/ Tin tức
Quý III/2024, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 8,34%
Tính chung 9 tháng năm 2024, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 8,34% so với cùng kỳ năm trước, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,76%.
Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,76%
Theo báo cáo mới nhất về tình hình kinh tế - xã hội tháng 9 và 9 tháng đầu năm do Tổng cục Thống kê công bố sáng 6/10 cho thấy, hoạt động sản xuất kinh doanh trong quý III/2024 tăng trưởng tích cực hơn quý trước, tốc độ tăng giá trị tăng thêm ngành công nghiệp ước đạt 9,59% so với quý III/2023.
Tính chung 9 tháng năm 2024, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 8,34% so với cùng kỳ năm trước, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,76%.
Đáng chú ý, giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp 9 tháng năm 2024 ước tính tăng 8,34% so với cùng kỳ năm trước (quý I tăng 6,47%; quý II tăng 8,78%; quý III tăng 9,59%). Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,76% (quý I tăng 7,21%; quý II tăng 10,39%; quý III tăng 11,41%), đóng góp 2,44 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 11,11%, đóng góp 0,43 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 9,83%, đóng góp 0,06 điểm phần trăm; riêng ngành khai khoáng giảm 7,01%, làm giảm 0,22 điểm phần trăm trong mức tăng chung.
Chỉ số sản xuất 9 tháng năm 2024 của một số ngành trọng điểm thuộc ngành công nghiệp cấp II tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Phẩm từ cao su và plastic tăng 28,8%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 24,7%; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 18,8%; sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất tăng 16,9%; sản xuất xe có động cơ tăng 13,0%; dệt tăng 12,8%; sản xuất kim loại tăng 12,3%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 12,0%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 11,6%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 9,1%; sản xuất chế biến thực phẩm tăng 7,8%.
Báo cáo cũng chỉ ra, chỉ số sản xuất công nghiệp 9 tháng năm 2024 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 60 địa phương và giảm ở 03 địa phương trên cả nước. Một số địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp đạt mức tăng khá cao do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao.
Ở chiều ngược lại, một số địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng thấp hoặc giảm do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, ngành khai khoáng và ngành sản xuất, phân phối điện tăng thấp hoặc giảm.
Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực 9 tháng năm 2024 tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Thép thanh, thép góc tăng 26,7%; xăng, dầu tăng 20,3%; thép cán tăng 16,8%; vải dệt từ sợi tự nhiên tăng 15,9%; đường kính tăng 13,5%; phân hỗn hợp NPK tăng 13,3%; sữa bột tăng 12,1%; ô tô tăng 11,9%. Ở chiều ngược lại, một số sản phẩm giảm so với cùng kỳ năm trước: Khí đốt thiên nhiên dạng khí giảm 16,5%; khí hóa lỏng LPG giảm 15,0%; điện thoại di động giảm 7,6%; dầu mỏ thô khai thác giảm 5,9%; than đá (than sạch) giảm 4,2%; bia giảm 2,8%; alumin giảm 2,3%.
Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 9/2024 giảm 2,1% so với tháng trước và tăng 12,7% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung chín tháng năm 2024, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 12,5% so với cùng kỳ năm 2023 (cùng kỳ năm 2023 tăng 0,6%).
Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính tại thời điểm 30/9/2024 tăng 5,2% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 8,5% so với cùng thời điểm năm trước (cùng thời điểm năm trước tăng 19,4%). Tỷ lệ tồn kho toàn ngành chế biến, chế tạo bình quân chín tháng năm 2024 là 76,8% (bình quân 9 tháng năm 2023 là 85,3%).
Huy động mọi nguồn lực cho phát triển công nghiệp
Theo Bộ Công Thương, Bộ đã tập trung các biện pháp ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, duy trì tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, kịp thời cập nhật kịch bản tăng trưởng lạm phát mới. Phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, hài hòa các chính sách điều hành kinh tế vĩ mô nhằm duy trì mức tăng trưởng của nền kinh tế trong bối cảnh mới. Theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả các mặt hàng thiết yếu, nhất là một số mặt hàng có xu thế tăng giá như lương thực thực phẩm, vật tư nguyên liệu….
Ông Phạm Tuấn Anh- Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) thông tin thêm, Bộ Công Thương cũng đưa ra kế hoạch, định hướng, nhiệm vụ và giải pháp phát triển sản xuất công nghiệp những tháng cuối năm, cụ thể:
Thứ nhất, tập trung hoàn thiện thể chế phát triển công nghiệp, trong đó, chú trọng hoàn thiện cơ chế quản lý của nhà nước với phát triển công nghiệp, hạn chế sự chồng chéo, bảo đảm tính ổn định, nhất quán, khuyến khích phát triển sản xuất.
Trên cơ sở quan điểm, định hướng chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, ngay từ những ngày đầu năm 2024, Bộ Công Thương đã quán triệt, cụ thể hóa trong các chương trình, kế hoạch hành động; tập trung rà soát, tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, nhanh chóng những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đề ra; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm huy động mọi nguồn lực cho phát triển công nghiệp.
Thứ hai, nâng cao hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành công nghiệp và tái cấu trúc doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước theo Đề án đã được phê duyệt. Xây dựng cơ chế và lộ trình phát triển số lượng doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, đặc biệt quan tâm phát triển doanh nghiệp hỗ trợ. Có cơ chế tạo điều kiện cho các doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam có cơ hội giao lưu, kết nối doanh nghiệp cũng như tăng cường xúc tiến, thu hút, tìm kiếm đối tác đầu tư từ nước ngoài.
Thứ ba, chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho phát triển công nghiệp. Đẩy mạnh ứng dụng thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0 vào sản xuất công nghiệp. Tập trung đầu tư xây dựng một số cơ sở nghiên cứu khoa học và công nghệ có đủ năng lực tiếp thu làm chủ công nghệ mới, sáng tạo công nghệ phục vụ phát triển các ngành, lĩnh vực công nghiệp ưu tiên. Tăng cường đầu tư, đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu phát triển (R&D) để có thể tự nghiên cứu, thiết kế, chế tạo một số sản phẩm công nghệ cao, đồng thời mở rộng quan hệ hợp tác khoa học và công nghệ tầm quốc gia với các đối tác chiến lược.
Thứ tư, tăng cường thu hút đầu tư cho phát triển công nghiệp. Hoàn thiện hệ thống chính sách ưu đãi, thông thoáng gắn với công tác tuyên truyền, xúc tiến đầu tư để thu hút nguồn vốn trong xã hội và đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư vào phát triển các ngành công nghiệp. Khuyến khích các doanh nghiệp mở rộng quy mô đầu tư cả về nguồn vốn và phạm vi. Kêu gọi các tập đoàn lớn, đa quốc gia tham gia đầu tư các dự án quan trọng trong danh mục dự án trọng điểm quốc gia kêu gọi FDI.
Bên cạnh đó, tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất để thúc đẩy sản xuất, đẩy mạnh xuất khẩu. Đẩy mạnh tận dụng các đơn hàng xuất khẩu sẵn có và cơ hội xuất khẩu sang các thị trường trên thế giới, nhất là các mặt hàng lương thực thực phẩm và tiêu dùng. Khai thác tối đa các thị trường truyền thống và tiếp tục khai mở thị trường mới theo đề xuất của Bộ Công Thương.
Ngoài ra, các đơn vị sản xuất, kinh doanh cần bám sát thị trường, mở rộng hoạt động tìm kiếm khách hàng mới; tăng cường kết nối chuỗi sản xuất - tiêu thụ; cân đối lượng tồn kho và tiêu thụ để bảo đảm dòng tiền cũng như chất lượng sản phẩm, bố trí sản xuất linh hoạt để duy trì hoạt động sản xuất tối ưu. Quan trọng là các hiệp hội, ngành hàng cần tăng cường hoạt động kết nối doanh nghiệp, đẩy mạnh việc tiêu thụ sản phẩm của nhau.
Nguồn: Baocongthuong