Số lượt truy cập

2491479

/ Tin tức

Làm hàng gia công - bước đi của doanh nghiệp trong thời kỳ khó khăn

Hiện nay, việc tiêu thụ hàng hóa của doanh nghiệp (DN), nhất là những DN nhỏ và vừa, chưa có mấy tên tuổi, gặp rất nhiều khó khăn do nhu cầu suy giảm. Việc hợp tác với các nhãn hàng, thương hiệu bán lẻ để gia công hàng hóa là một bước đi nhằm giải quyết bài toán việc làm, tạo thu nhập cho DN trong thời buổi khó khăn.

Bắt đầu từ làm hàng gia công cho các nhãn hiệu cũng là giải pháp để tạo dựng nguồn lực, tiến đến sáng tạo trong sản xuất và xây dựng thương hiệu riêng của DN. 

Thị trường chưa hết khó khăn

Khảo sát một số DN sản xuất trên địa bàn tỉnh, nhiều đơn vị cho hay, thị trường dù hồi phục nhưng vẫn chưa hết khó khăn. Đại diện một DN ngành cơ khí, chế tạo ở thành phố Biên Hòa chia sẻ, đơn hàng để DN hoạt động vẫn có nhưng không bứt phá được. Một năm qua, sản lượng sản xuất của công ty ở mức trung bình, việc duy trì được sản xuất là nỗ lực lớn của DN. Do đó, trong những tháng cuối năm, DN mong mỏi lớn nhất là tìm được nhiều đơn hàng cả trong nước lẫn xuất khẩu, từ đó gia tăng sản xuất.

Tương tự, trong lĩnh vực thiết kế quảng cáo, nội thất, Giám đốc Công ty TNHH Mỹ thuật Thiên Nam group (thành phố Biên Hòa) Nguyễn Thiên Nam cho hay, những năm trước, DN thường xuyên nhận được những đơn hàng lớn. Có thời điểm các hệ thống cửa hàng theo chuỗi đặt hàng để thiết kế trải rộng khắp Đông Nam Bộ lẫn Tây Nguyên nên việc làm cho người lao động luôn đảm bảo. Tuy nhiên, vài tháng trở lại đây, thị trường chững lại, DN sản xuất cầm chừng với các đơn hàng nhỏ, lẻ là chính.

Tại Công điện 103/CĐ-TTg ngày 7-10-2024, Thủ tướng Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để giảm mặt bằng lãi suất cho vay, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, tập trung vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng của nền kinh tế.

“Chúng tôi vẫn kỳ vọng cuối năm thị trường sẽ ấm lên, kinh doanh của các DN khởi sắc thì nhu cầu về thiết kế quảng cáo, nội thất tăng trưởng tốt để công ty có thể có những đơn hàng lớn hơn so với hiện tại” - ông Nam cho biết.

Theo Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV, thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ), trong nửa cuối năm 2024 và cả năm 2025 vẫn có nhiều biến số trong khi nội lực của DN, đặc biệt ở khu vực kinh tế tư nhân, đã bị bào mòn do dịch Covid-19, lạm phát năm 2023 và gần đây là ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ. Vì thế, rất cần sự quyết liệt, kịp thời trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ đến các địa phương để vun đắp niềm tin cho người dân, DN và cần được liên tục duy trì, lan tỏa đến các cấp cơ sở, đảm bảo sự đồng bộ giữa chủ trương với thực thi.

Làm hàng gia công trong thời kỳ khó khăn

Bán hàng trực tiếp gặp khó khăn, một số đơn vị đã chuyển một phần sang sản xuất gia công thương hiệu riêng theo đơn đặt hàng.

Công ty TNHH Thương mại sản xuất cơ khí Phước Hưng (thành phố Biên Hòa) giới thiệu mẫu sản phẩm cho các doanh nghiệp, đối tác.
Công ty TNHH Thương mại sản xuất cơ khí Phước Hưng (thành phố Biên Hòa) giới thiệu mẫu sản phẩm cho các doanh nghiệp, đối tác. Ảnh:V.Gia

DN hoạt động trong lĩnh vực bảo hộ lao động, Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Hùng Yến (thành phố Biên Hòa) Hoàng Đình Tĩnh cho biết, việc có được những đơn hàng gia công trong thời gian này cũng là điều đáng quý. Qua đó, DN duy trì sản xuất, có thêm động lực để vượt qua khó khăn. Trước đây, công ty có 2 nhà xưởng sản xuất, nhưng sau thời kỳ dịch bệnh, suy thoái của kinh tế, thị trường giảm sút và đến nay vẫn chưa hồi phục, DN đã phải tạm ngừng hoạt động một xưởng để tập trung vào xưởng còn lại, chăm chút cho sản phẩm và chăm sóc khách hàng, chờ thời cơ phục hồi.

Trong khi đó, với Công ty TNHH Nam Long (huyện Long Thành), thị trường tiêu thụ dù vẫn giữ được sự ổn định song để gia tăng sản lượng, DN đang tích cực tìm thêm các đơn hàng gia công ngay tại nội địa và nước ngoài.

Giám đốc Lê Bạch Long chia sẻ, tại thị trường nội địa, Nam Long hợp tác với một số chuỗi siêu thị lớn để sản xuất hàng mang thương hiệu của họ. Điều này giúp cho sản lượng tiêu thụ được gia tăng khi các hệ thống siêu thị có sẵn nơi trưng bày, bán sản phẩm, trong khi Nam Long có đủ nguồn lực sản xuất đáp ứng các yêu cầu mà đối tác đặt ra. Đối với thị trường xuất khẩu như: Hàn Quốc, Trung Quốc..., DN gia công mang thương hiệu của đối tác để thâm nhập thị trường. Điều đặc biệt là dù mang thương hiệu ngoại nhưng trên mẫu mã, bao bì vẫn thể hiện nhà sản xuất là Nam Long, từ đó tạo nhận diện cho các đối tác khác về năng lực sản xuất của công ty.

Theo các chuyên gia và chủ DN, làm hàng gia công, nhất là trong thời buổi khó khăn hiện nay, cũng là giải pháp. Thế mạnh sản xuất hiện nay của Việt Nam cũng đang phần lớn là đóng góp nguồn lao động vào chuỗi cung ứng. Các ngành sản xuất chủ lực như: dệt may, da giày, đồ gỗ... thì gia công vẫn đang là chủ yếu. Về lâu dài, DN cũng phải tính toán đến việc sáng tạo, xây dựng chuỗi cung ứng, đầu tư cho đội ngũ thiết kế, nghiên cứu và phát triển sản phẩm của mình. Vượt qua được thử thách này thì mới có thể xuất khẩu bền vững vào thị trường các nước phát triển.

Nguồn: Báo Đồng Nai.