Số lượt truy cập

1538088

/ Tin tức

NHÔM VIỆT NAM CÓ NGUY CƠ BỊ ÁP THUẾ PHÒNG VỆ THƯƠNG MẠI

Hiện các nhà sản xuất Trung Quốc tìm cách đầu tư sản xuất sang Việt Nam để tránh bị áp thuế chống bán phá giá của Việt Nam, cũng như tránh biện pháp phòng vệ thương mại của các nước đang áp dụng với nhôm có xuất xứ Trung Quốc.

Từ năm 2020 đến nay có hiện tượng các nhà đầu tư nước ngoài (trong đó chủ yếu là từ Trung Quốc) đang tìm kiếm các dự án chuyển nhượng hoặc các dự án đầu tư mới để sản xuất nhôm định hình phục vụ thị trường Việt Nam và xuất khẩu.

Từ cuối năm 2019, theo VAA nhận định, khi Bộ Công Thương áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại (thuế chống bán phá giá) cho sản phẩm nhôm định hình có xuất xứ từ Trung Quốc và sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chống buôn lậu và gian lận thương mại đã ngăn chặn lượng nhôm giá rẻ tràn vào thị trường Việt Nam. Qua đó, giúp các nhà sản xuất trong nước tiêu thụ được hàng hóa và phục hồi mạnh mẽ, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước.

Sau khi bị hạn chế do thuế phòng vệ thương mại, các nhà sản xuất Trung Quốc, đã tìm cách đầu tư sản xuất sang nước ta để tránh bị áp thuế chống bán phá giá của Việt Nam, lại tận dụng được các hiệp định thương mại của Việt Nam nhằm thuận lợi trong xuất khẩu và tiếp tục tránh được các biện pháp phòng vệ thương mại của các nước đang áp dụng với nhôm có xuất xứ Trung Quốc (gọi tắt là hiện tượng tráng men xuất xứ).

Trước lợi ích to lớn khi đầu tư sản xuất nhôm định hình tại Việt Nam, nhiều đơn vị đã tìm cách đầu tư vào Việt Nam thông qua chuyển nhượng các dự án sản xuất nhôm trong nước (thay đổi sở hữu, mua bán, sáp nhập) hoặc lập dự án đầu tư mới tại các tỉnh, thành phố.

Theo VAA, các dự án này tưởng chừng đem lại lợi ích cho đất nước, nhưng sâu xa tiềm ẩn nhiều hệ lụy cho cả ngành sản xuất như: nguy cơ bị điều tra lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ và chuyển tải bất hợp pháp, đặc biệt trong bối cảnh xung đột thương mại Mỹ - Trung và khi Việt Nam tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới như CPTPP, EVFTA.

Đối với các ngành sản xuất, việc bị nước ngoài điều tra lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ và chuyển tải bất hợp pháp sẽ dẫn tới những tác động tiêu cực như: ảnh hưởng đến toàn ngành nhôm và các doanh nghiệp sản xuất/xuất khẩu chân chính, làm giảm uy tín hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Về lâu dài, còn tác động tiêu cực tới sức cạnh tranh của cả nền kinh tế nước ta, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang tham gia hàng loạt FTA có yêu cầu cao về xuất xứ. Trường hợp bị áp thuế sẽ gây thiệt hại chung cho cả ngành sản xuất nhôm Việt Nam.

Nhằm giải quyết những vướng mắc trên, VAA kiến nghị Thủ tướng, Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch và đầu tư cùng chủ tịch UBND các tỉnh thành trực thuộc trung ương: Lưu ý đến hiện tượng trên, xem xét thấu đáo và có giải pháp thanh lọc nhằm hạn chế các dự án sản xuất nhôm định hình có vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất nhôm định hình ổn định thị trường trong nước, tăng khả năng cạnh tranh và uy tín trên thị trường quốc tế.

Đồng thời, nghiên cứu xem xét, bổ sung điều kiện khi cấp phép đầu tư mới hoặc sáp nhập, mua lại dự án sản xuất nhôm định hình có vốn đầu tư nước ngoài theo quy định tại Quyết định 824 (ngày 4/7/2019) của Thủ tướng phê duyệt Đề án "Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ".

Vào cuối tháng 9/2019, Bộ Công Thương từng quyết định áp dụng biện pháp chống bán phá giá với một số sản phẩm nhôm xuất xứ từ Trung Quốc với mức thuế được áp tạm thời là 2,49 - 35,58%.

Số lượng nhà sản xuất Trung Quốc bị điều tra, áp thuế thời điểm đó là 16 công ty. Việc áp thuế với mặt hàng này, được cơ quan quản lý xác định trên cơ sở kết quả thẩm định hồ sơ yêu cầu từ các doanh nghiệp sản xuất trong nước nộp vào tháng 10/2018.

Theo kết quả điều tra, ngành sản xuất nhôm trong nước đã chịu thiệt hại nặng nề. Hầu hết doanh nghiệp sản xuất nhôm nội địa đều thua lỗ, nhiều dây chuyền sản xuất phải ngừng hoạt động do nhôm Trung Quốc được bán phá giá với biên độ từ 2,49 – 35,58%. Một số trường hợp giá bán còn thấp hơn rất nhiều so với chi phí sản xuất sau khi bị nhiều nước ngăn chặn bằng các rào cản thương mại./.