/ Tin tức
Phát triển công nghiệp hỗ trợ cho ngành xuất khẩu tỷ đô (H)
Phát triển công nghiệp hỗ trợ cho ngành xuất khẩu tỷ đô (H)
Các sản phẩm điện tử và linh kiện là một trong những nhóm hàng xuất khẩu tỷ đô của Việt Nam, song lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ cho ngành này vẫn còn khiêm tốn.
Cơ hội khi giá trị xuất khẩu cao nhất trong các nhóm hàng hoá
Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan, tính từ đầu năm đến giữa tháng 10/2024, trị giá hàng hoá xuất khẩu của nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 55,29 tỷ USD, tăng 11,67 tỷ USD, tương ứng tăng 26,7% so với cùng kỳ năm 2023. Giá trị xuất khẩu nhóm hàng điện thoại các loại và linh kiện đạt 43,94 tỷ USD, tăng 2,31 tỷ USD, tương ứng tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước.
Cộng gộp cả 2 nhóm mặt hàng này, giá trị xuất khẩu đã gấp đôi nhóm hàng đứng thứ 3 là máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng; gấp hơn 3 lần giá trị xuất khẩu của nhóm hàng dệt may. Do đó, Chính phủ cũng đã xác định đây là ngành có vị trí then chốt trong nền kinh tế hiện đại và có tác động mạnh mẽ đến các ngành công nghiệp khác.
Bà Đỗ Thị Thúy Hương, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam dự báo lĩnh vực điện tử, linh phụ kiến sẽ đạt tăng trưởng lên mức 120 tỷ USD. Tuy nhiên, vấn đề là các doanh nghiệp lĩnh vực điện tử của Việt Nam vẫn thiên về gia công, lắp ráp, chưa chú trọng tạo thành chuỗi cung ứng hoặc phát triển những phân khúc như thiết kế, nghiên cứu và phát triển (R&D), phân phối… để sản phẩm giá trị gia tăng cao hơn, tạo tính lan toả cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ khác cùng phát triển.
Cũng về vấn đề này, TS Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội (HANOISME) cho hay, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ cho ngành điện tử hiện nay đang ở mức khiêm tốn, chỉ chiếm 36% doanh nghiệp tham gia cung ứng lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Trong khi đó, các sản phẩm điện tử thường xuyên thay đổi liên tục về công nghệ, cứ 3-6 tháng có sản phẩm mới được ra đời nên sẽ tạo điều kiện và nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp cung ứng linh phụ kiện.
Hơn nữa, hàng loạt doanh nghiệp điện tử lớn đã, đang và sẽ đầu tư vào Việt Nam. Chẳng hạn, Foxconn sau khi đầu tư 1,5 tỷ USD xây dựng cơ sở sản xuất, tới đây sẽ đầu tư thêm 300 triệu USD vào nhà máy đang xây dựng tại Khu công nghiệp Quang Châu (Bắc Giang). Pegatron đang mở rộng dự án thứ 2 về linh kiện điện tử với tổng vốn đầu tư khoảng 481 triệu USD tại Hải Phòng. Pegatron sẽ tiếp tục đầu tư dự án thứ 3 với quy mô 500 triệu USD trong giai đoạn 2025-2026... Những dự án này càng mở rộng tiềm năng phát triển cho các doanh nghiệp lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ điện tử.
Thiếu vốn, thiếu chính sách và nhân lực chưa đáp ứng
Thực tế hiện nay, lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ nói chung và công nghiệp hỗ trợ cho ngành điện tử nói riêng còn nhiều khó khăn trong phát triển. Chính sách hỗ trợ cho ngành công nghiệp điện tử hiện mới có Nghị định 111/2015/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ, nên chưa khai thác được hết tiềm năng và cơ hội.
Chia sẻ về khó khăn của doanh nghiệp, ông Lại Hoàng Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Truyền thông và Máy tính Thánh Gióng cho hay, để hoạt động trong ngành công nghiệp điện tử, các doanh nghiệp cần rất nhiều sự hỗ trợ của Nhà nước để tiếp cận ngành công nghiệp điện tử, công nghệ sản xuất chíp bán dẫn. Đơn cử, để tiếp cận các công nghệ về nano, doanh nghiệp cần hỗ trợ như mua các bản quyền sáng chế để có thể đáp ứng được nhu cầu của thị trường.
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp cũng cho biết còn khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn vốn đầu tư, trong khi trang thiết bị công nghiệp để sản xuất lĩnh vực điện tử hiện đại có giá thành rất cao. Đồng thời, vấn đề về bảo hộ sở hữu trí tuệ cũng khiến nhiều doanh nghiệp “đau đầu” trong đáp ứng liên quan đến thủ tục, đăng ký…
Để khắc phục những khó khăn như trên, TS. Mạc Quốc Anh khuyến nghị phải tăng cường liên kết, hợp tác với các đối tác tại những quốc gia có nền công nghiệp lõi như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc... Cùng với đó, các chính sách cần quy định cụ thể hơn về nhận chuyển giao khoa học công nghệ tiên tiến, giúp các doanh nghiệp nhanh chóng tiếp cận công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh./.