/ Tin tức
Phát triển ngành công nghiệp ô tô bền vững: Cần tính toán đến kế sách lâu dài
Chuyên gia cho rằng, để ngành công nghiệp ô tô phát triển bền vững cần tính đến các yếu tố đồng bộ hạ tầng giao thông, chính sách "dung dưỡng nguồn thu".
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 109/2024/NĐ-CP ngày 29/8/2024 quy định mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô được sản xuất, lắp ráp trong nước.
Theo đó, chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ ô tô lắp ráp, sản xuất trong nước có hiệu lực thi hành trong 3 tháng kể từ ngày 1/9/2024 đến hết ngày 30/11/2024. Theo lý giải của Bộ Tài chính, chính sách này sẽ góp phần kích thích tiêu dùng, hỗ trợ tài chính cho người dân, doanh nghiệp, tạo đà để phục hồi tăng trưởng cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước. Đặc biệt, trước bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, thách thức thì việc thực hiện giảm mức thu lệ phí trước bạ đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước là một trong những giải pháp cần thiết.
Trao đổi với Báo Công Thương về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng, tình hình sức mua phương tiện ô tô hiện nay chưa phải là cao, khi tổng mức lưu chuyển hàng hóa vẫn còn ở mức khoảng 7,8% so với thời hoàng kim trước đó lên đến hai con số. Trong khi đó, nền kinh tế vẫn còn khó khăn, người dân chi tiêu tiết kiệm hơn và có cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng trước khi quyết định bỏ ra một số tiền lớn để mua sắm một chiếc ô tô.
Đặc biệt, các chủng loại ô tô điện, xe xăng của các quốc gia Trung Quốc, Thái Lan… “đổ bộ” vào nước ta với số lượng ngày càng lớn cũng tạo sức hút lớn với người tiêu dùng trong nước. Để thúc đẩy ngành công nghiệp ô tô phát triển bền vững, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng, giải quyết vấn đề giao thông đồng bộ là bài toán cần phải ưu tiên tính đến.
“Một yếu tố nữa cần nhắc đến, nếu vấn đề hạ tầng giao thông kết nối chưa giải quyết được và thiếu đồng bộ thì việc mua sắm xe cũng bị hạn chế. Tức là, tốc độ xây dựng tàu điện trên cao, tàu điện ngầm tại các đô thị lớn như ở Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh cần tăng thêm hàng trăm km nữa thì mới kích thích tiêu dùng và đáp ứng nhu cầu của người dân. Còn nếu vấn đề hạ tầng giao thông thiếu đồng bộ thì ngành công nghiệp ô tô khó có động lực phát triển tốt được”, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú phân tích.
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng, việc Chính phủ “chốt” phương án giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước trong 3 tháng thay vì 6 tháng như những năm trước là đã xem xét đến các cam kết về thương mại hàng hóa trong các FTA mà Việt Nam đã ký kết. Trực tiếp ở đây chính là các hãng xe nhập khẩu vào nước ta.
“Việc giảm thuế 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước trong 3 tháng có thể được coi là giai đoạn “quá độ” để cứu xe trong nước. Tức là, việc giảm thuế trước bạ này sẽ kích thích sức mua và hồi sức ngành sản xuất, lắp ráp ô tô nội địa trong một thời gian”, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú nhận định.
Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú bày tỏ băn khoăn, vậy sau 3 tháng giảm thuế này sẽ như thế nào để “cứu” liên doanh sản xuất, lắp rắp ô tô trong nước mà chúng ta đã kêu gọi đầu tư hàng chục năm nay? Do đó, ông Phú cho rằng, với phạm trù phương tiện vận tải hiện đại, phương tiện gia đình, các Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ… cần phải tính toán đến kế sách lâu dài.
Đặc biệt, để công nghiệp ô tô trong nước phát triển, các nhà hoạch định chính sách cần phải có chiến lược dài hơi. Đó là chính sách đẩy mạnh sức mua. Hay đó là hạ tầng giao thông cần được kết nối đồng bộ như bến đỗ xe, sạc điện, cây xăng… Thậm chí, xăng dầu, chi phí sạc điện, pin giá rẻ tại Việt Nam vẫn đang ở mức cao trong khu vực cũng là trở ngại lớn cho ngành công nghiệp ô tô phát triển.
“Ở các nước trên thế giới, người ta có chính sách “dung dưỡng nguồn thu”. Tức là, khi giảm thuế tưởng chừng Nhà nước mất thuế, nhưng khi nhà máy sản xuất ô tô nội địa có doanh thu, có nộp thuế và họ sẽ thu ngân sách ở đó. Có khi tiền thu ngân sách còn hơn nhiều tiền giảm thuế. Bởi, chúng ta cần lưu ý đến 3 mũi nhọn động lực phát triển kinh tế Việt Nam đó là đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng nội địa, trong đó có tiêu dùng ô tô. Việc “cởi trói” cho người dân, doanh nghiệp để “vòng sau” ta thu nhiều hơn, tôi cho rằng, chúng ta nên tính đến với ngành công nghiệp ô tô trong thời gian tới”, ông Phú nêu quan điểm.
Đánh giá cao các chính sách hỗ trợ từ chính phủ đối với sự phát triển của ngành ô tô, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng, một số chính sách tài khoá như giãn, hoãn tiền nộp thuế, tiền sử dụng đất,… giảm một số loại thuế và phí như thuế giá trị gia tăng, lệ phí trước bạ ô tô sản xuất lắp ráp trong nước, hay thuế bảo vệ môi trường… được Chính phủ mở rộng và có trọng tâm, trọng điểm trong khoảng 4 năm trở lại đây. Các chính sách này rất thiết thực và cần thiết trong bối cảnh doanh nghiệp và người dân còn nhiều khó khăn do các hoạt động tiêu cực gây ra từ dịch COVID-19 và trước những thách thức từ bên ngoài hay kể cả thách thức bên trong nội tại nền kinh tế Việt Nam.
“Mặc dù nền kinh tế nước ta có phục hồi nhưng sức cầu tiêu dùng và cầu sản xuất vẫn yếu. Do vậy, chính sách tài khoá lúc này sẽ giúp kích cầu tiêu dùng và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, song song cũng góp phần kiểm soát lạm phát ổn định kinh tế vĩ mô”, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực nhận định.
Nguồn: Kinhte.congthuong