/ Tin tức
Nâng cao vị thế doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ
Việt Nam đang dần trở thành trung tâm sản xuất công nghiệp quan trọng của khu vực và thế giới, đây sẽ là cơ hội cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam
Ông Nguyễn Hoàng - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp ngành Công nghiệp hỗ trợ TP. Hà Nội (Hansiba), Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI), Chủ tịch HĐQT Tập đoàn N&G đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Công Thương xung quanh vấn đề này.
Cơn bão số 3 vừa qua đã tác động đến nhiều mặt của kinh tế - xã hội. Về phía doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ chịu tác động ra sao, thưa ông?
Cơn bão số 3 rất mạnh, gây thiệt hại rất nặng nề, trong đó, có cả các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, được sự chỉ đạo sát sao của Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ, các doanh nghiệp đã khắc phục được về cơ bản cơ sở hạ tầng, nguồn nguyên liệu đầu vào, kết nối đầu ra để thúc đẩy, đưa sản xuất trở lại hoạt động bình thường.
Bên cạnh đó, mặt dù lượng đơn hàng vừa qua có những ảnh hưởng nhất định do biến động của tình hình kinh tế thế giới, nhưng do chính sách của Chính phủ và sự nỗ lực của doanh nghiệp, kế hoạch sản xuất đầu năm vẫn được duy trì và có thể sản xuất ổn định trong năm nay và những năm tiếp theo.
Mặt khác, hiện các doanh nghiệp Việt Nam đang tham gia sâu rộng vào các hiệp định thương mại tự do (FTA), với các cường quốc lớn trên thế giới, đây là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ nói riêng có thể tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Với sự ổn định về chính trị, sự điều tiết về chính sách vĩ mô của nhà nước, cùng với việc các tập đoàn của các quốc gia trên thế giới quan tâm, đầu tư vào Việt Nam, hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam để cùng nhau sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, từ đó tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu. Đây sẽ là cơ hội rất tốt để các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng vươn lên chiếm lĩnh thị phần và khẳng định mình.
Để hỗ trợ cho các doanh nghiệp, thời gian qua, Hansiba đã triển khai những giải pháp gì, thưa ông?
Với sự chỉ đạo của Chính phủ, định hướng của các cơ quan chức năng, hiện nay, hiệp hội đang cùng với doanh nghiệp đưa ra chương trình hành động hết sức cụ thể hỗ trợ cho doanh nghiệp.
Ví dụ, chúng tôi phát triển các khu công nghiệp chuyên sâu, hiện đại đáp ứng với 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc, để từ đó hỗ trợ cho các doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất, đảm bảo có thể tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu. Cùng với đó, việc đào tạo về lao động, tiếp cận công nghệ mới,… hỗ trợ doanh nghiệp Việt để từ đó có thể hợp tác được với doanh nghiệp FDI phát triển sản xuất.
Với những chính sách đã có, cùng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ tới đây trong việc đổi mới, thúc đẩy các chính sách liên quan đến công nghiệp hỗ trợ, chúng tôi tin rằng, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam sẽ vươn lên một tầm cao mới. Từ đó, góp phần xứng đáng vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Trong chiến lược phát triển công nghiệp xanh có lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Ông có khuyến nghị gì cho các doanh nghiệp để tăng cường phát triển công nghiệp xanh?
Đây là điều hết sức quan trọng, nếu các doanh nghiệp của chúng ta nói chung và công nghiệp hỗ trợ nói riêng không tự đổi mới về sản xuất xanh, cũng như hướng tới phát triển bền vững, sẽ không thể tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu. Đây là điểm mấu chốt để doanh nghiệp chuyển mình.
Đẩy mạnh chuyển đổi số, cùng với các công nghệ thông minh, hiện đại, và hướng tới 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc, đây chính là giấy thông hành để các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ nói riêng có thể vươn lên và tham gia phát triển cùng chuỗi sản xuất toàn cầu.
Trong thời gian vừa qua, chúng tôi cũng đã có những đề xuất lên Đảng, Nhà nước, Chính phủ. Chính phủ cũng đang rất quan tâm và đang có sự chỉ đạo đến các Bộ, ngành để từ đó có các chính sách phù hợp, hỗ trợ cho các doanh nghiệp.
Trong đó, có những đầu tư mang tính bản lề để từ đó các doanh nghiệp có được cơ sở hạ tầng cứng. Cùng với đó là các chính sách mềm để doanh nghiệp có thể vận dụng, hòa nhập được với các doanh nghiệp đa quốc gia, doanh nghiệp FDI đang có mặt và sắp có mặt tại Việt Nam.
Hiện nay, đâu là rào cản đối với các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nói riêng trong việc chuyển đổi xanh, thưa ông?
Tôi cho rằng, quan trọng nhất vẫn là áp lực đầu ra, áp lực sự phát triển của chính doanh nghiệp đó. Hiện nay, họ đang “vật lộn” với việc đầu tư sản xuất để có thể tham gia vào được chuỗi sản xuất toàn cầu. Cùng với đó là việc giữ đơn hàng.
Tăng trưởng xanh và phát triển bền vững là 2 nhiệm vụ song hành để hỗ trợ doanh nghiệp có thể tham gia được vào chuỗi sản xuất toàn cầu theo chuẩn mực quốc tế. Đây là cơ hội nhưng cũng là thách thức đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam phải tự vươn lên. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần sự đồng hành, hỗ trợ của các cơ quan chức năng.
Xin cám ơn ông!
Nguồn: Baocongthuong