/ Tin tức
Một số thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền cải cách hành chính
Cải cách hành chính (CCHC) từ lâu đã trở thành nội dung trọng tâm trong các chiến lược phát triển quốc gia, nhằm xây dựng một nền hành chính “dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, có năng lực kiến tạo phát triển, liêm chính, phục vụ nhân dân”[1] đã được xác định tại Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ phê duyệt Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2021 - 2030. Trên cơ sở đó, nhiều văn bản, chính sách cải cách mạnh mẽ, đột phá đã được các cấp có thẩm quyền ban hành và triển khai áp dụng tại bộ, ngành, địa phương, có thể kể đến như các chính sách mới về dịch vụ công trực tuyến; thanh toán trực tuyến; thu hút đầu tư; miễn, giảm thuế; tinh giản biên chế; kiểm định chất lượng công chức; cắt giảm một số chứng chỉ đào tạo, bồi dưỡng; đổi mới từ thi sang xét thăng hạng viên chức,… hay gần đây nhất là triển khai tổng rà soát, sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị, đã được ví như một “cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy” ở nước ta. Để nâng cao hiệu quả xây dựng, tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách CCHC, giúp được thực thi trong đời sống thực tiễn, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, chất lượng phục vụ nhân dân, phát triển đất nước thì đòi hỏi có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, triển khai đồng bộ các giải pháp thiết thực, hiệu quả, trong đó, công tác thông tin, tuyên truyền CCHC được xác định là một trong những giải pháp trọng tâm.
Thời gian qua, công tác thông tin, tuyên truyền CCHC được tổ chức triển khai rất tích cực và đã có những chuyển biến rõ nét, tập trung đẩy mạnh tuyên truyền ý nghĩa, mục tiêu, nội dung, kết quả thực hiện Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2021 - 2030; thực hiện tuyên truyền một cách đa dạng dưới nhiều hình thức khác nhau. Các kết quả, sản phẩm thông tin, tuyên truyền CCHC đã đóng vai trò là “cầu nối quan trọng” giữa các chính sách cải cách và đối tượng chịu tác động, thụ hưởng các chính sách đó, nhất là người dân, doanh nghiệp và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; góp phần thay đổi nhận thức, thói quen, tạo sự đồng thuận và khuyến khích sự tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân và toàn xã hội vào công cuộc cải cách.
Một số cách làm mới, sáng tạo trong thực hiện tuyên truyền CCHC
Trong thực tiễn triển khai, nhiều bộ, địa phương đã thay thế các phương pháp tuyên truyền truyền thống bằng những cách làm mới, sáng tạo và mang lại hiệu quả, tác động tích cực, như: Sân khấu hóa; phát tờ rơi; tổ chức các diễn đàn đối thoại, trao đổi chuyên sâu về một vấn đề cụ thể; xây dựng các video ngắn để tuyên truyền, hướng dẫn sử dụng dịch vụ công trực tuyến; tổ chức các cuộc thi tìm kiếm sáng kiến CCHC, qua đó, giúp cán bộ, công chức, viên chức vừa có điều kiện nghiên cứu thực tiễn, nâng cao nhận thức vừa giúp phát hiện các ý tưởng, đề xuất mới, đột phá để thí điểm, nhân rộng góp phần nâng cao hiệu quả CCHC tại các cơ quan, đơn vị.
Thời gian gần đây, nhiều nơi đã tăng cường thông tin, tuyên truyền các chủ trương, chính sách, văn bản chỉ đạo, điều hành về CCHC thông qua các tiện ích của một số mạng xã hội có nhiều người sử dụng, như: Zalo, Facebook, Youtube,... giúp các thông tin, chính sách được truyền tải đến các đối tượng một cách nhanh chóng, thuận tiện, mang lại hiệu quả thiết thực. Hiện nay, hầu hết các bộ, ngành, địa phương đã có kênh Zalo chính thức (Zalo Official Account); một số nơi không chỉ dừng lại việc cung cấp thông tin tuyên truyền mà bổ sung các tính năng nộp hồ sơ TTHC, thanh toán trực tuyến, tra cứu, theo dõi tiến trình giải quyết hồ sơ TTHC trên nền tảng Zalo, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân, tổ chức đặc biệt là những người ở xa Bộ phận Một cửa.
Tồn tại, hạn chế
Mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần tạo chuyển biến rõ rệt trong công tác CCHC, tuy nhiên, công tác thông tin, tuyên truyền CCHC vẫn còn bộc lộ một số hạn chế, bất cập cần được xem xét giải quyết trong thời gian tới.
(1) Công tác xây dựng và tổ chức thực hiện Kế hoạch tuyên truyền CCHC hàng năm của bộ, ngành, địa phương còn bất cập; nội dung, nhiệm vụ tuyên truyền còn chung chung, chưa gắn kết chặt chẽ với thực hiện nhiệm vụ CCHC trọng tâm, đặc thù của bộ, ngành, địa phương, dẫn đến khó khăn trong việc bố trí kinh phí tuyên truyền CCHC.
(2) Một số nơi, cơ quan tuyên truyền nội dung CCHC chưa kịp thời; nội dung tin, bài viết, phóng sự CCHC chưa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của độc giả; vẫn còn tình trạng đưa tin chậm, thiếu tính thời sự, đôi khi phản ánh thiếu tính chính xác.
(3) Mặc dù CCHC là nội dung rất quan trọng, nhưng hiện nay, các chuyên mục CCHC của các cơ quan phát thanh, truyền hình thường được phát sóng vào giờ thấp điểm, dẫn đến lượng người theo dõi còn hạn chế, không thu hút được các nhà tài trợ để duy trì và cải tiến nội dung.
(4) Còn một bộ phận phóng viên, biên tập viên chưa nhận thức đầy đủ, toàn diện về chủ trương, định hướng, mục tiêu, nội dung, nhiệm vụ CCHC, ảnh hưởng đến chất lượng tin, bài.
Một số nguyên nhân chủ yếu của những tồn tại, hạn chế:
- Nhận thức về vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị đối với nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền CCHC chưa đầy đủ, chưa đồng đều; một số nơi chưa coi trọng công tác tuyên truyền, dẫn đến việc thiếu đầu tư cả về thời gian và nguồn lực.
- Thiếu đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về CCHC: Công tác tập huấn, cập nhật kiến thức về CCHC cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên chưa được thực hiện thường xuyên; một bộ phận đội ngũ làm công tác tuyên truyền chưa được đào tạo bài bản về kỹ năng truyền thông, dẫn đến hạn chế trong việc xây dựng và triển khai các nhiệm vụ tuyên truyền về CCHC.
- Cơ chế phối hợp chưa hiệu quả: Sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội và cơ quan truyền thông vẫn còn những hạn chế, đôi khi khó khăn trong việc tiếp cận, chia sẻ thông tin, thống nhất nội dung và hình thức tuyên truyền