/ Tin tức
NỘI DUNG SỔ TAY SẢN XUẤT SẠCH HƠN 2022 - QUẢN LÝ CHẤT THẢI RẮN CÔNG NGHIỆP TẠI VIỆT NAM VÀ MỘT SỐ KHUYẾN NGHỊ
Sự mở rộng và phát triển của hoạt động sản xuất công nghiệp đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, lượng chất thải thải rắn phát sinh từ hoạt động sản xuất công nghiệp cũng ngày càng tăng cao theo mức độ công nghiệp hoá. Chất thải rắn công nghiệp được phân loại thành chất thải rắn thông thường và chất thải nguy hại
Sự mở rộng và phát triển của hoạt động sản xuất công nghiệp đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, lượng chất thải thải rắn phát sinh từ hoạt động sản xuất công nghiệp cũng ngày càng tăng cao theo mức độ công nghiệp hoá. Chất thải rắn công nghiệp được phân loại thành chất thải rắn thông thường và chất thải nguy hại. Trong đó, chất thải nguy hại vốn chiếm tỷ lệ khoảng 20% - 30% lượng chất thải rắn công nghiệp đang có xu hướng tăng nhanh qua các năm. Đây là hệ quả của việc sử dụng ngày càng nhiều loại hoá chất và sự phát triển của các ngành công nghiệp cơ khí, điện – điện tử và hoá chất. Chất thải rắn công nghiệp phát sinh từ các ngành như sản xuất giấy, nhiệt điện than, hoá chất, phân bón… có các đặc thù riêng của từng ngành và cũng có xu hương gia tăng trong thời gian gần đây. Theo ước tính sơ bộ, lượng chất thải rắn công nghiệp phát sinh hàng năm tại nước ta khoảng 25 triệu tấn.
Hiện tại, 3 vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) của nước ta, gồm vùng KTTĐ Bắc Bộ, vùng KTTĐ miền Trung và vùng KTTĐ phía Nam chiếm khoảng 80% tổng lượng chất thải rắn công nghiệp, trong đó lớn nhất là vùng KTTĐ phía Nam. Tuy nhiên, lượng chất thải rắn công nghiệp phát sinh từ các cơ sở này chưa được thống kê đầy đủ. Việc quản lý chất thải rắn của các đơn vị này chưa được thực hiện chặt chẽ, thường được thu gom chung với chất thải sinh hoạt đô thị, tiềm ẩn nhiều rủi ro nguy hại đến môi trường và sức khoẻ cộng đồng. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB) và các chuyên gia, khung pháp lý về quản lý chất thải rắn công nghiệp nói chung, chất thải nguy hại nói riêng của Việt Nam hiện tương đối hoàn chỉnh, bao gồm Luật Bảo vệ môi trường, một số nghị định, quyết định và thông tư về các nội dung cụ thể cùng với các tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về xử lý chất thải.
Việc quản lý rác thải công nghiệp tại nước ta trong những năm gần đây đã đạt nhiều tiến bộ và hướng tới việc đẩy mạnh tái chế, tái sử dụng nhiều hơn các loại chất thải. Ví dụ, xỉ thải từ các nhà máy luyện thép đã được đưa vào sản xuất thử xi măng tại một số nhà máy. Kết quả cho thấy, tính khả thi của việc sử dụng xỉ thải làm phụ gia và nguyên liệu sản xuất xi măng cho ra đời loại xi măng với những đặc tính ưu việt như: toả nhiệt thấp, có khả năng chống ăn mòn của muối, chống lại phản ứng của Alkali... thích hợp với các công trình bê tông khối lớn như đập thủy điện, thủy lợi, công trình hạ tầng ven biển và công trình có tuổi thọ cao. Tuy nhiên, do chi phí đầu tư công nghệ xử lý lớn và đòi hỏi công nghệ đồng bộ, hiện nay lượng xỉ thải phần lớn vẫn chỉ được xử lý bằng biện pháp chôn lấp, phát sinh hàng loạt vấn đề ô nhiễm môi trường. Đối với chất thải rắn như tro, xỉ than từ các nhà máy nhiệt điện, việc sử dụng tro xỉ than để làm gạch không nung, phụ gia bê tông, phụ gia xi măng... mới chỉ đạt khoảng 30% tổng lượng tro, xỉ phát sinh.
Việt Nam đang hướng tới việc đẩy mạnh tái chế, tái sử dụng nhiều hơn các loại chất thải thay vì thải bỏ, chôn lấp hoặc đốt không thu hồi năng lượng
Với lượng tro xỉ than lớn, ngày càng nhiều của các nhà máy nhiệt điện, phương án này chưa giải quyết hiệu quả chất thải. Bên cạnh đó, trong thành phần xỉ than có nhiều tạp chất ô nhiễm nên việc xử lý tro xỉ từ nhà máy nhiệt điện còn gặp nhiều khó khăn. Thực tế cho thấy, hoạt động quản lý, tái chế, tái sử dụng chất thải rắn công nghiệp tại Việt Nam chưa ngang tầm với nhu cầu phát sinh từ sự phát triển của hoạt động sản xuất công nghiệp. Trên cả nước hiện còn thiếu các khu xử lý chất thải rắn công nghiệp chuyên biệt, đặc biệt là khu xử lý chất thải rắn tập trung quy mô lớn.
Hiện nay, tỷ lệ chất thải nguy hại được thu gom, xử lý đúng quy định mới đạt từ 80% - 85% tại các địa phương. Tuy nhiên, đa phần các đơn vị này là những công ty công ích tại địa phương hoặc các đơn vị tư nhân quy mô vừa và nhỏ, vốn điều lệ ít, không có khả năng đầu tư vào các công nghệ xử lý đòi hỏi nguồn vốn lớn. Đa phần các đơn vị sử dụng các công nghệ đa dụng cho nhiều loại chất thải rắn khác nhau, công nghệ xử lý chưa chuyên sâu khiến hiệu quả xử lý và tái sử dụng chất thải ở mức thấp.
Bên cạnh đó, sự liên kết và phối hợp giữa các đơn vị này chưa chặt chẽ. Nhiều cụm công nghiệp trên cả nước vẫn chưa hoàn thiện các công trình thu gom, xử lý chất thải tập trung. Việc quản lý chất thải rắn công nghiệp cũng còn yếu và chưa nhận được sự quan tâm đúng mức từ các cấp chính quyền, đặc biệt là cấp chính quyển tỉnh. Các cơ sở sả xuất nằm ngoài khu công nghiệp, cụm công nghiệp còn gặp nhiều khó khăn hơn, đặc biệt là việc đầu tư các công trình hạ tầng để quản lý, kiểm soát ô nhiễm.
Để thực sự đảm bảo công tác quản lý chất thải rắn công nghiệp đạt yêu cầu và theo kịp sự phát triển của hoạt động sản xuất công nghiệp, các chính sách thị trường, cơ chế và chính sách đầu tư cũng như chính sách hỗ trợ và phát triển công nghệ cần được hoàn thiện và phát triển đồng bộ nhằm tạo ra thị trường với môi trường đầu tư thích hợp cho các doanh nghiệp xử lý chất thải rắn công nghiệp. Các chính sách phù hợp sẽ giúp các đơn vị sản xuất cũng như đơn vị dịch vụ xử lý chất thải yên tâm đầu tư, chú trọng công nghệ xử lý, nâng cao hiệu quả bảo vệ môi trường. Đặc biệt, cần có chính sách khuyến khích nghiên cứu, phát triển và đầu tư các công nghệ sâu để xử lý các loại chất thải rắn công nghiệp đặc thù, nguy hại. Cần khuyến khích tổ chức, cá nhân phát sinh chất thải rắn công nghiệp thông thường có thể tự tái chế, xử lý, đồng xử lý, thu hồi năng lượng bằng các công nghệ, công trình bảo vệ môi trường, thiết bị sản xuất sẵn có trong khuôn viên cơ sở phát sinh chất thải rắn công nghiệp thông thường.
Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra để đảm bảo hoạt động xử lý chất thải rắn công nghiệp tuân thủ đúng các quy định, đạt các quy chuẩn quốc gia về môi trường. Đồng thời, các hoạt động này sẽ giúp các cơ quan có liên quan phát hiện ra các hạn chế, yếu tố tác động tiêu cực tới môi trường, từ đó có giải pháp hoàn thiện kịp thời các cơ chế, chính sách còn bất cập trong công tác quản lý chất thải công nghiệp, bảo vệ môi trường.