/ Tin tức
Người dân ĐÃ dần quen với thịt heo đông lạnh nhập khẩu
Thịt heo nhập khẩu đã được bày bán tại nhiều chợ truyền thống trên địa bàn TP. Đà Nẵng đã được hơn 1 tháng và người tiêu dùng đã bắt đầu chấp nhận sản phẩm này.
Cạnh tranh “sòng phẳng” với thịt heo truyền thống
Ghi nhận của PV, hầu hết các chợ truyền thống lớn trên địa bàn TP. Đà Nẵng đều đã có tiểu thương bán mặt hàng thịt heo nhập khẩu.
Thịt heo nhập khẩu đã được bày bán tại nhiều cửa hàng đông lạnh, các chợ truyền thống trên địa bàn TP. Đà Nẵng |
Tại chợ Hòa Khánh (Liên Chiểu, Đà Nẵng) có khoảng hơn 10 tiểu thương bán thịt heo nhập khẩu. Ông Đoàn Ngọc Quy, tiểu thương kinh doanh mặt hàng thịt heo ở chợ Hòa Khánh cho biết ông đã bán thịt heo nhập khẩu được hơn 1 tháng. “Từ khi Thủ tướng Chính phủ khuyến khích bán thịt heo nhập khẩu, một số đại lý phân phối lớn đến chào hàng nên tôi nhập về bán”, ông Quy nói và cho biết thêm, thịt heo nhập khẩu phong phú về loại như thịt ba chỉ, giờ heo, móng heo…
Theo ông Quy, tại TP. Đà Nẵng hiện có nhiều đại lý phân phối thịt heo nhập khẩu, nguồn gốc xuất xứ thì đến từ 3 quốc gia: Nga, Canada, Singapore. “Lượng thịt bán ra tùy buổi chợ, quầy hàng. Tôi thường tính toán lấy đủ bỏ mối thôi, ít bán lẻ, đảm bảo bán hết lượng thịt rã đông trong ngày”, ông Quy chia sẻ.
Còn tại chợ Cồn, ông Nguyễn Đắc Hùng – Trưởng BQL chợ cho biết hiện chợ cũng có khoảng gần 10 tiểu thương bán thịt heo nhập khẩu, và mới chỉ bán khoảng 1 tuần trở lại đây. Tiểu thương Phạm Thị Hạnh – Lô 37, đình 9, chợ Cồn cho biết do giá thịt heo nóng quá cao, nên bà chuyển sang bán thịt heo nhập khẩu. “Giá cả thì thấp hơn thịt heo truyền thống. Thịt ba chỉ, thịt nạc có giá từ 100.000 – 110.000 đồng/kg, thấp hơn tới 70.000 đồng/kg so với thịt heo nóng, sườn cốp lết có giá từ 95.000 – 100.000 đồng/kg, thấp hơn 60.000 đồng/kg so với thịt nóng”, bà Hạnh cho hay.
Mặc dù giá bán ra của thịt heo nhập khẩu thấp hơn nhiều so với thịt heo nóng, nhưng việc niêm yết giá mặt hàng này còn bị tiểu thương “lơ là”. Bên cạnh đó, giá cả các loại thịt heo nhập khẩu mỗi tiểu thương bán một kiểu, mỗi chợ một giá, dù cùng một mặt hàng nhưng mức chênh nhau đến 30.000 – 40.000 đồng/kg. Điển hình như giá thịt ba chỉ nhập khẩu tại chợ Hòa Khánh từ 140.000 – 150.000 đồng/kg thì ở chợ Cồn hay chợ đầu mối Hòa Cường chỉ là 100.000 – 110.000 đồng/kg; ngược lại, xương ở chợ Hòa Khánh giá 65.000 – 80.000 đồng/kg thì ở một số chợ khác giá lại từ 95.000 – 100.000 đồng/kg.
Theo các tiểu thương, giá bán ra của tiểu thương chênh nhau nhiều là do mỗi tiểu thương có nguồn riêng. “Ví dụ như cùng một mặt hàng thịt ba chỉ hay xương nhưng mỗi người chào hàng tiểu thương cho một giá khác nhau với mức chênh từ 5.000 – 10.000 đồng/kg, rồi còn tùy ngày nữa”, ông Đoàn Ngọc Quy lý giải.
Tương tự, bà Trần Thị Kim Thúy, tiểu thương kinh doanh thịt heo ở chợ Hòa Khánh cho hay cô bán thịt ba chỉ nhập khẩu, lúc đầu giá nhập vào chỉ khoảng 95.000 đồng/kg, gần đây đã lên đến 115.000 đồng/kg. “Giá thay đổi liên tục, tôi theo giá họ bỏ mối để bán thôi”, bà Thúy nói.
Bà Đoàn Thị Lượng mua thịt heo nhập khẩu về nấu quán ăn |
Người tiêu dùng dần đón nhận
Khảo sát tại các chợ cho thấy sức mua tại các chợ truyền thống đối với thịt heo nhập khẩu còn khá hạn chế, người tiêu dùng chưa mặn mà với mặt hàng này, song đã dần đốn nhận.
Ông Quy cho biết: "Tôi chủ yếu bỏ mối cho các bếp ăn công nghiệp, quán cơm. Họ là bán hàng, biết và tin tưởng nên mua”.
Dù sức mua còn thấp, tuy nhiên, các tiểu thương và một số đầu mối cung cấp thịt heo nhập khẩu cũng khẳng định người tiêu dùng dần đón nhận thịt heo nhập khẩu.
Mua xương nhập khẩu về nấu quán ăn, bà Đoàn Thị Lượng (Hòa Khánh Bắc, Liên Chiểu) cho biết nay mình mới lấy thịt nhập khẩu lần đầu. “Mỗi ngày tôi mua chừng 5 kg xương để nấu quán ăn. Thịt heo truyền thống mắc quá, mà thịt heo nhập nghe nói đảm bảo chất lượng tương đương nên tôi tin tưởng mua về chế biến phục vụ khách hàng”, bàLượng nói.
Còn chị Tô Hồng Thắm (Hòa Khánh Nam, Liên Chiểu) cho biết, chị mới mua thịt heo nhập khẩu được gần 1 tuần trở lại đây. “Mua thịt này phải mua lúc họ vừa rã đông, khi đó đảm bảo về đến nhà mới rã đông hết nên vẫn giữ được chất lượng. Còn giá cả tôi thấy khá hợp lý và vừa túi tiền”, chị Thắm nói.
Tiểu thương Trần Thị Kim Thúy (chợ Hòa Khánh) cho biết do hụt nguồn cung thịt heo nóng nên phải chuyển sang bán thịt heo nhập khẩu |
Bà Huỳnh Thị Lệ Tuyết - Giám đốc Công ty TNHH MTV Tý Tuyết (Đại lý Tý Tuyết, 207 Hải Phòng) cho biết mặt hàng thịt heo nhập khẩu được nhập từ Nga, thông qua một đại lý lớn tại TP. Hồ Chí Minh. Ban đầu, thịt heo nhập khẩu chủ yếu bán cho các bếp ăn công nghiệp, suất ăn tập thể, tuy nhiên, gần đây nhiều người tiêu dùng đã biết đến và mua thịt heo nhập khẩu về sử dụng. “Hiện mỗi ngày Tý Tuyết cung cấp ra thị trường từ 3 – 5 tạ thịt heo nhập khẩu, trong đó, có tới 50% người tiêu dùng mua trực tiếp. Ban đầu một số người tiêu dùng cũng chê, hay còn dè chừng, nhưng sau họ sử dụng thấy thịt vẫn ngon nên họ mua tiếp”, bà Tuyết chia sẻ và thông tin thêm hiện Công ty cũng có bỏ mối cho các chợ truyền thống nhưng sức tiêu thụ còn chậm.
Chợ truyền thống của nhiều tỉnh thành miền Trung cũng đã bán thịt heo nhập khẩu Ngoài TP. Đà Nẵng, nhiều chợ truyền thống của một số tỉnh thành miền Trung như Quảng Nam, Thừa Thiên Huế cũng đã xuất hiện thịt heo nhập khẩu trên các kệ hàng. Ghi nhận của PV Báo Công Thương, tại tỉnh Thừa Thiên Huế, sáng ngày 6/5, tại các chợ truyền thống lớn trên địa bàn thành phố Huế như Đông Ba, An Cự, Bến Ngự, Chợ Cống…đều bày bán thịt lợn ngoại nhập, trong đó chủ yếu là thịt giò. Tại chợ Đông Ba, có khoảng 10 sạp bày bán, với số lượng bán ra mỗi ngày khoảng 300-500 kg. Chị Phan Thị Nga – tiểu thương bán thịt lợn chợ Đông Ba cho biết, mỗi ngày sạp chị bán khoảng 30-50 kg thịt giò heo ngoại nhập, với giá giao động từ 40.000 - 60.000/kg. “Do giá thấp nên nhiều người chọn mua, trong đó chủ yếu là các chủ quan kinh doanh ăn uống, nấu nướng lớn, hộ gia đình ít mua loại thịt này”, chị Nga nói. Theo các tiểu thương, nguồn gốc thịt heo ngoại nhập này chủ yếu từ nước Nga nhập về, qua các đầu mối và họ mua lại để bán. Tiểu thương Nguyễn Thị Giá cho biết, chị mua loại thịt này từ chợ đầu mối Bãi Dâu (Hương Sơ, TP.Huế), sau khi mua về thì ngâm nước rả đông, vệ sinh lại sạch sẽ và bày bán. Tại tỉnh Quảng Nam, một số chợ như chợ Tam Kỳ, chợ Vĩnh Điện đã có lác đác một vài hộ tiểu thương kinh doanh thịt heo nhập khẩu nhưng số lượng không nhiều. Mức giá bán ra đến tay người tiêu dùng của thịt heo nhập khẩu ít hơn thịt heo nóng từ 40.000 – 50.000 đồng/kg. Theo tiểu thương Nguyễn Thị Năm (chợ Vĩnh Điện, Thị xã Điện Bàn, Quảng Nam), một số cơ sở chở heo nhập tới nhưng các tiểu thương ít mua, dù giá rẻ hơn. “Cô chỉ lấy một ít bán thử nhưng không mấy người mua. Thịt lợn truyền thống vẫn được mua ưa chuộng hơn”, cô Năm cho hay. |