/ Tin tức
Phát triển công nghiệp hỗ trợ: Thay vì ‘than vãn’ hãy tìm phương pháp
Theo PGS, TS Nguyễn Mại, để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, thay vì ngồi "kêu ca", "than vãn", hãy suy nghĩ để tìm ra những phương pháp hợp tác mới.
Nhiều chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, mặc dù được đánh giá là điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư nước ngoài nhờ vào lợi thế vị trí địa lý thuận lợi, tăng trưởng kinh tế cao, nguồn nhân lực không ngừng được cải thiện… Tuy nhiên, công nghiệp hỗ trợ kém phát triển là một trong những “điểm nghẽn”, làm giảm cơ hội thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài của Việt Nam thời gian qua.
Để thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước phát triển, thời gian qua Chính phủ và Bộ Công Thương, cũng như các địa phương đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân tham gia vào lĩnh vực này. Trong đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 111/2015/NĐ-CP về phát triển công nghiệp hỗ trợ. Ban hành kèm theo Nghị định là Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển, bao gồm 7 loại sản phẩm của ngành dệt may; 7 loại sản phẩm của ngành da giày; 9 loại sản phẩm của ngành điện tử; 16 loại sản phẩm của ngành sản xuất lắp ráp ô tô; 8 loại sản phẩm của ngành cơ khí chế tạo; 8 loại sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho công nghiệp công nghệ cao.
Năm 2020, Chính phủ cũng ban hành Nghị quyết số 115/NQ-CP về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ. Bên cạnh đưa ra những mục tiêu tổng quát, cụ thể cho lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đến năm 2025 và 2030, Nghị quyết 115/NQ-CP cũng đưa ra những ưu đãi đối với doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ.
Tháng 6/2021, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị định 57/2021/NĐ-CP bổ sung điểm g khoản 2 Điều 20 Nghị định số 218/2013/NĐ-CP về ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ. Mới đây nhất, ngày 17/1/2024, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 71/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 68/QĐ-TTg ngày 18/1/2017 về việc phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ từ năm 2016 đến năm 2025.
Theo thống kê của Bộ Công Thương, hiện cả nước có khoảng 5.000 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ. Tỷ lệ nội địa hóa tại Việt Nam thời gian qua dù đã có sự cải thiện trong một số ngành, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của nền kinh tế. Cụ thể, trong lĩnh vực dệt may, da giày, tỷ lệ nội địa hóa khoảng 45-50%; cơ khí chế tạo đạt 15-20%; sản xuất, lắp ráp ô tô đạt 5-20%, riêng đối với một số sản phẩm xe như xe tải và xe khách thì tỷ lệ nội địa hoá cao hơn.
Kết quả từ sự hợp tác
Dẫn chứng câu chuyện điển hình của Tập đoàn Samsung về phát triển công nghiệp hỗ trợ, gia tăng tỷ lệ nội địa hóa tại Việt Nam, PGS, TS Nguyễn Mại – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài cho rằng: Giai đoạn 2017-2018, Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc) chỉ có 80 nhà cung ứng cấp 1 là các doanh nghiệp đến từ Hàn Quốc và chỉ có khoảng 10 đến 15 nhà cung ứng là của Việt Nam. Những doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam đa số làm những bộ phận đơn giản như bao bì, nhựa.
“Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại Tập đoàn Samsung công bố, đã có khoảng 300 nhà cung ứng linh, phụ kiện làm công nghiệp hỗ trợ là doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có khoảng 100 nhà cung ứng cấp 1” – PGS, TS Nguyễn Mại thông tin thêm.
Để có được kết quả trên, bên cạnh chính sách của nhà nước, thời gian qua Bộ Công Thương và Tập đoàn Samsung đã hợp tác hỗ trợ doanh nghiệp phát triển công nghiệp hỗ trợ. Trong đó, điển hình là dự án hỗ trợ phát triển nhà máy thông minh được Bộ Công Thương và Samsung hợp tác với mục tiêu hỗ trợ 50 doanh nghiệp và đào tạo 100 chuyên gia trong 2 năm (2022-2023). Bên cạnh dự án này, Bộ Công Thương cũng hợp tác với Samsung trong việc đào tạo chuyên gia tư vấn lĩnh vực nghiệp hỗ trợ; chương trình “Tổ chức tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật để cải tiến sản xuất tại các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh”; chương trình hợp tác đào tạo chuyên gia khuôn mẫu Việt Nam…
Từ những kết quả cụ thể trên, PGS, TS Nguyễn Mại cho rằng, thay vì ngồi “kêu ca”, “than vãn” cơ quan chức năng và doanh nghiệp đầu tư nước ngoài nên chủ động tìm ra những phương thức hợp tác mới, nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước phát triển.
Bởi theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, nếu doanh nghiệp trong nước đáp ứng được công nghiệp hỗ trợ thì các doanh nghiệp, Tập đoàn nước ngoài sẽ có được lợi ích lớn hơn rất nhiều so với việc phải mang các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ từ các quốc gia khác đến Việt Nam. Trong khi đó, phát triển được các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước sẽ mở ra cơ hội lớn cho Việt Nam thu hút được đầu tư từ các tập đoàn lớn, cùng với đó, tạo không gian cho doanh nghiệp trong nước phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh và đóng góp tích cực hơn vào tăng trưởng kinh tế - xã hội của Việt Nam.
Nguồn: Baocongthuong