minh hơn. Bằng việc gắn thêm các cảm biến, và kết nối chúng với Internet vạn vật. Đây là bài tập về nhà với doanh nghiệp. Khi đã làm tốt rồi, thì mới có thể tính xa hơn, bạn mong muốn nhà máy của bạn thông minh tới cỡ nào."

Với các hiệp định thương mại tự do và hiệp định đầu tư Việt Nam – EU, 1 số dự án với sự ủng hộ của cả EU và Việt Nam cũng đang được tiến hành để kết nối doanh nghiệp và các đơn vị nghiên cứu Việt Nam với các đối tác công nghệ cao ở EU để phối hợp chuyển giao công nghệ.

Nguồn: http://vsi.gov.vn/vn/chi-tiet-tin-tuc/huong-toi-san-xuat-thong-minh-cho-doanh-nghiep-cong-nghiep-ho-tro-viet-nam-c1e0id1106.html