/ Tin tức
Kết quả đầu tư các công trình lưới điện phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh
- Trong giai đoạn 2021-2023, Sở Công Thương phối hợp cùng Sở Tài chính, Quỹ đầu tư phát triển tỉnh, UBND các địa phương và Công ty TNHH MTV Điện lực Đồng Nai tham mưu ban hành chính sách hỗ trợ lãi suất đầu tư xây dựng hạ tầng điện phục vụ điện sinh hoạt, các khu sản xuất tập trung, tiểu thủ công nghiệp, thủy sản, chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2022-2025 tại Nghị quyết số 05/2022/NQ-HĐND ngày 08/7/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Nai.
- Thực hiện chính sách hỗ trợ trên, Sở Công Thương đã chủ trì, phối hợp cùng các đơn vị liên quan lập danh mục đầu tư điện trung thế nông thôn kế hoạch 2023 trình UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 89/QĐ-UBND ngày 16/01/2023. Trên cơ sở danh mục đầu tư được UBND tỉnh phê duyệt, Sở Công Thương đã triển khai đến UBND các địa phương và Công ty TNHH MTV Điện lực Đồng Nai thực hiện đầu tư xây dựng đảm bảo chất lượng, tiến độ được phê duyệt tại Văn bản số 414/SCT-KT&NL ngày 31/01/2023.
- Hiện nay, Sở Công Thương định kỳ hàng quý đều cập nhật, đôn đốc tiến độ triển khai đầu tư danh mục đầu tư điện trung thế nông thôn kế hoạch 2023 đã được phê duyệt. Đồng thời, phối hợp UBND các địa phương và Công ty TNHH MTV Điện lực Đồng Nai lập danh mục đầu tư điện trung thế nông thôn kế hoạch 2024 trình UBND tỉnh phê duyệt.
- Công ty TNHH MTV Điện lực Đồng Nai dự kiến trong tháng 12/2023 sẽ khởi công công trình điện trung thế nông thôn kế hoạch 2023 tại thành phố Long Khánh. Đối với các địa phương còn lại sẽ khởi công công trình trong Quý I/2024. Mục tiêu đưa 100% công trình thuộc kế hoạch điện trung thế nông thôn năm 2023 vào khai thác, sử dụng trong năm 2024.
- Về tiến độ đầu tư hạ thế xã hội hoá: Hiện nay, UBND các xã đang phối hợp ngành điện thực hiện các công việc trong bước chuẩn bị đầu tư (lập, thẩm định, phê duyệt hồ sơ thiết kế, tổ chức lựa chọn nhà thầu thi công). Dự kiến các công trình sẽ được khởi công trong Quý I/2024 triển khai song song với công trình của ngành điện nhằm hạn chế xảy ra tình trạng trạm biến áp treo.
- Khó khăn, vướng mắc:
+ Tiến độ đầu tư xã hội hóa lưới điện hạ thế phía sau các trạm biến áp do ngành điện đầu tư do UBND xã làm chủ đầu tư còn chậm trễ, chưa đồng bộ với tiến độ đầu tư của ngành điện. Dẫn đến phát sinh nhiều trạm biến áp ngành điện đã đầu tư nhưng chưa thể đưa vào khai thác.
+ Do tình hình kinh tế khó khăn, do đó công tác huy động vốn đóng góp của người dân để đầu tư xã hội hóa lưới điện hạ thế còn nhiều hạn chế.
+ Một số công trình có đoạn tuyến đi qua đất rừng, đất lâm nghiệp do đó phải thực hiện thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất, trồng rừng thay thế dẫn đến chậm tiến độ đầu tư.
- Đề xuất giải pháp:
+ UBND cấp huyện tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo UBND các xã, phường là đơn vị chủ đầu tư công trình đường điện hạ thế xã hội hoá phát huy hơn nữa tinh thần trách nhiệm, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động tổ chức, cá nhân đóng góp xây dựng nông thôn mới. Kịp thời báo cáo khó khăn, vướng mắc trong công tác đầu tư để tham mưu, đề xuất tháo gỡ nhằm đảm bảo tiến độ đầu tư.
+ Trong thời điểm kinh tế gặp nhiều khó khăn do dịch bênh, suy thoái kinh tế, UBND cấp huyện cần xây dựng chính sách tăng mức hỗ trợ từ đầu tư xã hội hóa lưới điện hạ thế phía sau các trạm biến áp do ngành điện đầu tư.
+ Kiến nghị các địa phương rà soát cập nhật đường giao thông hiện hữu trên đất rừng, đất lâm nghiệp vào quy hoạch đất đai, quy hoạch xây dựng, quy hoạch giao thông làm cơ sở đầu tư hạ tầng điện trong phạm vi bảo vệ kết cấu giao thông đường bộ, từ đó tháo gỡ khó khăn trong chuyển đổi mục đích sử dụng đất, trồng rừng thay thế.