Số lượt truy cập

2954181

/ Tin tức

Ngành dệt may 2025: Cơ hội ẩn sau những thách thức

Ngành dệt may 2025: Cơ hội ẩn sau những thách thức

Cơ hội và rủi ro vẫn đang giằng co quyết liệt

Năm 2024 khép lại với nhiều tín hiệu tốt cho ngành dệt may Việt Nam khi kim ngạch xuất khẩu phục hồi mạnh mẽ, tăng hơn 11% lên 44 tỷ USD, với trọng tâm tăng trưởng nằm ở hai mảng mũi nhọn là sợi và sản phẩm dệt may.

Vậy nhưng, những bất ổn vĩ mô vẫn là bóng đen phủ lên triển vọng tăng trưởng, khiến ngành này đứng trước ngã rẽ quan trọng trong năm 2025. Trước bối cảnh đó, các chuyên gia kinh tế tiếp tục giữ quan điểm trung lập đối với triển vọng của ngành dệt may trong năm nay, khi cơ hội và rủi ro vẫn đang giằng co quyết liệt.

Ngành dệt may 2025: Cơ hội ẩn sau những thách thức
Giữa cơ hội và thách thức, ngành dệt may Việt Nam sẽ cần linh hoạt điều chỉnh chiến lược để duy trì lợi thế cạnh tranh, tối ưu hóa chuỗi cung ứng và đảm bảo đà tăng trưởng trong bối cảnh nhiều biến động (Ảnh minh họa)

Về triển vọng, trích dẫn thống kê từ Ngân hàng Thế giới, nhóm phân tích của Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MASVN) cho biết, các thị trường trọng điểm của ngành dệt may Việt Nam nhiều khả năng sẽ tiếp tục giữ vững đà tăng trưởng ở năm 2025 này, trong đó GDP của Mỹ được dự báo tăng 2,3%; châu Âu (EU) dự báo tăng 1%; Nhật Bản dự báo tăng 1,2%, và Trung Quốc dự báo tăng 4,5%. Đây là yếu tố hỗ trợ cho nhu cầu tiêu thụ hàng dệt may nước ta.

Tuy nhiên, ngành dệt may cũng sẽ đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức bởi các biến số vĩ mô là vô cùng khó đoán định. Song song với bất ổn địa chính trị xoay quanh cuộc chiến Nga - Ukraine và Israel - Hamas, một trong những rủi ro lớn nhất chính là thương chiến Mỹ - Trung 2.0. Ngay sau khi nhậm chức, chính quyền Tổng thống Trump đã công bố loạt biện pháp thuế quan mới nhắm vào Trung Quốc, Canada và Mexico, cũng như có kế hoạch áp dụng "thuế quan có đi có lại" cho nhiều quốc gia khác.

Không ngoại trừ khả năng, Việt Nam có tên trong danh sách "thuế quan có đi có lại" này, đe dọa lợi thế cạnh tranh của ngành dệt may. May mắn là, chính quyền ông Trump vẫn để mở các kênh đàm phán, với thời hạn chuẩn bị kéo dài 180 ngày, tạo cơ hội để doanh nghiệp nước ta tận dụng dư địa chính sách, điều chỉnh chiến lược xuất khẩu cho phù hợp, thậm chí là tránh được mức thuế cao.

Ngành dệt may 2025: Cơ hội ẩn sau những thách thức
Một trong những rủi ro lớn nhất của ngành dệt may chính là thương chiến Mỹ - Trung 2.0 (Ảnh minh họa)

Áp lực từ chính sách tiền tệ và tồn kho

Bên cạnh đó, chính sách tiền tệ toàn cầu đang tạo ra tác động trái chiều, mang lại thách thức không nhỏ. Đầu năm 2025, một số ngân hàng trung ương trên thế giới đã bắt đầu hạ lãi suất, nhưng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) lại làm chậm tiến độ này, chỉ dự kiến cắt giảm tối đa 0,5 điểm phần trăm trong năm 2025, do lo ngại lạm phát gia tăng.

Có thể thấy, Fed gây áp lực lên các ngân hàng trung ương khác đang muốn tiếp tục hạ lãi suất, đặc biệt là khu vực châu Á, tác động lên các loại tiền tệ như đồng Yên Nhật và Won Hàn Quốc. Từ đó, ảnh hưởng đến sức mua của các quốc gia này và gián tiếp làm giảm giá trị đơn hàng của các doanh nghiệp dệt may Việt Nam.

Tiếp đó, ngành dệt may nước ta còn gặp phải sự thiếu hụt đơn hàng trong năm 2025, khi mà tỷ lệ hàng tồn kho tại các thương hiệu lớn như: Nike, Inditex, GAP, H&M, Puma đã có dấu hiệu gia tăng từ cuối năm 2024. Tín hiệu này cho thấy tăng trưởng đơn hàng trong năm 2025 sẽ khó đột biến, bởi xu hướng thận trọng đang lan tỏa tại các nhãn hàng thời trang lớn.

Về dài hạn, áp lực chi phí lao động sẽ tiếp tục đè nặng lên doanh nghiệp dệt may. Việt Nam đang thu hút ngày càng nhiều vốn đầu tư FDI, kéo theo nhu cầu lao động gia tăng và cạnh tranh lương ngày càng gay gắt. Đồng thời, xu hướng lao động Việt Nam tìm kiếm việc làm ở nước ngoài cũng đẩy mặt bằng lương trong nước lên cao, khiến các doanh nghiệp sản xuất đối diện với bài toán chi phí.

Ngành dệt may 2025: Cơ hội ẩn sau những thách thức
Cơ hội và thách thức đan xen (Nguồn: MASVN)

Theo MASVN, dù đối mặt với nhiều biến động, thách thức nhưng một số doanh nghiệp dệt may nước ta vẫn đang thể hiện khả năng thích ứng linh hoạt, tạo nền tảng vững chắc để bứt phá trong năm 2025. Điển hình là Công ty Cổ phần Phong Phú (UPCoM: PPH), với doanh thu năm 2024 đạt 2.240 tỷ đồng, tăng gần 28% so với cùng kỳ năm trước. Biên lợi nhuận gộp duy trì ổn định trên 19%, trong khi lợi nhuận sau thuế đạt 372 tỷ đồng, tăng trưởng 17% so với năm 2023. Tương tự, Công ty Cổ phần May Sông Hồng (HOSE: MSH) cũng được đánh giá là điểm sáng của ngành dệt may năm 2025. Doanh nghiệp này khép lại năm 2024 với lợi nhuận sau thuế ấn tượng 440 tỷ đồng, tăng vọt 80% so với cùng kỳ, dù doanh thu chỉ tăng 16% lên 5.280 tỷ đồng – phản ánh khả năng tối ưu hóa chi phí hiệu quả.

Giữa cơ hội và thách thức, ngành dệt may Việt Nam sẽ cần linh hoạt điều chỉnh chiến lược để duy trì lợi thế cạnh tranh, tối ưu hóa chuỗi cung ứng và đảm bảo đà tăng trưởng trong bối cảnh nhiều biến động. Tận dụng tốt các lợi thế, kiểm soát rủi ro chặt chẽ sẽ là chìa khóa giúp ngành duy trì đà phát triển bền vững.
Nguồn: Báo Công Thương.