Số lượt truy cập

2495710

/ Tin tức

Huyện Định Quán: Hoàn thành xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao (Y)

Vừa qua, 100% thành viên của Hội đồng Thẩm định nông thôn mới (NTM) tỉnh đã bỏ phiếu đồng thuận đề nghị Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn xem xét, thẩm định, công nhận huyện Định Quán đạt chuẩn huyện NTM nâng cao năm 2023.

Đây là thành quả rất ấn tượng vì Định Quán là huyện nông nghiệp miền núi, với điểm xuất phát rất thấp nhưng lại vươn lên vào tốp đầu trong xây dựng NTM nâng cao.

Vùng quê nghèo thay áo mới

Định Quán là một trong 2 địa phương cuối cùng của tỉnh đạt chuẩn huyện NTM vào năm 2018, nhưng trong xây dựng NTM nâng cao, địa phương đã có nhiều bước đột phá. Đến nay, toàn huyện có 13/13 xã đạt chuẩn NTM theo bộ tiêu chí giai đoạn 2021-2025, 9/13 xã đạt chuẩn NTM nâng cao theo bộ tiêu chí giai đoạn 2021-2025, chiếm tỷ lệ 69%, vượt so với quy định điều kiện xét đề nghị công nhận huyện đạt chuẩn NTM nâng cao là 50%. Toàn huyện có 4 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu và có 5 khu dân cư kiểu mẫu.

So với Bộ tiêu chí huyện NTM, huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021-2025, huyện đạt 9/9 tiêu chí, với kết quả nổi bật trên các nhóm lĩnh vực. Cụ thể, về công tác lập, tổ chức thực hiện quy hoạch, quy hoạch cấp huyện, cấp xã đã được phê duyệt theo đúng quy định, thực hiện công bố, công khai quy hoạch theo quy định. Hàng năm, đã tổ chức rà soát, bổ sung điều chỉnh kịp thời quy hoạch, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, giúp cho việc tổ chức phát triển sản xuất, đầu tư kết cấu hạ tầng thuận lợi trong từng giai đoạn cụ thể cũng như định hướng phát triển lâu dài.

Là huyện miền núi, nhiều xã có địa bàn rộng nên đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn là bài toán khó với địa phương. Huyện rất chú trọng đầu tư hạ tầng thiết yếu; xác định là giải pháp then chốt để đổi mới bộ mặt nông thôn, tạo đà cho phát triển kinh tế - xã hội và tăng độ thụ hưởng trực tiếp cho người dân.

Theo Chủ tịch UBND huyện Định Quán Trần Nam Biên, huyện đã chủ động ban hành chính sách hỗ trợ linh hoạt, thực hiện xã hội hóa phù hợp điều kiện cụ thể của từng xã để huy động nguồn lực đầu tư cho hạ tầng. Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, hầu hết các kết cấu hạ tầng thiết yếu như: hệ thống điện, giao thông, trường học, trạm y tế, thiết chế văn hóa, hệ thống nước sạch tập trung… đã có bước phát triển đáng kể đảm bảo chủ động sử dụng, tiết kiệm và đạt hiệu quả cao nhất nguồn vốn đầu tư.

Tiêu biểu, hệ thống giao thông nông thôn đã phát triển về số lượng và nâng cấp về chất lượng, góp phần tích cực tạo điều kiện thuận lợi thu hút các doanh nghiệp về huyện để đầu tư, tạo nhiều việc làm, giảm nghèo và giải quyết được nhiều vấn đề về kinh tế - xã hội, đem lại diện mạo, sức sống mới cho các xã. Tổng chiều dài đường giao thông trên địa bàn huyện được đầu tư là hơn 792km. Trong đó có 498 tuyến đường xã với tổng chiều dài gần dài 407km. Tất cả các xã, các vùng liền kề có hệ thống đường huyện, đường xã đảm bảo kết nối các trung tâm hành chính, liên vùng, vùng nguyên liệu tập trung với nhau, đảm bảo thuận tiện cho việc lưu thông đạt 100%.

Những năm trước đây, huyện Định Quán có nhiều xã gặp khó khăn trong xây dựng và nâng cấp lưới điện quốc gia. Hiện hệ thống điện đã phủ khắp tất cả các xã, cơ bản đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và sản xuất, lưới điện trung, hạ thế hầu như đã phủ kín tất cả các xã. Hệ thống điện đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, cấp điện tin cậy, ổn định, an toàn hành lang lưới điện và mỹ quan. Tỷ lệ hộ có đăng ký trực tiếp và được sử dụng điện sinh hoạt, sản xuất đảm bảo an toàn, tin cậy và ổn định 100%.

Phát triển kinh tế nông thôn

Phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân là một trong những mục tiêu chính trong xây dựng NTM nâng cao của huyện Định Quán. Huyện tập trung cơ cấu lại ngành nông nghiệp; triển khai mạnh mẽ Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm nông nghiệp. Địa phương quan tâm phát triển mạnh ngành nghề nông thôn; phát triển du lịch nông thôn; nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã; hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp ở nông thôn; nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn...

Nhờ huy động tối đa các nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế, giá trị sản xuất ngành nông - lâm - thủy sản tăng bình quân 4,38%/năm. Cơ cấu cây trồng từng bước được chuyển đổi, tăng dần diện tích cây trồng có hiệu quả kinh tế cao. Phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa gắn với việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm đạt chuẩn xuất khẩu.

Nhờ đó, giá trị sản xuất trên 1 hécta đất canh tác không ngừng được nâng cao, hiện đạt hơn 196,3 triệu đồng/hécta, tăng 147,7 triệu đồng/hécta so với năm 2018 và cao hơn mức bình quân của tỉnh. Toàn huyện có 23 sản phẩm được chứng nhận OCOP, trong đó đã tạo được các sản phẩm có vị thế trên thị trường và được người tiêu dùng ưa chuộng.

Giám đốc Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức (ở xã Phú Hòa) Đặng Tường Khanh chia sẻ, DN đầu tư dự án cánh đồng lớn cây ca cao, đầu tư nhà máy chế biến sâu ngay tại vùng sản xuất. Nhiều sản phẩm của DN đạt chứng nhận OCOP 4 sao, được người tiêu dùng bình chọn là Hàng Việt Nam chất lượng cao. Ngoài ra, DN còn xuất khẩu sản phẩm chế biến từ ca cao đi các thị trường khó tính như: Hàn Quốc, Nhật Bản...

Định Quán là một trong 2 địa phương của tỉnh được quy hoạch đầu tư Cụm công nghiệp Phú Túc với diện tích hơn 48 hécta. Theo quy hoạch, cụm công nghiệp này thu hút các nhà đầu tư chế biến nông sản, thực phẩm, kho bãi, kho đông lạnh dùng để chứa và bảo quản nguyên liệu trước và sau khi chế biến…

nguồn: Báo Đồng Nai